1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đau xót cảnh bố tiễn 3 người con trai chết vì HIV ở bệnh viện "đặc biệt"

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Ở bệnh viện "đặc biệt" điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (Hà Nội) đã có ông bố đau xót khi phải lần lượt đưa tiễn 3 đứa con trai mắc bệnh do nghiện ma túy và chết tại đây.

Kể từ khi được phát hiện vào những năm 1960, cho đến nay căn bệnh thế kỷ mang tên HIV/AIDS vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình có người thân mắc căn bệnh này.

Tại Hà Nội có một bệnh viện "đặc biệt" mang tên 09 (đường 70 Tân Triều, Thanh Trì) chuyên khám, chữa cho những người mang căn bệnh thế kỷ.

Hiện đơn vị đang điều trị miễn phí ngoại, nội trú cho hơn 400 bệnh nhân trên địa bàn của Thủ đô và một số địa phương lân cận, các bệnh nhân từ trại tạm giam chuyển tới với đủ mọi lứa tuổi.

Vượt qua sự mặc cảm

Kể từ khi thành lập cho đến nay, Bệnh viện 09 đã điều trị, chăm sóc cho hàng nghìn bệnh nhân và cũng có hàng trăm mảnh đời bất hạnh tử vong tại đây.

Là người chứng kiến sự ra đời và phát triển của bệnh viện cũng như tiếp xúc, thăm khám cho các bệnh nhân, bác sỹ Mai Thị Hường - Trưởng khoa Khám bệnh, tư vấn, điều trị ngoại trú (Bệnh viện 09) không thể quên những "kỉ niệm" buồn với bệnh nhân "neo đơn" trước khi mất chỉ ước ao được gặp người nhà, bệnh nhân nửa đêm lên cơn nghiện đau đớn kêu gào, chửi bới, đuổi đánh bác sỹ...

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về những niềm vui, câu chuyện buồn khi làm việc tại bệnh viện 09, bác sỹ Mai Thị Hường (53 tuổi) kể, năm 2006 gia đình bà chuyển công tác từ huyện Kim Sơn (Ninh Bình) ra Hà Nội làm việc. 

Đau xót cảnh bố tiễn 3 người con trai chết vì HIV ở bệnh viện đặc biệt - 1

Bệnh viện 09 nằm trên đường 70, huyện Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hải).

Thời điểm này, Bệnh viện 09 có tên là "Trung tâm chăm sóc, giảm nhẹ cho người có HIV".

Những ngày đầu có ý định chuyển ra Hà Nội làm việc tại cơ sở điều trị cho người HIV, gia đình cũng như lãnh đạo đơn vị cũ đều ngăn cản. 

Khi đi làm về, tôi chỉ biết ở nhà, không dám tiếp xúc với hàng xóm vì ngại nơi mình làm việc...", bác sỹ Hường nhớ lại những ngày đầu đặt chân tới Bệnh viện 09.

Đau xót cảnh bố tiễn 3 người con trai chết vì HIV ở bệnh viện đặc biệt - 2

Bệnh viện 09 là bệnh viện chuyên khoa hạng II trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hải)

Sau hơn 4 năm làm việc, nữ bác sỹ xin đi học chuyên khoa 1 và thi đỗ vào Học viện Quân y.

Đau xót cảnh bố tiễn 3 người con trai chết vì HIV ở bệnh viện đặc biệt - 3

Bệnh viện tuy không rộng nhưng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. (Ảnh: Hoàng Hải)

Bác sỹ Hường kể, qua tiếp xúc với những bệnh nhân nặng, thấy có nhiều người trong số họ có hoàn cảnh đáng thương khi không người thân thích, sức khỏe yếu chỉ "chờ" ngày chết nhưng khi được điều trị người bệnh đáp ứng tốt và chỉ sau 1 - 2 tuần họ như "biến" thành một người khác khỏe mạnh, tỉnh táo, tinh thần phấn khởi.

"Nhìn người bệnh khỏe mạnh sau thời gian ngắn điều trị khiến tôi rất vui và dần dần niềm yêu nghề, gắn bó với người HIV nảy nở từ lúc nào không hay. Sau này, có nhiều bên "mời" đến làm việc nhưng tôi quyết tâm ở lại và gắn bó với bệnh viện đến hiện tại", bác sỹ Hường nói.

Đau xót cảnh bố tiễn 3 người con trai chết vì HIV ở bệnh viện đặc biệt - 4

Các bệnh nhân ngoại trú thường đến bệnh viện lấy thuốc vào buổi sáng. (Ảnh: Hoàng Hải).

Những bệnh nhân "tử thần"

Trong số hàng trăm câu chuyện vui, buồn với bệnh nhân, bác sỹ Hường vẫn nhớ như in về cậu thanh niên ngoài 20 tuổi người Hải Phòng nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục cách đây gần 10 năm.

Ngày đến 09, thanh niên này được chẩn đoán nhiễm AIDS giai đoạn cuối và nhiều người còn nói đùa rằng về đây để ra Nghĩa trang Văn Điển cho gần.

Lúc mới nhập viện, bệnh nhân suy sụp tinh thần, thường xuyên chửi mắng bác sỹ, không cho lấy máu và sau nhiều ngày được an ủi, động viên chàng thanh niên dần hiểu HIV không hề đáng sợ như mọi người thường truyền tai nhau.

Qua điều trị 1 tuần, bác sỹ Hường phát hiện bệnh nhân bị nấm và sau 6 tháng điều trị thì bệnh tình thuyên giảm, sức khỏe bình thường.

Đau xót cảnh bố tiễn 3 người con trai chết vì HIV ở bệnh viện đặc biệt - 5

Các bệnh nhân hiện tại hầu hết đều điều trị ngoại trú nên bệnh viện khá vắng vẻ. (Ảnh: Hoàng Hải).

Mặc dù đã chia tay nhiều năm nhưng nam bệnh nhân vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe người đã "cứu vớt" cuộc đời mình mỗi dịp lễ, tết.

Ở 09 ngoài những bệnh nhân "ngoan" thì có rất nhiều người sống theo kiểu "xã hội" chửi mắng, đe dọa bác sỹ mỗi khi họ không vừa lòng.

Cách đây khoảng 3 - 4 năm có bệnh nhân đến viện đăng ký khám còn cầm theo dao, kéo, búa đặt "bịch" xuống bàn giữa thanh thiên bạch nhật khiến cho các điều dưỡng, bác sỹ trẻ sợ tái mặt.

Lúc này, bác sỹ Hường lại phải nhẹ nhàng nói chuyện, khuyên họ đi chỗ khác.

Đau xót cảnh bố tiễn 3 người con trai chết vì HIV ở bệnh viện đặc biệt - 6

Trưởng khoa Mai Thị Hường đã có 16 năm làm việc tại Bệnh viện 09. (Ảnh: Hoảng Hải).

Theo bác sỹ Hường, hầu hết các bệnh nhân nghiện ma túy dẫn tới HIV/AIDS đều bị gia đình xa lánh, không quan tâm. Thậm chí, có bệnh nhân khi chuyển biến nặng, bác sỹ gọi cho gia đình thông báo thì người nhà trả lời "bao giờ chết thì gọi".

Rất nhiều mảnh đời đáng thương khi đến 09, có người nhiễm HIV do khách quan như bố mẹ bỏ nhau, bố mẹ không quan tâm tới con cái vì mải làm ăn nên con chơi với bạn xấu dẫn tới nghiện ma túy.

Đặc biệt, có gia đình 3 người con trai đều nghiện ma túy dẫn tới HIV/AIDS rồi lần lượt qua đời.

"Tôi đã từng chứng kiến có ông bố đã tiễn 3 đứa con ở bệnh viện này, nhìn những mảnh đời bất hạnh đấy thấy buồn lắm. Đa phần các bệnh nhân trước khi mất rất mong muốn được gặp bố, mẹ và người thân.

Có nhiều bệnh nhân chết không nhắm mắt do chưa gặp được người nhà, lúc đó tôi cũng rất buồn và thầm nói với bệnh nhân hãy thông cảm cho gia đình và ra đi thanh thản, sau đó tôi vuốt mắt họ mới nhắm...", bác sỹ Hường nhớ lại những câu chuyện buồn đã qua ở Bệnh viện 09.

Bác sỹ Hường cho biết, từ năm 2007 đến 2012 bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân HIV/AIDS, thời điểm này, có ngày 3 - 4 người tử vong.

Từ năm 2013 tới nay, bệnh viện có kinh nghiệm điều trị, thuốc tốt nên người tử vong giảm rõ rệt, giờ mấy tháng mới có một người chết vì HIV/AIDS và bệnh nhân tử vong là do "nhiễm trùng cơ hội". 

Công tác ở một môi trường "đầy rẫy" những nguy hiểm, điều khiến bác sỹ Hường lo lắng nhất chính là lây bệnh lao từ bệnh nhân chứ không phải bị "phơi nhiễm" HIV, bởi bệnh lao rất dễ lây và nó có thể đi theo người bệnh cả đời.

Trước thực trạng người nhiễm HIV trong nhóm đồng giới nam thời gian gần đây gia tăng, bác sỹ Hường đưa ra khuyến cáo, khi quan hệ tình dục phải dùng phương pháp bảo vệ, khám sức khỏe định kỳ 1 năm ít nhất 1 lần còn tốt nhất là 2 lần.

Bởi viêm gan B, viên gan C, nhiễm HIV nếu phát hiện sớm, điều trị tốt bệnh nhân sẽ ổn định về sức khỏe, sống thọ còn nếu để muộn sẽ khó chữa, nguy cơ tử vong cao.

Những người đã nhiễm HIV nên có biện pháp phòng tránh cho người khác, tuân thủ việc uống thuốc ARV.

Trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh sau khi quan hệ với bạn tình thì phải dùng thuốc phơi nhiễm ngay lập tức từ 48 đến 72 giờ và khám định kỳ.

Kết thúc cuộc trò chuyện Trưởng khoa Mai Thị Hường rất mong muốn các cấp, ngành hỗ trợ về nguồn thuốc ARV (Antiretroviral drug) để điều trị HIV và "cơ chế riêng" cho Bệnh viện 09.