1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dân Hà Nội mới "sửa" CMND, hộ khẩu như thế nào?

(Dân trí) - "Trong thời gian chờ đổi mới hộ khẩu, CMND thì những quyển sổ hộ khẩu cũ vẫn có giá trị và mọi giao dịch vẫn diễn ra bình thường. Việc "đính chính", cấp đổi sẽ rất đơn giản, thuận tiện cho người dân".

Thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13 Công an Hà Nội) khẳng định.

Ông Phấn cho hay, theo quy định tất cả những giấy tờ thiết yếu của người dân đều phải đính chính, đổi lại để thuận tiện trong giao dịch theo địa giới hành chính khi sáp nhập.

Thưa ông, ước tính có bao nhiêu CMND, hộ khẩu của người dân phải đổi lại?

Hiện nay theo thống kê có khoảng 650.000 quyển hộ khẩu phải đính chính lại địa giới hành chính. Việc đính chính này trước mắt là đính chính ở tờ sau của quyển hộ khẩu cũ, ai có nhu cầu đổi mới hộ khẩu thì sẽ tiến hành đổi theo quy định.

Còn CMND, ước tính số công dân của các khu vực Hà Tây, Vĩnh Phúc khoảng hơn 3 triệu, trong đó tính tỉ lệ công dân phải làm CMND khoảng 60 - 70% thì cũng phải có khoảng trên 2 triệu người.

Vậy việc đính chính hộ khẩu có bắt buộc không, thưa ông?

Trong quy định của Luật cư trú những trường hợp thay đổi địa giới hành chính thì phải đính chính hộ khẩu. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy định này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vì vậy trước mắt chúng tôi sẽ giao cho lực lượng công an xã thu các sổ hộ khẩu của người dân để kiểm tra đối chiếu với nhân sự mà xã đó quản lý. Xã sẽ đính chính lại tại mặt sau của quyển hộ khẩu cũ xong ký nháy vào đấy để mang lên huyện ký.

Thưa ông, việc đính chính hộ khẩu người dân có phải đóng khoản lệ phí nào không?

Nếu làm mới hộ khẩu thì phải đóng theo quy định, còn đính chính thì người dân không phải mất bất kỳ một khoản lệ phí nào.

 

Dân Hà Nội mới "sửa" CMND, hộ khẩu như thế nào? - 1

Thượng tá Phạm Văn Phấn

Trường hợp người dân không đính chính hoặc chưa thể đính chính thì có ảnh hưởng gì đến các giao dịch không?

Với tốc độ của các huyện mới được thành lập thì lực lượng giải quyết tối đa chỉ 100 quyển hộ khẩu/ngày nên để hoàn thành việc đính chính thì phải mất khoảng 2 năm. Vì vậy trong thời gian chờ đính chính đó thì những quyển sổ hộ khẩu đó vẫn có giá trị giao dịch bình thường.

Người dân nếu có nhu cầu thì vẫn nhập khẩu bình thường. Cái này chúng tôi sẽ thông báo công khai trên toàn quốc để mọi người biết và giao dịch bình thường. Tóm lại mọi giao dịch của người dân không bị tắc lại.

Tuy nhiên, tôi lưu ý nếu muốn đổi CMND theo địa chỉ Hà Nội mới thì bắt buộc phải đính chính hoặc đổi sổ hộ khẩu mới. Có nghĩa là hộ khẩu phải đi trước một bước.

Đối với những trường hợp chuyển khẩu từ một huyện Hà Nội (mới) vào một quận nội thành thì thủ tục sẽ như thế nào?

Đối với trường hợp nhập vào thì rất đơn giản, sẽ áp dụng việc chuyển khẩu trong thành phố từ quận, huyện này sang quận, huyện khác. Thay vì người dân phải làm thêm thao tác đăng ký KT3 như trước đây.

Cụ thể, chỉ cần có giấy tờ nhà đất hợp pháp, sổ hộ khẩu kèm theo thông báo của công an nơi cư trú đến nơi nhập mới là sẽ cho nhập luôn.

Sau đó công an quận đồng ý cho nhập sẽ làm thủ tục đính chính quyển hộ khẩu. Thủ tục rất ngắn gọn chỉ trong vòng 7 ngày. Tóm lại, việc nhập, chuyển khẩu sẽ không còn sự phân biệt vì đã cũng chung một thành phố rồi.

Thưa ông, hiện theo quy định của Luật cư trú, thẩm quyền đăng ký hộ khẩu của Hà Nội thuộc cơ quan quận huyện, nhưng ở Hà Tây thì thẩm quyền đăng ký hộ khẩu lại thuộc thẩm quyền của xã, thị trấn. Vậy vấn đề này sẽ được xử lý thế nào?

Chính vì việc phân cấp này, nên qua khảo sát cho thấy hiện nay ở khu vực Hà Tây, các huyện chưa có trụ sở tiếp dân. Vì vậy, trước mắt từ này đến hết 2008 ở khu vực Hà Tây sẽ tiếp tục duy trì các điểm tiếp dân ở xã, thị trấn sau đó xúc tiến việc thành lập các phòng tiếp dân ở các huyện và đến đầu 2009 chính thức tiếp dân ở các quận huyện. Tóm lại vấn đề hộ khẩu ở khu vực sáp nhập trước mắt vẫn làm như cũ.

Dự tính bao giờ sẽ hoàn thành việc cấp đổi hoặc đính chính này, thưa ông?

Chúng tôi đang dự kiến đến 2010 mới hoàn thành việc cấp đổi, đính chính hộ khẩu cho dân cư sáp nhập. Công an TP sẽ có thông báo địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú tại các đơn vị mới sáp nhập về Hà Nội.

Theo đó, từ 1/8, việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết đăng ký cư trú tại các đơn vị sáp nhập về Hà Nội mới (Hà Tây, Mê Linh, và 4 xã thuộc Hoà Bình) vẫn thực hiện tại các xã phường, thị trấn và các địa điểm đã bố trí như hiện nay.

Mất 4 năm để đổi CMND cho người Hà Nội mới

Thượng tá Đỗ Đức Quang, Phó phòng PC13 (Công an TP Hà Nội), cho hay để hoàn thành việc cấp đổi hết hơn 2 triệu CMND cho các trường hợp đã cấp CMND trước đây ở tỉnh Hà Tây, Mê Linh, Vĩnh Phúc và 4 xã của Hòa Bình, thì phải mất thời gian khoảng 4 năm.

Việc cấp đổi mới sẽ được tiến hành từ 1/8, riêng đối với những hồ sơ tiếp nhận từ ngày 31/7 trở về trước thì khi cấp mới vẫn sử dụng địa danh và con dấu của địa danh cũ sau đó sẽ đổi lại.

Tuy nhiên, Thượng tá Quang cũng lưu ý nếu muốn đổi CMND theo địa chỉ Hà Nội mới thì việc đính chính hộ khẩu phải đi trước một bước. Vì theo quy định, người nào trước khi muốn đăng ký làm CMND mới thì phải đính chính hoặc đổi sổ hộ khẩu mới.

Tuấn Tú (thực hiện)