1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ được giải oan khuất sau 32 năm: "Cò kè" mức tiền bồi thường?

Thế Kha

(Dân trí) - Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên yêu cầu ông Nguyễn Ngọc Lợi - người mới được giải oan khuất sau 32 năm - phải cung cấp một số thủ tục giấy tờ mà tại thời điểm hiện nay không thể thực hiện được.

Theo nguồn tin của PV Dân trí, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình để báo cáo về kết quả thực hiện vụ việc khiếu kiện của ông Nguyễn Ngọc Lợi - người mới đây đã được giải oan khuất sau 32 năm kiên trì khiếu nại. Trong đó khẳng định một số cá nhân có trách nhiệm ở Trường Đại học Y - Dược thuộc Đại học Thái Nguyên chưa nhận thức được rõ các thiếu sót, khuyết điểm; quá trình kiểm điểm chưa xác định được mức độ vi phạm của các cá nhân.

Cơ quan thanh tra cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo Trường Đại học Y - Dược và Đại học Thái Nguyên nhanh chóng đền bù cho ông Nguyễn Ngọc Lợi theo đúng quy định của pháp luật.

Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên đã có nhiều buổi làm việc với ông Lợi về nội dung các khoản và mức đền bù. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, hai bên chưa thống nhất được do mức đền bù quá thấp, không quy đổi về giá trị hiện tại khi được đền bù.

Đặc biệt, Trường Đại học Y - Dược còn yêu cầu ông Nguyễn Ngọc Lợi phải cung cấp một số thủ tục giấy tờ mà tại thời điểm hiện nay không thể thực hiện được do sự việc đã xảy ra quá lâu và không thể phục hồi (hợp đồng lao động, các chứng từ, hóa đơn minh chứng cho yêu cầu bồi thường).

Chiều 28/6, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Lợi bày tỏ mong muốn sự việc sớm được giải quyết thỏa đáng, để ông và gia đình ổn định cuộc sống sau rất nhiều năm đau khổ và vất vả vì phải gửi đơn thư khiếu nại.

"Tuy nhiên, hiện nay Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên đề xuất mức bồi thường cho tôi rất thấp, không thể nào chấp nhận được" - ông Lợi nói.

Vụ được giải oan khuất sau 32 năm: Cò kè mức tiền bồi thường? - 1

Ông Nguyễn Ngọc Lợi (phải) cho biết Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên đề xuất mức bồi thường cho ông rất thấp, không thể chấp nhận được.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi sinh năm 1953 ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ; nguyên là quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú và được tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hóa lớp 10 ở tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ).

Sau khi ông Lợi tốt nghiệp cấp III, Ban Tuyển sinh - Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt cho ông Lợi đi học, đồng thời Ủy ban Thống nhất của Chính phủ có Quyết định số 54/1977 điều động ông Lợi đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau chuyển thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên).

Ông Lợi được công nhận tốt nghiệp vào năm 1988 nhưng do việc bàn giao hồ sơ của Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng nên ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách và các chế độ theo quy định.

"Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng" - thông báo kết luận vụ việc của Thanh tra Chính phủ cho hay.

Ông Lợi đã theo đuổi vụ việc từ khi còn là thanh niên tới tuổi già, thực chất là 37 năm chứ không phải 32 năm. "Tôi không được công nhận là bộ đội, không phải công dân vì khi Chứng minh nhân dân hết hạn thì không được đăng ký lại, vì không có hộ khẩu. Lấy vợ không được đăng ký vì không có cơ quan nào xác nhận. Con sinh ra không được khai sinh…" - ông nói với PV Dân trí.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc để xảy ra khiếu nại và giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của ông Nguyễn Ngọc Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan.

Những việc làm đó đã gây ra hậu quả để ông Lợi không được phân công công tác theo quy định của Chính phủ, không thể xin được việc làm chính thức, không thực hiện được các thủ tục để được hưởng các quyền lợi liên quan như Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, nhà đất, chế độ người có công với cách mạng, chế độ sinh hoạt phí và các quyền, lợi ích chính đáng khác theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi cho biết, sắp tới sẽ có thêm buổi tiếp xúc với đại diện Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên để thương thảo về việc bồi thường này.