DNews

Dân trí còn rất nhiều "dư địa" để bứt phá

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận định Dân trí còn nhiều "dư địa" để bứt phá. Còn ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói ông đọc báo Dân trí mỗi ngày.

Dân trí còn rất nhiều "dư địa" để bứt phá

Hôm nay (1/11) kỷ niệm tròn một năm tổ chức, sắp xếp lại hai cơ quan báo chí (báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội) thành báo Dân trí theo Quyết định số 1671 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Dân trí trong tiến trình đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội.

"Tôi đọc Dân trí mỗi ngày"

Nhớ lại thời điểm trước khi sắp xếp 2 tờ báo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam) cho rằng cũng có những băn khoăn, lo lắng, nghi ngại "liệu có bị vênh nhau" hay không…

"Tôi là người theo dõi cả 2 tờ báo và trải qua một năm đã cho thấy sự hợp nhất đầm ấm, gắn kết, không có những rạn nứt, khúc mắc gì. Đó là điều rất đáng mừng", ông Kỷ nói.

Ông Kỷ nhấn mạnh, Dân trí vẫn giữ vững được truyền thống đã gây dựng bao nhiêu năm qua, thuộc nhóm báo điện tử tốp đầu ở Việt Nam. Thông tin trên trang báo luôn nhanh nhạy, đa diện, chính xác, tạo được dấu ấn.

Dân trí còn rất nhiều dư địa để bứt phá - 1

Ông Nguyễn Thế Kỷ (Ảnh: Phạm Hưng).

"Nội dung trên báo điện tử Dân trí và ấn phẩm Lao động và Xã hội có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn. Tôi có hỏi lãnh đạo báo và nói chuyện với một số phóng viên, biên tập viên thì thấy tờ báo tự chủ về tài chính, anh em đều hài lòng về môi trường làm việc và mức thu nhập. Vài lần tới báo Dân trí trao đổi chuyên đề, tôi thấy anh em ở đây thảo luận rất sôi nổi, tự tin. Điều đó cho thấy Dân trí còn nhiều dư địa tốt để bứt phá phát triển hơn nữa", ông Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói ông đọc báo Dân trí mỗi ngày. "Dân trí nằm trong nhóm 5-7 tờ báo tôi đọc hàng ngày mỗi khi vào mạng internet. Tin tức, thông tin trên báo đạt được tính thời sự cao và rất đa dạng, phong phú; văn phong, cách tường thuật các sự kiện luôn chuẩn mực", ông Nghĩa nhận xét.

Đặc biệt, theo ông Nghĩa, Dân trí không tránh né các vấn đề nóng, từ nghị trường Quốc hội đến các lĩnh vực trong đời sống, đều có tính phản biện cao và mang tính xây dựng.

Dân trí còn rất nhiều dư địa để bứt phá - 2

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Ảnh: Phạm Thắng).

"Tôi rất quý Dân trí. Suốt nhiều năm làm đại biểu Quốc hội, các ý kiến của tôi nêu ra trên nghị trường hay trao đổi bên hành lang Quốc hội đã được báo phản ánh trung thực, chuẩn mực", ông Nghĩa nói tiếp.

Là một luật sư nổi tiếng, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa mong muốn báo sẽ có thêm nhiều bài viết phản ánh, bảo vệ, giúp đỡ những người yếu thế, có dấu hiệu oan sai trong xã hội. Qua thông tin trên báo, các cơ quan, ban ngành, công luận sẽ có điều kiện để xem xét, nhìn nhận vấn đề toàn diện, đúng đắn hơn; từ đó có cách xử lý hợp tình, hợp lý.

Đi vào chiều sâu, đóng vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH

"Dân trí là một trong hai tờ báo điện tử luôn hiện lên hàng đầu trong các trình duyệt trên điện thoại di động của tôi. Do truy cập thường xuyên nên trình duyệt tự động hiện báo Dân trí trên màn hình mỗi khi tôi click. Tại sao lại là Dân trí? Tôi có thể tự gọi mình là fan của báo từ khi còn là báo điện tử Dân trí, nhưng từ khi tổ chức lại hai cơ quan báo chí của Bộ LĐ-TB&XH thành báo Dân trí có vẻ như tôi lại thích tờ báo hơn", nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ.

Lý giải điều này, ông Tú cho rằng báo Dân trí dường như "đằm" hơn, đi vào chiều sâu, thực sự đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH. Trên báo có nhiều bài viết về những người có công, người lao động, trẻ em, người yếu thế...

Dân trí còn rất nhiều dư địa để bứt phá - 3

Lãnh đạo báo Dân trí tham gia lễ khởi công xây dựng phòng học Dân trí tại điểm trường Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (Ảnh: Công Bính).

"Tôi đặc biệt ấn tượng với chuyên mục Nhân ái trên báo. Dõi theo chuyên mục này, tôi cảm thấy rất vui vì có nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ, ủng hộ để có tiền chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt hơn hoặc có cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chính tôi cũng là cầu nối, thông tin về một số hoàn cảnh khó khăn, éo le để nhờ báo Dân trí giúp đỡ. Những bài báo đậm chất nhân văn đó được lan tỏa trên mạng xã hội để nhân thêm tình yêu thương", nhà báo Trần Anh Tú cho hay.

Cùng với cạnh tranh thông tin thời sự, ông Tú kỳ vọng báo sẽ tiếp tục đi sâu vào "thị trường ngách", thông tin về những hoàn cảnh khó khăn, trở thành cầu nối giữa mạnh thường quân và những người còn gặp nhiều khổ đau, không may mắn trong cuộc sống.

"Báo chí không chỉ nằm ở những dòng thông tin mà còn là tấm lòng, là sự nhân văn, là sự kết nối, giúp đỡ. Và như vậy, tờ báo sẽ trở thành người bạn, người thân của mọi nhà, muôn người", ông Trần Anh Tú tin tưởng.

Dưới góc nhìn nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về báo chí, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá tờ báo ngày càng chú trọng, thông tin đậm nét các vấn đề an sinh xã hội, chính sách lao động, việc làm, người có công, bảo hiểm xã hội.

Nhiều tuyến bài gắn liền với chính sách của Bộ LĐ-TB&XH, những câu chuyện đời sống chân thực, gần gũi với cuộc sống của người dân cũng được báo thể hiện sâu sắc, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.

"Tôi còn nhận thấy báo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động báo chí, mở rộng kênh tiếp cận thông tin tới độc giả thông qua website, mạng xã hội, các ứng dụng di động. Thiết kế giao diện của báo hiện đại, thân thiện với người dùng, dễ dàng truy cập trên nhiều thiết bị và cho phép người dùng đọc báo, xem video, nghe audio ngày càng tốt hơn. Báo không chỉ chú trọng đến nội dung mà còn đầu tư vào hình thức thể hiện, sử dụng hình ảnh, video, đồ họa chất lượng cao và rất hấp dẫn", TS. Phan Văn Kiền đánh giá.

Kiện toàn bộ máy, đảm bảo hài hòa và hiệu quả

Một năm trước, tại buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm nhà báo Phạm Tuấn Anh làm Tổng biên tập báo Dân trí, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định việc kiện toàn, tổ chức lại báo điện tử Dân trí và báo Lao động và Xã hội thành báo Dân trí là một sự kiện rất quan trọng của Bộ và của ngành, hướng tới mục tiêu đưa tờ báo trở thành tổ hợp truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của báo cần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được.

Dân trí còn rất nhiều dư địa để bứt phá - 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Tuấn Anh làm Tổng Biên tập báo Dân trí (Ảnh: Mạnh Quân).

Bên cạnh việc kiện toàn tổ chức, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo lãnh đạo báo Dân trí phải chăm lo cho đội ngũ "rất công bằng và công tâm", "tạo môi trường cho anh em hoạt động" và phấn đấu để "thu nhập tăng lên".

Thời gian sau đó, Đảng ủy, Ban Biên tập báo Dân trí đã hoàn thành kiện toàn bộ máy tổ chức, sắp xếp lại nhân sự theo đúng quy định, đảm bảo hài hòa, hiệu quả và ổn định.

Báo cũng xây dựng và ban hành quy chế hoạt động mới, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng ban, bộ phận; duy trì và phát triển các hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong cơ quan.

Dân trí còn rất nhiều dư địa để bứt phá - 5

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí trao quà tới gia đình chính sách, người có công tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 7 vừa qua (Ảnh: Mạnh Dũng).

Về nhân sự, từ ngày 31/10/2023 đến nay báo có tổng số 179 cán bộ, viên chức và người lao động. Báo Dân trí hiện có 2 loại hình báo chí là báo điện tử Dân trí và ấn phẩm báo in Lao động và Xã hội (phát hành 3 kỳ/tuần), tạp chí Vì Trẻ em, chuyên trang Dân sinh.