“Việc từ chức phải trở nên bình thường hơn”

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang QH chiều 3/11 về chuyện xây dựng cơ chế từ chức trong Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường lập luận, cơ chế phân cấp chưa đảm bảo cho một Bộ trưởng có quyền lực toàn vẹn để phải chịu trách nhiệm toàn vẹn…

Là một Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về đề xuất đưa quy định cụ thể về vấn đề từ chức đối với các thành viên Chính phủ để tăng tính ràng buộc, trách nhiệm của cơ quan điều hành?

Thực ra từ chức là vấn đề mà xã hội chúng ta cần phải đón nhận như một việc bình thường và chuyện này ngày càng phải trở nên bình thường hơn. Một cán bộ được giao chức vụ rồi tự thấy mình không phù hợp, có thể là về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sở trường, có thể do sức ép công việc, có thể do những đề xuất tâm huyết không được ủng hộ, chấp nhận… đều có thể chọn cách từ chức chứ không nhất thiết phải là vì yếu kém, vì vi phạm đạo đức công vụ mà phải từ chức.

Và như thế, chuyện từ chức không chỉ đặt ra với thành viên Chính phủ mà là vấn đề đặt ra với tất cả những người có chức vụ quyền hạn do cơ quan có thẩm quyền giao. Việc này nếu quy định ở luật Tổ chức Chính phủ cũng không toàn diện mà nếu thế thì phải quy định toàn diện trong các luật như Tổ chức Quốc hội, Tổ chức TAND, VKSND…
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Nói Bộ trưởng là Tư lệnh ngành không hẳn đúng (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: "Nói Bộ trưởng là Tư lệnh ngành không hẳn đúng" (ảnh: Việt Hưng).

Tất nhiên, đúng là ở các nước, hành pháp bao giờ cũng là bộ phận đối mặt thử thách nhất, gay gắt nhất nên tiền lệ từ chức cũng phổ biến ở khối hành pháp vì phải thực thi công việc hàng ngày, đối phó với mọi vấn đề hàng ngày trong cuộc sống cũng như những sự việc đột xuất bất ngờ. Vậy nên thực tế, đối với hoạt động của cơ quan hành pháp thì quy định từ chức để trong luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng sẽ tập trung hơn. Nhưng nếu có, nên đưa quy định vào luật Giám sát của Quốc hội, HĐND sẽ bao quát hơn.

Thực tế, quy định về từ chức đã được thiết kế trong luật Cán bộ công chức năm 2008 nhưng đến nay chưa ghi nhận kết quả đáng kể với việc thực hiện quy định trong thực tế. Có ý kiến cho rằng, cần một cơ chế trực tiếp, ràng buộc về trách nhiệm mạnh mẽ hơn với các thành viên Chính phủ - những vị trí phải “va chạm” nhiều nhất, như ông nói - những người mà trách nhiệm chính trị đặt ra lớn hơn góc độ của một… công chức?

Luật Cán bộ công chức đã có quy định là một điểm rất tốt, mang tính bao quát và phủ rộng đến tất cả các cán bộ có chức vụ quyền hạn được giao. Nếu giờ quy định có thêm trong luật về hoạt động giám sát nữa sẽ tốt hơn.

Còn chuyện từ chức đến nay chưa đi vào thực tế, theo tôi, cần phải nhìn rộng hơn. Tới đây, luật pháp cần quy định rõ mỗi chức danh có chức năng nhiệm vụ thật cụ thể. Nguyên tắc thủ trưởng chế với tập trung dân chủ cũng phải quy định cho rạch ròi. Lúc đó thì chắc mọi việc sẽ khác.

Khi chức trách đã rõ ràng rồi, bất cứ người nào có tự trọng thì khi nhận trách nhiệm, nhiệm vụ gì cũng phải cân đong đo đếm cho cẩn thận chứ không phải như hiện nay. Hiện nay thực chất, việc đảm nhiệm chức trách là theo phân công. Giữa cá nhân và tập thể, phân công trách nhiệm cũng chưa thật rõ ràng, có thể là một người đứng đầu đó nhưng lại thực hiện quyết định của nhiều người khác, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, quyết định của một tập thể mà không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho một người cụ thể được.

Đúng là thực tế vừa qua chưa có trường hợp nào từ chức đúng nghĩa như quy định nhưng tôi hi vọng, triển khai rộng rãi nguyên tắc pháp quyền, các quy định mới của Hiến pháp được cụ thể hóa trong các luật rồi tiến tới việc đó sẽ đến.

Ông bình luận gì về ý kiến cho rằng, quy định về từ chức sẽ như một đòn bẩy tốt cho tính chịu trách nhiệm đối với những người đứng đầu trong cơ quan điều hành đất nước?

Tôi trở lại nguyên lý, không riêng gì Chính phủ, ngay trong Quốc hội cũng có thể nói không phải đại biểu Quốc hội nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình. Mà nếu nói về trách nhiệm chính trị của Thủ tướng, Bộ trưởng với tư cách các chính khách thì đại biểu Quốc hội chính là chính khách, được nhân dân bầu ra để thực hiện quyền lực cao nhất. Vậy nên nói gì cũng phải công bằng, không nên phân biệt mức độ trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước với nhau.

Thực ra ở các nước tôi cũng không thấy nhất thiết phải quy định trong luật về vấn đề từ chức. Đó là phạm trù thuộc về đạo đức công vụ. Ở đó, chỉ cần phát hiện ra một Bộ trưởng trong cuộc bầu cử sử dụng tài chính bất minh, có sai phạm này khác, như trường hợp 2 nữ Bộ trưởng của Nhật Bản vừa qua, là thấy họ phải từ chức rồi.

Còn ở ta, công tác cán bộ là của Đảng, Đảng giao nhiệm vụ mà từ chức thì cán bộ đó cũng phải báo cáo tổ chức chứ. Đó là nguyên lý, trừ khi người đó sai phạm quá sức rõ ràng.

Thời gian vừa qua trong đời sống xã hội của chúng ta đã xảy ra khá nhiều sự việc mà mức độ nghiêm trọng cũng tương đương nếu so sánh với những sự cố tai nạn, chìm phà chết người, doanh nghiệp đi đêm với quan chức… dẫn đến việc nhiều Bộ trưởng ở các nước phải từ chức. Có thể thấy, từ chức thực tế là một cơ hội lựa chọn, một “lối thoát” đối với quan chức để có thể tự quyết định số phận của mình, tránh một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nặng nề, để có thể rút về trong danh dự. Vậy sao ở Việt Nam, các Bộ trưởng vẫn chưa chọn con đường nhẹ nhàng thế cho mình?

Gốc của vấn đề mô hình phân công, phân cấp quyền lực. Nếu bạn gọi tôi là một Tư lệnh trong lĩnh vực Tư pháp thì hoàn toàn không đúng vì tôi chỉ đứng đầu Bộ Tư pháp thôi chứ Tư pháp ở địa phương không phải do tôi quản lý, đơn vị pháp chế của các Bộ khác cũng không phải do tôi quản lý. Còn ở các nước, tư pháp là công việc của Trung ương. Ngay cả hộ tịch viên cấp xã cũng là người của Trung ương cử xuống để làm công tác về hộ tịch. Như thế thì cán bộ cấp dưới nhất nhất không thể làm sai lệnh của Bộ trưởng được. Còn ở Việt Nam, hộ tịch viên là người giúp việc cho ông Chủ tịch xã. Thế thì làm sao nói Bộ trưởng Tư pháp phải chịu trách nhiệm cho việc ở cấp dưới được.

Cơ chế phân công, phân cấp quyền lực là yếu tố để đảm bảo người đứng đầu có quyền lực toàn vẹn, đồng thời cũng là để người đó phải chịu trách nhiệm toàn vẹn.

Dẫn chứng thực tế vừa qua có việc nọ việc kia mà dư luận đặt vấn đề phê bình Bộ trưởng Y tế nhưng đâu phải là Bộ trưởng Y tế sắp đặt những công việc cụ thể mà phía dưới là UBND các cấp quản lý, đảm nhiệm những việc này. Vậy tại sao lại đặt vấn đề yêu cầu Bộ trưởng Y tế phải từ chức. Như thế là rất vô lý.

Vậy nên, để thực hiện được, tôi cho là các yếu tố phải đồng bộ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo (thực hiện)