Người được giải oan khuất sau 32 năm... sẽ đề nghị làm rõ thêm một việc
(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Lợi - người vừa được giải oan khuất sau 32 năm khiếu nại sẽ phải tiếp tục làm việc với cơ quan liên quan để giải quyết việc công nhận tốt nghiệp cho ông đang bị sai lệch… 5 năm.
Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Ngọc Lợi (sinh năm 1953, quê ở Phú Thọ) được giải oan sau 32 năm kiên trì khiếu nại đang thu hút sự quan tâm của dư luận, Thanh tra Chính phủ cho biết, mặc dù tại Quyết định số 03/YTB-QĐ ngày 3/1/1990 của Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên ghi "Nay, điều động bác sỹ Nguyễn Ngọc Lợi (Y6 K10) về nhận công tác tại Sở Y tế Vĩnh Phú", nhưng ông Lợi chỉ được Trường này công nhận tốt nghiệp năm 1988-K15, tức là chậm 5 khóa.
Sau khi xem xét, Thanh tra Chính phủ nhận thấy ông Nguyễn Ngọc Lợi đề nghị công nhận tốt nghiệp vào năm 1983 là có cơ sở.
Việc xác định thời điểm tốt nghiệp của ông Lợi không đúng có phần lỗi của Trường Đại học Y-Dược (Đại học Thái Nguyên). Việc này đã được Bộ Y tế có nhiều văn bản kết luận, chỉ đạo Trường này phải hủy các quyết định kỷ luật và đền bù thiệt hại cho ông Lợi.
Tuy nhiên sau khi làm việc với Tổ kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, ông Lợi nhận thấy để giải quyết được việc này sẽ cần có thêm nhiều thời gian. Do vậy, ông Lợi đề nghị sau khi có kết luận giải quyết vụ việc của Thủ tướng Chính phủ, ông sẽ tự mình chủ động làm việc với cơ quan liên quan để giải quyết việc công nhận tốt nghiệp cho ông vào năm 1983.
Những cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?
Trong vụ việc ông Nguyễn Ngọc Lợi bị oan khuất 32 năm, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên khôi phục và bàn giao cho ông Lợi các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ có liên quan để ông Lợi thực hiện các thủ tục hưởng các chế độ chính sách theo quy định pháp luật.
Đồng thời đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đền bù thiệt hại cho ông Lợi do bị mất thu nhập chính đáng từ năm được công nhận tốt nghiệp đến thời điểm nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo diễn biến mức lương ngạch công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ từng giai đoạn.
Cơ quan thanh tra khẳng định, việc khiếu nại của ông Lợi kéo dài 32 năm liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với cán bộ đi B sau giải phóng miền Nam. Việc thiếu trách nhiệm trong giải quyết, giải quyết chưa chính xác, chưa khách quan của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống, danh dự, việc làm trong suốt thời gian dài của công dân, hơn nữa lại là cán bộ đi B, người phải được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước đã quy định.
Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo và những cá nhân có liên quan tại Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Y tế Phú Thọ và Trường Đại học Y-Dược (Đại học Thái Nguyên) qua các thời kỳ từ năm 1983 đến năm 2020.
"Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Phú Thọ kiểm điểm và chỉ đạo Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế Phú Thọ, Trường Đại học Y-Dược (Đại học Thái Nguyên) tổ chức kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật"- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và giao các bộ ngành, cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Cường - Thanh tra viên cao cấp, Vụ III - Thanh tra Chính phủ (Tổ trưởng Tổ rà soát lại vụ việc kéo dài 32 năm của ông Nguyễn Ngọc Lợi) cho biết các bộ ngành liên quan phải thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và báo cáo kết quả tới Thủ tướng trước 31/3/2021.
"Hồi sinh"
Ông Nguyễn Ngọc Lợi sinh năm 1953 ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ; nguyên là quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B, sau giải phóng miền Nam được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú và được tiếp tục cho đi học hoàn thiện văn hóa lớp 10 ở Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ).
Sau khi ông Lợi tốt nghiệp cấp III, Ban Tuyển sinh - Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt cho ông Lợi đi học, đồng thời Ủy ban Thống nhất của Chính phủ có Quyết định số 54/1977 điều động ông Lợi đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (sau chuyển thành Đại học Y Bắc Thái, nay là Đại học Y- Dược, Đại học Thái Nguyên).
Ông Lợi được công nhận tốt nghiệp vào năm 1988 nhưng do việc bàn giao hồ sơ thực hiện chưa đúng nên ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách và các chế độ theo quy định.
Ông Lợi cho biết, đã theo đuổi vụ việc từ khi còn là thanh niên tới tuổi già, thực chất là 37 năm chứ không phải 32 năm. "Tôi không được công nhận là bộ đội, không phải công dân vì khi Chứng minh nhân dân hết hạn thì không được đăng ký lại, vì không có hộ khẩu. Lấy vợ không được đăng ký vì không có cơ quan nào xác nhận. Con sinh ra không được khai sinh"- ông nói với PV Dân trí và cho biết kết quả giải quyết khiếu nại của Thanh tra Chính phủ đã giúp mình "hồi sinh".