Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Phân cấp "trọn gói" cho cấp huyện, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc

Hoài Thu

(Dân trí) - "Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện", theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Thực trạng triển khai cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đều đang rất chậm.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi việc này khiến nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong khi cuộc sống của họ vốn dĩ rất khó khăn.

Thí điểm phân cấp cho cấp huyện

Là "người chỉ huy" thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng từ kỳ họp thứ 5 đến nay, việc thực hiện các chương trình này đã chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển cơ bản được tháo gỡ.

Phân cấp trọn gói cho cấp huyện, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc - 1

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (Ảnh: Phạm Thắng).

Để đưa các chính sách hỗ trợ đến với đồng bào dân tộc thiểu số, một giải pháp thiết thực, theo Phó Thủ tướng, là phân cấp cho địa phương, giúp địa phương chủ động giải quyết những vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong việc lồng ghép các chương trình trong cùng một cấp có thẩm quyền.

"Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện", Phó Thủ tướng cho biết.

Liên quan đến việc chuyển vốn, Phó Thủ tướng kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn năm 2022 đến hết năm 2024 để tránh bị cắt nguồn vốn sự nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn cho các chương trình rất hạn hẹp, trong khi mục tiêu đặt ra rất lớn lao.

Phân cấp trọn gói cho cấp huyện, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long) nhận định việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

3 Chương trình mục tiêu quốc gia:

Xây dựng nông thôn mới;

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

Xóa đói giảm nghèo bền vững.

Góp ý về chính sách tín dụng ưu đãi do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện, bà Thanh đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024-2025 để tiếp tục thực hiện các chương trình, trong đó ưu tiên tập trung tăng nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn chương trình vay vốn ưu đãi về thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cũng đề xuất cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm, để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Phân cấp trọn gói cho cấp huyện, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc - 3

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: Phạm Thắng).

"Đồng thời, cần xem xét điều chỉnh chính sách tín dụng cho phù hợp với thực tiễn nhằm thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng vay, như nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phù hợp với nhu cầu đầu tư và diễn biến giá cả thị trường; bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách", theo bà Thanh.

Cùng với đó, theo bà Thanh, các cơ quan có thể xem xét cho phép những xã thuộc khu vực II, III khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn trong khoảng thời gian 3 năm.

Nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ

Góp ý vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng cần đặc biệt quan tâm việc hoàn thiện cơ chế, chính sách.

"Giải pháp này phải được chú trọng trước tiên vì đang có quá nhiều điểm nghẽn về chính sách do không phù hợp thực tiễn, không thể triển khai được, thậm chí có những chính sách xung đột nhau về quy định giữa bộ này với bộ khác", theo lời bà Nga.

Nữ đại biểu lo ngại nếu không tháo gỡ ngay sẽ không thể tiến hành tiếp chương trình và các giải pháp còn lại cũng không thể phát huy hiệu quả.

Phân cấp trọn gói cho cấp huyện, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc - 4

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong phần nguyên nhân của những hạn chế, bất cập của chương trình, báo cáo giám sát chỉ ra nguyên nhân khách quan là chương trình được triển khai thực hiện tại các địa bàn có địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt, xa trung tâm lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Song theo bà Nga, đây không phải nguyên nhân khách quan dẫn đến những hạn chế trong thực hiện chương trình.

Bởi vốn dĩ, chương trình này là để hỗ trợ người dân ở các địa bàn như vậy. "Trong lúc xây dựng chương trình và các dự án đã phải khảo sát kỹ địa bàn và các đặc điểm để ban hành chính sách nên đây không thể coi là nguyên nhân khách quan của các hạn chế", bà Nga nói và đề nghị điều chỉnh lại phần đánh giá này.

Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ điểm hạn chế chung nhất của 3 chương trình là chậm tiến độ, song từ khía cạnh khác, bà Nga cho rằng tất cả những điều này có liên quan trực tiếp đến năng lực cán bộ và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Bởi vậy, trong tổng thể các giải pháp để tháo gỡ khó khăn mà Đoàn giám sát kiến nghị ở mỗi chương trình, nữ đại biểu đề nghị đặc biệt quan tâm một cách thực chất và khắt khe hơn nữa về vấn đề con người thực hiện.

"Đặc biệt là năng lực và trách nhiệm của cán bộ, bởi lẽ cán bộ là gốc của mọi công việc, chừng nào còn khó khăn, vướng mắc ở chính những người thực thi công vụ, chừng đó công việc vẫn còn gặp nhiều trở ngại", theo lời nữ đại biểu tỉnh Hải Dương.