1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Đấu giá thắng cho bằng được để lũng đoạn, độc quyền, đẩy giá"

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng đấu giá bất động sản mà không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn thị trường, buôn bán. Vì vậy cần thêm những chế tài chặt chẽ hơn.

Có hay không việc các doanh nghiệp bắt tay nhau cố tình đẩy giá cao?

Sáng 28/10, thảo luận tại hội trường Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh cầu tăng, cung khan hiếm nên các lực lượng thị trường đã tranh thủ tìm cách đẩy giá bất động sản lên để kiếm lời.

Theo ông, các lực lượng này gồm môi giới tung tin, thổi giá; những người đấu giá cố tình bỏ giá cao để đẩy giá thị trường lên; các doanh nghiệp lớn đưa bất động sản ra thị trường cùng bán với mức giá cao.

"Dư luận cho rằng liệu có hay không việc các doanh nghiệp bắt tay nhau cố tình đưa giá cao để thiết lập mặt bằng giá mới làm đẩy giá thị trường tăng lên", ông Cường nêu.

Đấu giá thắng cho bằng được để lũng đoạn, độc quyền, đẩy giá - 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu trước Quốc hội sáng 28/10 (Ảnh: Phạm Thắng).

Nhằm kiểm soát tình trạng tăng giá bất động sản, bên cạnh những giải pháp về giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản để tăng nguồn cung, ông Cường cho rằng để ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi không mua, không thể tăng tiền đặt cọc vì nếu tăng sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh.

Theo ông Cường, cần quy định người tham gia đấu giá phải chứng minh đủ tiền để mua nếu trúng đấu giá, bằng việc xác nhận tài khoản tiền gửi ngân hàng hoặc tài sản bảo đảm khác như nhà đất và phải cam kết nếu cố tình bỏ cọc sẽ bị phong tỏa các tài sản trên để xử lý.

Vị đại biểu cho rằng nếu có quy định như thế thì những người có nhu cầu mua thật sẽ dễ dàng chứng minh, đồng thời sẽ loại bỏ những người không có nhu cầu sử dụng, mục đích tham gia đấu giá để mua đi bán lại hoặc những người cố tình trả giá cao rồi bỏ cọc như vừa qua.

"Đề nghị trong Nghị quyết cần bổ sung ngay quy định này", ông Cường nêu.

Có nên tăng giá đặt cọc, tăng tiền đặt cọc lũy tiến?

Tranh luận về ý kiến trên, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu thực tế từ các phiên đấu giá gần đây, từng phiên đấu giá không thể đánh giá kịp năng lực của người đấu giá.

Ông Phước cho biết tại Quảng Nam, trong phiên đấu giá mỏ cát với giá ban đầu đưa ra là hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 200 vòng đấu giá, thời gian từ 8h ngày hôm nay đến 8h hôm sau, phiên đấu giá này lên đến 375 tỷ đồng.

Như vậy, theo quy định, giá cát là 150.000 đồng/m3. Sau khi đấu giá, đã đội lên 2,3 triệu đồng/m3.

Từ thực tiễn trên, đại biểu cho rằng chắc chắn có nguy cơ bỏ cọc.

"Mục tiêu của người đấu giá ở đây là thắng bằng được nhằm bỏ cọc. Doanh nghiệp làm lũng đoạn, độc quyền, đẩy giá lên cao gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp công trình đầu tư công ở Quảng Nam", đại biểu Phước nhận định.

Đấu giá thắng cho bằng được để lũng đoạn, độc quyền, đẩy giá - 2

Đại biểu Dương Văn Phước tranh luận (Ảnh: Phạm Thắng).

Không chỉ dừng lại ở đấu giá cát, ông Phước cũng nêu thực tế tại Hà Nội, nhiều phiên đấu giá "thâu đêm suốt sáng", cụ thể như phiên ở quận Hà Đông. Qua phiên đấu giá này, ghi nhận mức đấu giá cao lên đến 262 triệu đồng/m2.

Theo đại biểu, rõ ràng ở đây có dấu hiệu bất thường, nguy cơ trả giá cao rồi bỏ cọc.

Ông cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra tại huyện Thanh Oai, thấy rằng có 56/58 lô đất trúng giá cao. Người trúng thầu đấu giá xong có dấu hiệu bỏ cọc.

"Đấu giá mà không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn thị trường, buôn bán", đại biểu nêu.

Từ đó, đại biểu đề xuất tăng giá đặt cọc và tăng tiền đặt cọc lũy tiến theo từng vòng đấu và có chế tài mạnh để cấm những trường hợp này.

Lý giải thêm về đề xuất không nên tăng phí đặt cọc mà phải thực hiện thêm điều kiện người tham gia đấu giá, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, theo quy định phí đặt cọc là 5-20%.

Ông Cường nêu ví dụ bất động sản có giá khởi điểm 10 tỷ đồng, đặt cọc bỏ 2 tỷ đồng. Không phải ai tham gia đấu giá đều được mua, có thể 10 người tham gia chỉ 1 người mua.

Vì vậy, theo ông Cường, có thể nhiều người thấy rằng phải bỏ số tiền đặt cọc lớn nhưng chưa chắc được mua. Chi phí dồn tiền đặt cọc đã cản trở về tính toán kinh tế nên ít người tham gia đấu giá.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng cần tăng điều kiện với người tham gia đấu giá thông qua tài sản bất động sản hoặc tiền ngân hàng... Đề xuất nếu bỏ cọc sẽ bị xử lý bằng tài sản đã có, tương đương giá trị đấu giá.

Vị đại biểu khẳng định nếu áp dụng quy định này sẽ biết người không có tiền tham gia đấu giá chỉ với mục tiêu mua xong rồi bán lại sẽ không đủ điều kiện tham gia, còn những người thực chất mua sẽ chứng minh được.

Video: Hoa Lê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm