1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quy hoạch Hà Nội: “Tiêu chí là sự độc đáo của Hà Nội”

(Dân trí) - “Một trong những tiêu chí đưa ra là sự độc đáo của Hà Nội... Ý tưởng nào kết hợp tốt nhất giữa bản sắc, lịch sử và những tiến bộ trong công nghệ, quản lý sẽ được lựa chọn”, ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết.

Thưa ông, với một không gian mới được mở rộng và với một vùng đất rất nhiều tiềm năng thì việc quy hoạch Hà Nội tới đây có thể sẽ dễ dàng xoay sở hơn. Vậy với không gian mới đó, ý tưởng về mặt quy hoạch sẽ như thế nào?

Có thể nói với một địa bàn rộng lớn như vậy, khả năng bố trí các khu chức năng, các không gian phát triển của Hà Nội sẽ phong phú hơn rất nhiều và cho phép mở ra các phương án bố trí chắc chắn hợp lý hơn so với khi bị bó hẹp trong khu vực cũ. Có thể nói đây cũng là lý do rất quan trọng cho việc mở rộng địa giới Hà Nội.

Còn bố trí cụ thể như thế nào thì có thể nói, vùng mới mở rộng của Hà Nội cho đến thời điểm này vẫn là một ẩn số đối với các cơ quan quản lý và nghiên cứu, cho nên cần phải có sự nghiên cứu rất thận trọng, chu đáo trong thời gian tới. Những công việc chuẩn bị cho sự nghiên cứu đó cũng đã có định hướng khung là quy hoạch vùng Thủ đô.

Công tác tổ chức nghiên cứu về quy hoạch của Hà Nội được chuẩn bị rất khẩn trương, chu đáo trong thời gian vừa qua. Việc nghiên cứu lần này sẽ được kết hợp rất chặt chẽ giữa tư vấn nước ngoài, khai thác các kinh nghiệm, kiến thức của các nước đã đi trước, thành phố đã đi trước, có kinh nghiệm với các chủ trương, định hướng, cũng như văn hoá, phong tục, tập quán của Hà Nội, Việt Nam.

Cho tới hôm nay, việc tổ chức mời tư vấn quốc tế cho việc qui hoạch đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

Qua tuyển chọn, 3 đơn vị tư vấn thiết kế gồm 1 của Hàn Quốc, 1 Nhật Bản và 1 Mỹ đã được sơ tuyển vòng một và ngày mai sẽ có cuộc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những ý tưởng của các tư vấn nước ngoài.

Trên cơ sở những báo cáo nghiên cứu bước đầu của tư vấn nước ngoài, cộng với các định hướng mà chúng ta đã có dự kiến của cả Nhà nước và Hà Nội sẽ lựa chọn một tư vấn vừa có năng lực vừa có ý tưởng thuyết phục, vừa phản ánh được định hướng cũng như các đặc điểm văn hóa địa lý của Thủ đô.

Có một số chuyên gia cho rằng, cần xây dựng thủ đô theo cách không mang bất kỳ thủ đô nào ra áp dụng rập khuôn. Vậy tiêu chí bản sắc Hà Nội được đưa vào như thế nào?

Một trong những tiêu chí đưa ra chính là sự độc đáo của Hà Nội, bởi Hà Nội không giống thành phố nào khác. Bản sắc của Hà Nội là gắn với văn hóa, lịch sử, con người. Ý tưởng nào kết hợp tốt nhất giữa bản sắc, lịch sử và những tiến bộ trong công nghệ, quản lý hiện đại sẽ được lựa chọn.

Vấn đề bảo vệ đất nông nghiệp được đặt ra như thế nào trong đầu bài quy hoạch?

Vấn đề giữ vững an ninh lương thực đã được chỉ đạo bởi chiến lược của nhà nước và đây cũng là định hướng chi phối trong việc mở rộng Hà Nội. Vùng mở rộng của Hà Nội có ít giá trị nông nghiệp nhưng có nhiều giá trị phát triển đô thị. Chủ trương bảo vệ đất nông nghiệp một cách hợp lý cũng là một chỉ đạo xuyên suốt trong việc chỉ đạo quy hoạch Hà Nội tới đây.

Trước khi sáp nhập vào Hà Nội, một số nơi ở Hà Tây, Hòa Bình có tình trạng cấp đất ồ ạt, rất đáng lo ngại, thưa ông?

Có thể nói, cho đến thời điểm này chưa thể đánh giá được hết tình hình cụ thể. Chúng tôi cũng cho rằng việc giải quyết quá gấp gáp, có phần vội vã đều không thích hợp. Nhưng nếu việc đó diễn ra theo quy mô lớn thì sẽ có những vấn đề sẽ phải cân nhắc lại và xem xét trong thời gian tới.

Nếu những dự án đó sau này trái quy hoạch thì sẽ xử lý như thế nào?

Trước hết phải có phân tích, tổng hợp, đánh giá và sẽ phải có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban. Xử lý những việc đã có trong thực tế, đã trở thành những quyết định thì không thể hấp tấp mà phải cân nhắc nhiều mặt và việc này cũng không phải thẩm quyền riêng một sở.

Đến 2010 chúng ta mới công bố quy hoạch Hà Nội, vậy từ nay đến đó sẽ quản lý cấp phép thế nào?

Cái khung vẫn là quy hoạch vùng và quá trình quy hoạch không thể chờ làm xong quy hoạch mới thực hiện. Hai quá trình nghiên cứu và thực hiện quy hoạch đều phải tiến hành. Nghiên cứu đến đâu ứng dụng, cho phép triển khai trong thực tế đến đó và chính những phản hồi từ thực tế lại tác động ngược đến việc làm quy hoạch.

Xin cảm ơn ông!

Kim Tân (ghi)