"ĐBQH nên dành ít nhất 30% thời gian để hoàn thành nhiệm vụ dân cử"
“Tuy nhiên, thời gian chỉ là yếu tố có tính chất định lượng, quan trọng hơn là nội dung, phương pháp và nỗ lực, quyết tâm của họ khi làm nhiệm vụ ĐBQH”.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội liên quan đến vụ việcđại biểu Phạm Khánh Phong Lan và Nguyễn Sỹ Cương"bị" đòi giải trình về những chất vấn "đụng chạm", đại biểu Quốc hội TPHCM Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoàn toàn có quyền chất vấn, yêu cầu cung cấp thông tin, có quyền yêu cầu giải quyết những vấn đề tồn tại và có quyền bày tỏ chính kiến.
** Về công văn của Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh giải trìnhvề những chất vấn của đại biểu này về công tác quản lý đấu thầu, nhập khẩu thuốc tại phiên họp do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức, ông có bình luận gì?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tôi chưa nghe ý kiến Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng nếu công văn đó là công văn phản ứng về việc ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan có ý kiến chất vấn thì không nên. Nhưng tôi tin rằng Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có quyết định hợp lý. Không chỉ Bộ trưởng Bộ Y tế mà tôi tin rằng trong điều kiện phát huy dân chủ hiện nay, chắc chắn không có vị Bộ trưởng nào có ý nghĩ hạn chế hay răn đe các ĐBQH là thuộc cấp của mình khi họ thực thi quyền đại biểu của họ.
** Vụ việc của các ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Nguyễn Sỹ Cương “bị” lãnh đạo bộ, ngành và một số công ty phản ứng khi có ý kiến chất vấn, theo ông sự can thiệp đó có lành mạnh hay không?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:Tôi chưa có thông tin chính thức là vị Bộ trưởng nào có phản ứng chính thức tiêu cực hay gay gắt đối với các ĐBQH trong ngành mình phụ trách. Tôi tin rằng hiện nay các bộ trưởng đều hiểu rõ việc trong ngành của mình có ĐBQH là ưu thế, thế mạnh của ngành ấy. Do đó tốt nhất là các bộ trưởng không chỉ ứng xử với các vị ĐBQH ở vị trí là cán bộ cấp dưới của mình mà nên ứng xử với cả hai cương vị của họ. Phải tôn trọng cả hai công việc chứ không vì họ là cấp dưới mà không tôn trọng họ với tư cách là ĐBQH.
Nếu có mối quan hệ được xây dựng tốt giữa các bộ trưởng hay lãnh đạo chính quyền với những thuộc cấp của mình đang là ĐBQH thì có lợi cả cho xã hội, cho nhân dân và cho ngành.
Cụ thể trong trường hợp của mình, tôi đã từng có việc phải phản ánh trực tiếp với Bộ trưởng Đinh La Thăng, sau đó Bộ trưởng về chỉ đạo giải quyết và tôi không phải đưa ra hội trường. Vụ việc được giải quyết, Bộ trưởng được cử tri hoan nghênh.
** Vậy theo ông, việc phản ứng của các ngành đối với đại biểu Phong Lan và Nguyễn Sỹ Cương có vi phạm quyền của đại biểu và quyền chất vấn mà cử tri yêu cầu hay không?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:Thực tế hiện nay nhiều đại biểu làm cùng lúc nhiều nhiệm vụ, bên cạnh nhiệm vụ là ĐBQH. Có những người công việc của họ là công việc làm ăn sinh sống với những đại biểu là công dân bình thường; nhưng có nhiều đại biểu còn đảm nhiệm những nhiệm vụ hết sức quan trọng, có nhiều người là thành viên trong hệ thống hành chính nhà nước hoặc trong tổ chức của Đảng, đoàn thể. Thực tế này khiến cho nhiều ĐBQH phải xử lý mối quan hệ giữa các nhiệm vụ và các yêu cầu đôi lúc có mâu thuẫn hay xung đột nhau.
Khi là ĐBQH họ phải làm tốt nhiệm vụ dân cử, không thể hy sinh vì những nhiệm vụ khác. Họ cũng phải dành ít nhất 30% thời gian để hoàn thành những nhiệm vụ dân cử. Tuy nhiên, thời gian chỉ là yếu tố có tính chất định lượng, quan trọng hơn là nội dung, phương pháp và nỗ lực, quyết tâm của họ khi làm nhiệm vụ ĐBQH, trong đó bao gồm cả việc xử lý các mối quan hệ khác nhau. Như vậy sẽ có lúc dẫn đến chuyện xung đột lợi ích. Đây là khái niệm rất bình thường trong kinh tế, luật pháp, xã hội và quan hệ Nhà nước mỗi quốc gia.
Có 2 cách để xử lý vấn đề này: nếu có thông tin cần thiết, đại biểu đó có thể phản ánh trong nội bộ trước, nếu thấy không chuyển biến thì phản ánh rộng rãi. Nhưng có nhiều việc không nhất thiết phải phản ánh theo nguyên tắc hành chính bởi nếu chất vấn, góp ý theo hệ thống hành chính thì không còn vai trò của ĐBQH nữa.
Trong trường hợp, đại biểu có “khoảng cách” với lãnh đạo bộ, ngành, khó có điều kiện để góp ý, vị đại biểu đó có thể quyết định và khi cách làm của họ không sai luật, đúng với chức trách và trách nhiệm của ĐBQH lãnh đạo bộ ngành sẽ phải chấp nhận, và tốt nhất theo tôi, nên đối thoại trực tiếp với đại biểu để có giải trình công khai minh bạch cho cử tri.
Tôi đồng ý rằng cũng có nhiều trường hợp tế nhị và nhạy cảm, do đó không loại trừ việc ĐB khi có thông tin do cử tri phản ánh, ĐB sẽ làm việc trong ngành trước, nhưng có trường hợp không khả thi, không dễ dàng, thậm chí ĐB góp ý xây dựng nhiều nhưng không chuyển biến. Giải quyết bức xúc của cử tri là ĐB đã thực thi trách nhiệm, quyền hạn của mình.
Theo Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội đang sửa đổi, ĐBQH hoàn toàn có quyền chất vấn, yêu cầu cung cấp thông tin, có quyền yêu cầu giải quyết những vấn đề tồn tại và có quyền bày tỏ chính kiến.
** Trong Luật có nói ĐBQH sẽ là trung tâm, là hạt nhân tạo thành sức mạnh của Quốc hội, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng ĐBQH vẫn chưa thể hiện được vai trò ấy?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:Luật đã định rồi, vai trò hoạt động của ĐBQH đã rõ rồi, chỉ còn khái niệm chính khách chưa nhất quán, Việt Nam có đặc điểm không giống nước khác. Trước hết phải xem thế nào là chính khách, chính trị gia nên không bình luận về chuyện đó.
Khi đã nói đến QH thì ĐBQH là những nhân tố hợp thành QH và hiệu quả của QH được quyết định bằng hiệu quả làm việc của ĐBQH. Thành phần cơ cấu, chất lượng hay trình độ, đạo đức của ĐBQH có ảnh hưởng đến hoạt động của QH.
** Theo Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu có quyền vừa phản biện pháp luật, vừa tự mình đi giám sát, ông có bao giờ tự đi giám sát?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa:Tôi có làm. Tuy nhiên, với tư cách thành viên của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thực hiện giám sát theo chương trình chung của Ủy ban cũng khá nặng. Do đó tham gia được hết các chương trình giám sát chung ấy cũng mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, tôi còn tham gia vào hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH. Thực ra, tham gia giám sát của hai cấp đấy là mình đã tham gia giám sát trực tiếp rồi.
Ngoài ra, trong cuộc sống, tiếp dân hàng ngày, hàng tháng, qua báo chí và qua nhiều kênh, tôi đã nắm thêm thông tin, nếu thấy có vấn đề phát sinh thì trực tiếp chuyển đến các Uỷ ban và các vị Bộ trưởng.
** Xin cảm ơn ông./.
Theo Thanh Hà
Vov.vn