Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số thiếu điện, ĐBQH đề nghị đầu tư sớm
(Dân trí) - "Ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa, rất nhiều người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không được tiếp cận với những tiện ích do điện đem lại. Đây là thiệt thòi lớn", ĐBQH Nguyễn Thị Huế nói.
Thực tế thiếu điện ở khu vực vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) nêu ra trước nghị trường, khi góp ý về việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo nữ đại biểu, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ. Với sự phát triển rất phong phú, đa dạng của các ngành khoa học, việc ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội lên một tầm cao mới.
Nhiều nơi thiếu điện, không có sóng điện thoại
Tuy vậy, bà nêu thực tế ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không được tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại.
"Đây là sự thiệt thòi vô cùng lớn của những người dân sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn", theo bà Huế.
Tại Tờ trình số 3462 ngày 15/6/2021 của Bộ Công Thương về đề nghị phê duyệt chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đến năm 2025 đầu tư cấp điện cho 911.400 hộ dân tại 14.676 thôn bản trên địa bàn 3.099 xã thuộc 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng nguồn vốn cho đầu tư này khoảng 29.779 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế băn khoăn khi số lượng hộ dân được thụ hưởng rất lớn và đa số là các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhưng đến nay, chương trình trên chưa được Chính phủ phê duyệt, không có cơ sở để đề xuất nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện.
"Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hiện nay chưa cân đối được khoảng hơn 20.883 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này", bà Huế nói.
Vấn đề thứ hai được đại biểu đề cập là chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức cấp xã.
Bà Huế nêu thực tế gần đây, có hiện tượng một số cán bộ công chức cấp xã ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác. Nguyên nhân, do họ phải chịu áp lực rất lớn khi số lượng người ít, nhiều nhiệm vụ phải triển khai và rất nhiều việc mới, việc khó.
"Tiền lương của họ rất thấp, ngoài lương chính và phụ cấp khu vực xa, hầu như không có phụ cấp khác. Theo thực tế, thu nhập mỗi tháng của họ được 5-6 triệu đồng, trong khi đi làm công nhân được khoảng 10 triệu đồng, đi xuất khẩu lao động được khoảng 20-30 triệu đồng", đại biểu tỉnh Bắc Kạn dẫn chứng.
Một nguyên nhân, theo bà Huế, là địa bàn miền núi với địa hình chia cắt, đường xá đi lại chưa thuận lợi, có nơi chưa có điện và sóng điện thoại nên việc triển khai công việc phải đến trực tiếp với người dân, phát sinh chi phí đi lại. Vì thế, nhiều cán bộ, công chức cấp xã không có ngày nghỉ, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, không đảm bảo được đời sống cho gia đình.
"Nếu không có giải pháp sớm để khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo có kinh nghiệm, hiểu dân, giao tiếp được với nhân dân bằng tiếng dân tộc và có thể sẽ thành rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia", theo bà Huế.
Từ thực tế nêu, nữ đại biểu đề nghị quan tâm bố trí cân đối nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giúp gần 2 triệu người dân được thụ hưởng những tiện ích do điện mang lại, giảm bớt thiệt thòi, góp phần nâng cao dân trí, an sinh xã hội.
Đề xuất thứ hai, bà Huế nhấn mạnh cần quan tâm chính sách về tiền lương, phụ cấp thỏa đáng để cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Tạo quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Chương trình chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án và mục tiêu cụ thể.
Đại biểu K' Nhiễu (Lâm Đồng) nhắc đến vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông chỉ ra thực trạng gia tăng dân số ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tạo áp lực đối với đất đai canh tác truyền thống, sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các dự án khai khoáng, năng lượng, phát triển giao thông đô thị… cũng tạo nên sức ép về quỹ đất, dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất, còn đất rừng đang bị lấn chiếm, tranh chấp.
Đây cũng là nguyên nhân khiến đời sống một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, theo vị đại biểu.
"Nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số là nhóm yếu thế cần được sự quan tâm đặc biệt và có chính sách hỗ trợ kịp thời", ông K' Nhiễu nhấn mạnh.
Theo ông, việc quy định hiện hành chỉ mang tính chất nguyên tắc về những bảo đảm của Nhà nước cho người sử dụng đất, chưa đáp ứng yêu cầu về đất đai cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững, cần tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất.
Vị đại biểu đề nghị thực hiện hiệu quả tạo quỹ đất phục vụ hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là quỹ đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần lập kế hoạch để tiếp tục thu hồi phần diện tích đất giữ lại cho công ty nông, lâm trường theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không tiếp tục thực hiện mà cho thuê, cho mượn, giao khoán hoặc khoán trắng cho người khác sử dụng trái phép. Việc này nhằm tạo quỹ đất cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với người đồng bào dân tộc và thiểu số.