Đại học Y-Dược Thái Nguyên bồi thường 3,2 tỷ cho người khiếu kiện 32 năm
(Dân trí) - Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên thống nhất bồi thường gần 3,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Ngọc Lợi - người khiếu kiện suốt 32 năm. Ông Lợi cho biết vẫn đang chờ duyệt bồi thường thêm 6,7 tỷ đồng nữa.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Lợi (người đã khiếu nại suốt 32 năm, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội,) vừa lập biên bản ghi nhớ, thống nhất việc chi trả đền bù theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, sau hội nghị cán bộ chủ chốt do Trường Đại học Y-Dược (Đại học Thái Nguyên) tổ chức, Trường Đại học Y-Dược đã thống nhất phương án bồi thường, đền bù cho ông Nguyễn Ngọc Lợi với số tiền gần 3,2 tỷ đồng.
Trong đó, Trường Đại học Y-Dược sẽ đại diện cho ông Nguyễn Ngọc Lợi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lãi bảo hiểm xã hội với số tiền trên 607 triệu đồng để ông Lợi được hưởng lương hưu.
Ông Lợi phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 94 triệu đồng.
"Ông Nguyễn Ngọc Lợi được nhận thực tế số tiền trên 2,495 tỷ đồng"- biên bản ghi nhớ nêu rõ.
Thời gian Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên thực hiện việc chi trả đền bù cho ông Nguyễn Ngọc Lợi là 30 ngày, tính từ ngày 9/11/2021. Đồng thời, trường này sẽ bàn giao lại 17 loại tài liệu có liên quan đến ông Lợi theo danh mục đã được thống nhất.
Trao đổi thêm với Dân trí sáng 14/11, ông Nguyễn Ngọc Lợi cho biết, đây mới chỉ là một khoản tiền bồi thường trong khả năng chi trả được trích từ ngân sách của Trường Đại học Y-Dược.
Tổng số tiền mà ông Lợi yêu cầu bồi thường lên tới trên 9 tỷ đồng. Vì thế, theo ông Lợi, tại hội nghị, các bên đã thống nhất sẽ làm văn bản báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt các khoản tiền bồi thường khác liên quan đến việc gây tổn hại cho ông Nguyễn Ngọc Lợi, gồm: Tiền bồi thường danh dự, mất sức khỏe, mất việc làm, tiền chi phí do phải tự chữa bệnh, tiền bảo hiểm của người nhà quân nhân, tiền đào tạo sau đại học, tiền đi lại khiếu kiện từ năm 1983 đến nay, tiền bồi thường do mất nhà không được mua theo Nghị định 61/CP.
"Tổng số tiền bồi thường cho các mục này vào khoảng 6,7 tỷ đồng nữa" - ông Lợi cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Lợi sinh năm 1953 ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ, nguyên là quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú và được tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hóa lớp 10 ở tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ).
Sau khi ông Lợi tốt nghiệp cấp III, Ban Tuyển sinh - Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt cho ông Lợi đi học, đồng thời Ủy ban Thống nhất của Chính phủ có Quyết định số 54/1977 điều động ông Lợi đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau chuyển thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên).
Ông Lợi được công nhận tốt nghiệp vào năm 1988 nhưng do việc bàn giao hồ sơ của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng nên ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách và các chế độ theo quy định.
Việc này, dù đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, những việc làm đó đã gây ra hậu quả để ông Lợi không được phân công công tác theo quy định của Chính phủ, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan như Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, nhà đất, chế độ dành cho người có công với cách mạng, chế độ sinh hoạt phí và các quyền, lợi ích chính đáng khác theo quy định pháp luật.
"Tôi không được công nhận là bộ đội, không phải công dân vì khi Chứng minh nhân dân hết hạn thì không được đăng ký lại, vì không có hộ khẩu. Lấy vợ không được đăng ký kết hôn vì không có cơ quan nào xác nhận. Con sinh ra không được khai sinh…" - ông Lợi từng trao đổi với PV Dân trí.