1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Dân dựng chòi ở vì vướng quy hoạch khoáng sản, Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng

Minh Hậu

(Dân trí) - Dỡ bỏ nhà cũ, gia đình bà Nga chuẩn bị xây công trình mới thì cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng do vướng quy hoạch khoáng sản. Để có chỗ ở, bà Nga phải dùng tôn dựng chòi trên vườn, làm chỗ trú ngụ.

Khổ sở vì vướng quy hoạch

Từ năm 2023 đến nay, 4 người trong gia đình bà Trần Thị Nga (45 tuổi, trú xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) phải ở trong căn chòi tôn lụp xụp trên vườn nhà.

Bà Nga cho biết, trước đây gia đình có căn nhà cấp 4 nhưng chật hẹp, xuống cấp. Cuối năm 2023, sau khi bán một phần đất, gia đình có thêm tiền nên quyết định phá dỡ căn nhà cũ để xây công trình mới.

Dân dựng chòi ở vì vướng quy hoạch khoáng sản, Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng - 1

Gia đình bà Trần Thị Nga, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng phải ở trong căn chòi tôn lụp xụp trên vườn nhà (Ảnh: Minh Hậu).

Tuy nhiên, khi chuẩn bị xây nhà, cơ quan chức năng yêu cầu gia đình bà Nga tạm dừng mọi hoạt động do phần đất nằm trong vùng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng (gọi tắt Quyết định 866).

Theo bà Nga, nhà cũ đã phá dỡ trong khi không được thực hiện việc xây mới nên gia đình phải dùng các tấm tôn để quây chòi ngay trên vườn làm chỗ ở. Bà Nga nói: "Chòi thấp nên những trưa nắng, chúng tôi phải ra gốc cây để tránh nóng. Ngày mưa, nước tràn vào nền đất trong chòi, rất khổ sở".

Người phụ nữ 45 tuổi cho biết thêm, hiện nay, con trai của bà đã lớn nhưng không xây được nhà nên chưa dám kết hôn. Chòi tôn nhỏ, bất tiện, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho cả 4 người trong gia đình nên mới đây con trai bà Nga đã dựng thêm chòi khác ở góc vườn.

Tương tự, do nằm trong vùng quy hoạch khoáng sản nên gia đình ông Hồ Xuân Ruật (52 tuổi, xã Lộc Quảng, Bảo Lâm) không thể nâng cấp nhà cửa. Ông cho biết, nhà cấp 4 của gia đình được xây dựng vào năm 1997, đến nay nhiều hạng mục bị hư hỏng. Tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, nhiều vị trí thấm, dột mỗi khi trời đổ mưa.

Dân dựng chòi ở vì vướng quy hoạch khoáng sản, Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng - 2

Ông Hồ Xuân Ruật dùng bạt nhựa che chắn, chống thấm dột cho phòng ngủ (Ảnh: Minh Hậu).

"Trời mưa nước dột khắp nơi. Tôi đã mua xi măng, vật liệu để sửa nhà nhưng dính quy hoạch khoáng sản nên không được làm", ông Hồ Xuân Ruật nói và cho biết thêm, hiện nay gia đình phải dùng bạt nhựa che chắn những vị trí thấm dột để tiếp tục sinh sống.

Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn

Theo Quyết định 866, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 70.191ha nằm trong quy hoạch. Trong đó, huyện Bảo Lâm "dính" trên 52.800ha, bao trùm lên diện tích 9 xã và thị trấn Lộc Thắng, ảnh hưởng đến cuộc sống trên 65.547 người.

Nhiều xã như Lộc Quảng, Lộc Ngãi, thị trấn Lộc Thắng bị quy hoạch bao trùm gần như hết diện tích tự nhiên.

Quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866 bao trùm lên phần diện tích thuộc thành phố Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh (Lâm Đồng). Trong đó, thành phố Bảo Lộc có hơn 4.200ha, ảnh hưởng đến 27.000 người.

Dân dựng chòi ở vì vướng quy hoạch khoáng sản, Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng - 3

Con trai bà Nga dựng thêm chòi ở góc vườn để làm nơi sinh hoạt (Ảnh: Minh Hậu).

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đa phần thuộc nơi tập trung đông dân cư, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trong đó, nhiều nơi đã được đầu tư hạ tầng như trung tâm hành chính, trường học, trạm y tế, bưu điện…

Ngoài tác động đến đời sống người dân, quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866 cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương của Lâm Đồng.

Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác vào chiều 25/8 vừa qua, ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng trình bày những khó khăn, vướng mắc của địa phương liên quan đến quy hoạch khoáng sản và kiến nghị Thủ tướng cùng các bộ, ngành tháo gỡ.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng và giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát, cập nhật quy hoạch, tháo gỡ khó khăn.