1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đại dịch Covid-19 khiến tội phạm trên không gian mạng gia tăng

Quốc Anh

(Dân trí) - Phó Giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Sỹ Quang cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến tội phạm trên không gian mạng gia tăng. Ông cũng lưu ý "Công an không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại".

Tại hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV - đơn vị bầu cử số 3 (quận 1, quận 3 và quận Bình Thạnh) và đại biểu HĐND TPHCM khóa X - đơn vị bầu cử số 4 (quận 1) nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra ngày 12/5, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM, đã trao đổi, thông tin cập nhật với cử tri về tình hình tội phạm trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 khiến tội phạm trên không gian mạng gia tăng - 1

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang (ngoài cùng bên phải) cùng lãnh đạo UBND TPHCM trao đổi bên lề hội nghị.

Theo ông Quang, thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã tác động làm thay đổi nhiều mặt. Trong đó, tác động tiêu cực đến vấn đề an ninh trật tự. Tội phạm gia tăng, bao gồm cả "tội phạm truyền thống", vì gia tăng thất nghiệp, đời sống khó khăn.

Công an TPHCM đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng, nhưng không phải là người có tiền án, tiền sự, hoặc tội phạm chuyên nghiệp mà là hình thức tội phạm mới "bộc phát phạm tội". 

"TPHCM đang tập trung xây dựng thành phố đáng sống và văn minh thì kỷ cương, kỷ luật xã hội phải đặt lên hàng đầu, tiêu chí an ninh trật tự là tiêu chí cứng và cũng đặt lên hàng đầu khi gọi là thành phố đáng sống. Như vậy, phải có giải pháp kéo giảm tội phạm" - ông Nguyễn Sỹ Quang nói.

Phó Giám đốc Công an TP thông tin, năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp TPHCM kéo giảm tội phạm. Tuy nhiên, so với thực tiễn cuộc sống đòi hỏi thì vẫn chưa đạt được như mong muốn, nhất là những loại tội phạm gây bức xúc trong nhân dân như cướp giật, trộm cắp (chiếm gần 80% cơ cấu tội phạm).

Ông cho rằng, cần đánh mạnh vào 3 loại tội phạm này thì mới kéo giảm được tội phạm, đảm bảo người dân đỡ tổn thương, giảm thiểu thiệt hại. Trong đó, hạn chế thất nghiệp cũng là giải pháp căn cơ giảm nguyên nhân dẫn đến phạm tội.

Cũng theo Phó Giám đốc Công an TP, bên cạnh "tội phạm truyền thống" thì tội phạm trên không gian mạng cũng gia tăng. Đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực, nhưng cũng đặt ra và thôi thúc việc đẩy mạnh ứng dụng ưu điểm của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có thương mại điện tử.

"Chưa bao giờ thương mại điện tử gia tăng như hiện nay. Điều này kèm theo hoạt động trên không gian mạng của tội phạm, đặc biệt là lừa đảo qua mạng, tấn công trang website doanh nghiệp, trộm cắp thông tin, dữ liệu người dùng", ông Quang nói.

Lừa đảo hiện nay rất phổ biến và chưa dừng lại dù lực lượng công an và cơ quan đoàn thể tuyên truyền rất nhiều.

"Tại sao tội phạm lừa đảo trên không gian mạng vẫn gia tăng và gây thiệt hại lớn dù lượng lực chức năng tuyên truyền nhiều. Điều này đặt ra câu hỏi là công tác tuyên truyền và nâng cao cảnh giác của chúng ta chưa tới? Và người dân chưa thực sự đề cao cảnh giác vấn đề này" - Phó Giám đốc Công an TP nói.

Theo ông Quang, nạn nhân đa số là người hạn chế hiểu biết, một phần là những người quá tham lam, đơn cử như tiền ảo đánh vào lòng tham làm cho người ta mất cảnh giác.

"Ở đâu đó công tác tuyên truyền về phương thức thủ đoạn mới của các loại tội phạm đến doanh nghiệp, người dân còn chưa có hình thức hợp lý và người dân có phần chủ quan", ông Quang nhận định.

Phó Giám đốc Công an TP cho biết các cơ quan công an, cơ quan tố tụng không bao giờ làm việc với người dân bằng điện thoại. Nhưng tội phạm thì gọi liên tục, một lúc gọi cả triệu người. Khi đối tượng giả danh công an, kiểm sát viên, cơ quan thuế, hải quan thì có người hốt hoảng chuyển tiền, kể cả cán bộ.

Hiện nay, các doanh nghiệp tập trung kinh doanh nhưng coi nhẹ công tác bảo mật mạng nội bộ và hoạt động liên quan đến không gian mạng và tội phạm lợi dụng các sở hở này mà xâm nhập, tấn công.

Ông Quang cho biết, vừa qua Công an TP xử lý đối tượng là học sinh lớp 11, sở hữu hơn 1 triệu module (nằm trong top thế giới) - các máy trạm - để tấn công liên tục khiến các trang website bị nghẽn. Tội phạm trên không gian mạng kiếm được số tiền lớn, một tháng vài trăm triệu là bình thường.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Công an TP cho rằng hiện nay, thông tin cá nhân bị lộ là do doanh nghiệp bán thông tin. "Chúng ta chuẩn bị bay Cam Ranh, Nội Bài là lập tức taxi gọi điện để đưa đón" - ông Quang ví dụ.

Theo ông Quang, Luật An ninh mạng có rồi nhưng vẫn còn nhiều bất cập khó khăn, nhất là chứng cứ điện tử. Bộ Công an đang chủ trì xây dựng nghị định bảo vệ thông tin người dùng hiệu quả hơn. Phó Giám đốc Công an TP lưu ý, trong khi lực lượng chức năng đấu tranh tội phạm trên không gian mạng thì người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác tối đa.

"Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an TP vừa hoạt động vài tháng. Đây là công cụ hữu hiệu đấu tranh tội phạm trên không gian mạng. Đề nghị bà con lên mạng có nghi ngờ thì đừng làm và thông tin cho cơ quan chức năng hỗ trợ, giải quyết", ông Nguyễn Sỹ Quang chia sẻ.