1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Bộ máy “chạy roda” đã tốt ngay chưa?”

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Việt Hưng cho rằng, đây mới là câu hỏi TP Hà Nội cần đặt ra để từ đó tập trung thực hiện cho tốt. Đại biểu Phạm Thị Loan cũng nhận định có nhiều việc phải làm, nhưng trước tiên cần “nhắm” vào tổ chức bộ máy, yếu tố con người.

Sáng 2/8, các đại biểu HĐND TP Hà Nội mới đã có buổi thảo luận đầu tiên xung quanh nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2008.

Chưa tính được “đáp án” cho GDP

Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng, thành phố đề ra con số tăng trưởng 11,5 - 12% là “lạc quan” và lo ngại về việc thực tế không thực hiện được như vậy. Dù 6 tháng đầu năm hai địa phương đều tăng trưởng tốt, nhưng theo bà Loan đó là hệ quả của năm trước, 6 tháng cuối năm tình hình lại khác hơn. Giá cả tăng cao, lãi suất ngân hàng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp phải co cụm lại, thậm chí thực hiện giảm biên chế nên sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng.

Các chỉ tiêu đặt ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng, cũng khiến đại biểu Nguyễn Việt Hưng không bằng lòng, nhưng ở khía cạnh khác. Theo ông Hưng, các chỉ tiêu đặt ra chỉ là một phép số cộng “thô” từ các con số của các địa phương. Từ đó, đại biểu này đề nghị không nên đề ra con số cụ thể chung cho cả thành phố mà nên giữ nguyên các chỉ tiêu của các quận, huyện…
 

Chỉ tiêu tăng GDP 6 tháng cuối năm của Hà Nội (cũ) là 12,5-13,5%, của Hà Tây là 14-14,5%. Chỉ tiêu tăng GDP của thủ đô Hà Nội đưa ra trong dự thảo nghị quyết trình kỳ họp này là 11,5-12%. Trong 6 tháng đầu năm 2008, Hà Nội đạt mức tăng GDP là 10,9%, Hà Tây đạt 13,4%.

“Có nhất thiết cộng các con số của các địa phương rồi chia ra không?”, đại biểu Chử Ngọc Tuất đồng quan điểm. Theo ông Tuất, không nên đưa ra các chỉ tiêu cụ thể chung cho thành phố mà nên tôn trọng những chỉ tiêu cũ của các đơn vị. Cuối năm, khi đã có cơ sở tính toán sẽ đề ra chỉ tiêu cụ thể cho năm tới.

Đại biểu Đào Xuân Mùi lại cho rằng, phải có các chỉ tiêu để cuối năm có cơ sở đánh giá. Tuy nhiên, theo ông Mùi, nếu chỉ tiêu chưa khoa học, chưa hợp lý thì cần phải tính toán lại.

Trước những ý kiến của đại biểu, Phó Chủ tịch Hoàng Mạnh Hiển lý giải, các cơ quan chuyên môn đã tính toán lại các chỉ tiêu và có tính đến những tác động nên mới đưa ra các con số như trong dự thảo. Chẳng hạn, nếu chỉ đơn thuần dựa vào các con số cũ thì chỉ tiêu GDP phải là 12,8-13%, chứ không phải 11,5-12%.

Tuy nhiên, các ý kiến phát biểu sau đó vẫn không đồng tình với chỉ tiêu tăng trưởng TP đưa ra. Sau nhiều tranh luận, quyết định cuối cùng được HĐND đưa ra là giao Thường trực HĐND và UBND tính toán thống nhất chỉ tiêu cụ thể sau.

“Chạy roda” đã tốt ngay chưa?

Bà Phạm Thị Loan cho rằng, từ nay đến cuối năm còn nhiều việc phải làm, nhưng phải có sự lựa chọn công việc cần làm trước. Đầu tiên, phải nhắm vào tổ chức bộ máy, nhắm vào yếu tố con người.

“Lúc này là thời cơ ngàn năm có một để xem xét lại vấn đề con người. Phải tìm những ai có năng lực để sắp xếp, bố trí giúp bộ máy tốt hơn”, bà Phạm Thị Loan nhấn mạnh.

Ý kiến này của bà Loan sau đó đã được đại biểu Nguyễn Việt Hưng chia sẻ. Theo ông Hưng, 5 tháng cuối năm, bộ máy của thành phố sẽ ở giai đoạn “chạy roda” nên thành phố cần chú trọng vào vấn đề “liệu đã chạy roda tốt ngay chưa” để từ đó tập trung thực hiện cho tốt.

Bên cạnh việc tổ chức bộ máy, vấn đề quan trọng nữa thành phố cần ưu tiên hàng đầu theo bà Loan là vấn đề quy hoạch. Hiện trên địa bàn Hà Tây cũ đang có rất nhiều dự án, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị… thành phố cần phải rà soát lại để từ đó làm sao quy hoạch Hà Nội sẽ như người dân mong muốn, không chỉ cho 10, 20 năm mà phải là 50, 100 năm.

Từ góc độ văn hoá, đại biểu Phạm Thị Thành đề xuất, trong thời gian “chạy roda” nên tạo điều kiện cho các ban của HĐND đi tìm hiểu các vùng mới của thủ đô. Theo bà Thành, không thể nói chung chung là giữa các vùng có nhiều điểm trùng nhau, bởi như thế Hà Nội có thể có nhiều điểm chung với nhiều địa phương. Do vậy, phải có sự tìm hiểu để thời gian tới mới có thể thực hiện được những định hướng phát triển văn hoá.

Cấn Cường