1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát triển Tây Nguyên: Đường lớn "dính" quy hoạch khoáng sản

Minh Hậu

(Dân trí) - Đại diện các tỉnh Tây Nguyên cho rằng việc thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt dự án cao tốc kết nối vùng "dính" vào quy hoạch khoáng sản, khó triển khai.

Chiều 23/6, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành và đại diện 5 tỉnh vùng Tây Nguyên.

Theo quyết định 377 phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng, đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế.

Thời điểm này, vùng cũng cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng.

Phát triển Tây Nguyên: Đường lớn dính quy hoạch khoáng sản - 1

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3 được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Vùng Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/người, tương đương 5.000 USD. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chia sẻ hiện nay, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công ở địa phương còn chậm, đặc biệt gặp khó khăn khi quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng) ảnh hưởng đến địa phương.

"Quy hoạch này nếu không rà soát, tháo gỡ sớm sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại địa phương", ông Võ Ngọc Hiệp nói. 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cũng cho rằng, quy hoạch khoáng sản tại Quyết định số 866 chồng lấn với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch hạ tầng đô thị của địa phương. Việc chồng lấn đã gây khó khăn đến triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh trong đó có dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét, tháo gỡ khó khăn, tránh sự chồng lấn quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác của tỉnh. 

Ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết địa phương cam kết triển khai quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên và sẽ nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, công khai, minh bạch để doanh nghiệp đóng góp ý tưởng, triển khai dự án.

Phát triển Tây Nguyên: Đường lớn dính quy hoạch khoáng sản - 2

Lãnh đạo một số tỉnh Tây Nguyên cho rằng các dự án trọng điểm, đặc biệt dự án cao tốc đang vướng quy hoạch khoáng sản (Ảnh: Minh Hậu).

Ông Tiệp cũng nêu kiến nghị lên Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên về các vấn đề liên quan cơ chế, chính sách trong phát triển hạ tầng, đặc biệt vấn đề phát triển giao thông kết nối.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh với bản sắc văn hóa đặc sắc, tình đoàn kết, đồng lòng kết hợp các điều kiện về tự nhiên, sẽ tạo ra sự bứt phá rất cao trong tương lai.

Về quy hoạch, quan trọng nhất hiện nay là khung pháp lý và đây là định hướng để phát triển bền vững. Với sự liên kết chặt chẽ, bài bản, khoa học, các tỉnh Tây Nguyên có thể thực hiện ngay 3 nội dung, gồm phát triển hệ thống giao thông kết nối, phát triển du lịch theo chuỗi, chia sẻ thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên phối hợp cùng các cơ quan, bộ, ngành rà soát, sớm phát hiện những bất cập trong thể chế, chính sách, quy hoạch để có hướng tháo gỡ, đảm bảo sự phát triển.

Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến lãnh đạo các địa phương và bộ ngành để tổng hợp, sớm có báo cáo.