1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đáng lẽ con không chết!

(Dân trí) - Buổi sáng định mệnh 26/9 hôm ấy, Đỗ Đình Hưởng (sinh năm 1981, công nhân công trình xây dựng Bạc Liêu) được nghỉ sớm vì đã hoàn thành công việc. Nhưng cậu lại được gọi đi để tăng cường cho nhóm thợ khác. 30 phút sau, cầu sập, Hưởng là một trong số hơn 50 công nhân thiệt mạng.

Buổi sáng 3/10, khi phóng viên Báo Dân trí thay mặt toà soạn tìm đến nhà Hưởng để trao tiền và quà hỗ trợ, trời đổ mưa tầm tã do ảnh hưởng từ cơn bão số 5.

 

Nhà Hưởng ở thôn Bằng Trạch, xã Anh Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ dưới cơn mưa chìm trong sự nặng nề, buồn thảm. Bố mẹ của Hưởng, bà Đặng Thị Hạt và ông Đỗ Văn Khuê, ra đón khách với ánh mắt thất thần, đôi bàn tay cứ vò lấy nhau như muốn níu kéo cái gì đó vừa vuột mất.

 

Chỉ có một người duy nhất trong nhà vẫn cười, đó là cậu con trai út Đỗ Đình Thăng, 21 tuổi, bị bại não. Từ khi sinh ra Thăng chỉ biết kêu gào, cười và ăn.

 

Nhắc đến Hưởng, bà Hạt bật khóc nức nở, luôn miệng kêu trời sao nỡ cướp đi của bà đứa con trai hiếu thảo, ngoan hiền. Bà vẫn không thể tin được tai hoạ lại giáng xuống gia đình mình bất ngờ và bi thảm đến vậy. Hơn 20 năm trước, người mẹ ấy đã chết đi sống lại khi biết đứa con trai út của mình bị bại não - di chứng của thứ chất độc da cam từ người cha truyền lại cho con, khi ông chiến đấu ở chiến trường Miền Nam.

 

Ông Khuê nghẹn ngào kể, ông bà có 4 người con, gia cảnh rất khốn khó. Thương cha mẹ, Hưởng và hai người con khỏe mạnh còn lại quyết vào Nam kiếm sống. Ba anh em mỗi người mỗi nơi, gia đình chỉ gặp nhau vào dịp Tết.

 

Ông Khuê còn nhớ như in lời hứa của Hưởng trước lúc lên đường vào Cần Thơ làm việc, rằng sẽ cố gắng làm lụng thật chăm chỉ, để có tiền cuối năm cưới vợ.

 

Sáng hôm ấy, Hưởng nhận thêm nhiệm vụ ở bên bờ cầu phía Nam với hy vọng sẽ có thêm chút thu nhập…

 

Hai ngày sau, xác Hưởng được đưa về quê nhà để gia đình nhìn mặt lần cuối.

 

Đưa khách đến bàn thờ của con trai, ông Khuê run rẩy châm hương rồi cứ nhìn mãi lên tấm di ảnh - một chàng trai khôi ngô với nụ cười tưới rói, hân hoan.

 

Ở góc nhà còn có hai bóng người ngồi chết lặng nhìn mãi vào khoảng không vô định. Hai người anh của Hưởng là Đỗ Minh Khuê và Đỗ Cao Cường cuống cuồng về nhà khi nghe hung tin. Cho đến giờ, họ vẫn không thể tin Tết này gia đình sum họp sẽ không có Hưởng.

 

Thanh Trầm