1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đã sẵn sàng với các tình huống nếu mưa lớn dịp Đại lễ”

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố luôn có phương án phân công, sắp xếp để ứng phó với tất cả các tình huống nếu mưa lớn xảy ra trong dịp Đại lễ.

Theo đánh giá của ông, năng lực thoát nước của Hà Nội lúc này so với năm 2008 (năm xảy ra trận lụt lịch sử) đã tốt hơn nhiều chưa?

Nhìn chung sau 2008 có những chỉ số về thoát nước phải điều chỉnh. Trước tiên, phải đưa ra phương án bảo tồn, bảo lưu các hồ điều hòa, bởi Hà Nội trũng, cần bảo vệ ngay diện tích mặt nước, tăng thêm tích chứa trong các hồ điều hòa. Vừa rồi chúng ta xã hội hoá cải tạo hồ không chỉ làm sạch nước mặt hồ mà còn tăng khả năng tích nước của các hồ.
“Đã sẵn sàng với các tình huống nếu mưa lớn dịp Đại lễ” - 1
Chủ tịch UBND TP, Nguyễn Thế Thảo (Ảnh: Việt Hưng)

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thu gom, tiêu thoát nước sông Tô lịch, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Yên Sở 2. Vừa qua đi kiểm tra chúng tôi động viên các đơn vị thi công, chuyên gia, nếu chưa tiêu được lượng nước như thiết kế thì cũng phải được một phần… Với các trạm bơm khác cũng tăng cường lượng máy bơm với mục đích thu gom và tiêu thoát nhanh, tăng lưu lượng tiêu thoát trong một thời gian.

Hệ thống thoát nước của Hà Nội tiêu thoát được lượng mưa 172mm/2 ngày như vừa qua phải tăng lên cao hơn.

Tăng lên bao nhiêu, thưa ông?

Tăng lên khoảng gấp rưỡi.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, do thành phố tập trung hết nguồn lực cho công trình 1000 năm Thăng Long nên hạn chế đầu tư cho hạ tầng, dẫn tới ngập úng như vừa qua?

Nói thế cũng không đúng. Nghìn năm có nguồn nghìn năm còn tiêu thoát có phần của tiêu thoát, chứ không thể dồn vào bất cứ cái gì được, bởi cái gì cũng cần thiết. Không thể nói bỏ cái nọ để dành cho cái kia được mà phải cân đối lượng cho từng vấn đề và giải pháp huy động làm sao để có nguồn vốn, đẩy mạnh đầu tư cho những vấn đề cần thiết đó, đồng thời đầu tư cho có hiệu quả.

Nhưng trong số các công trình 1.000 năm, có công trình nào đầu tư cho thoát nước?

Chỉ có duy nhất công viên Thống Nhất, hồ Bảy mẫu. Cải tạo, nạo vét hồ là một công trình kỷ niệm 1.000 năm, vừa tạo sạch sẽ cảnh quan nhưng cái chính là để tạo lưu lượng. Dĩ nhiên, hồ điều hoà nhưng vẫn phải đầu tư một trạm bơm để làm sao khi mức nước ở đây lớn mình có thể dùng bơm đẩy tiếp vào hệ thống sông Kim Ngưu.

Ông có thể gợi ý phương án phòng chống ngập lụt nếu không may có may một trận mưa như sáng 13/7 xảy ra đúng ngày Đại lễ?

Không bao giờ mong xảy ra một việc như thế, nhưng ta cũng luôn luôn có phương án. Rút kinh nghiệm từ 2008, thành phố luôn xây dựng các phương án một cách đồng bộ để phòng trừ các trường hợp. Thành phố hiện đã có kinh nghiệm và có cả 1 bộ phận để lo việc này, trong đó, phân công, sắp xếp ứng phó với tất cả các tình huống xảy ra.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc đầu tư dự án thoát nước giai đoạn 1?

Đã có đánh giá là hiệu quả rất tốt.
“Đã sẵn sàng với các tình huống nếu mưa lớn dịp Đại lễ” - 2
Hà Nội bị ngập rất nhanh khi mưa lớn (Ảnh: Chiến Thắng)

Việc dùng 12.000 tỷ cho dự án giai đoạn II có giải quyết được cơ bản bài toán thoát nước cho nội đô?

Sau khi đầu tư cả 2 giai đoạn thì có thể nói sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề thoát nước nội đô trong điều kiện dự báo ở mức độ bình thường còn như sự cố năm 2008 thì không thể có đầu tư nào tiêu thoát được.

Sau trận mưa sáng 13/7 có hiện tượng mặt đường, vỉa hè tại một số khu vực vừa làm xong đã rã, gần như hỏng. Ông đánh giá thế nào về chất lượng các công trình chỉnh trang đô thị, hè phố?

Đây rõ ràng là sự cố ngoài kỹ thuật và đương nhiên ta phải khắc phục thôi. Cũng không ai tính được khi đang thảm một đoạn đường mà gặp ngay trận mưa như thế.

Tới đây thành phố có mở đợt tổng kiểm tra hoạt động chỉnh trang đô thị theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ?

Thực ra hoạt động chỉnh trang bấy lâu nay vẫn chỉ đạo vừa làm vừa kiểm tra, đôn đốc. Mục tiêu chính là làm sao rút kinh nghiệm những chuyện vừa qua, nhất là những vấn đề xã hội quan tâm, công luận, dư luận nêu.

Thành phố rất nghiêm túc xem xét tiếp thu đồng thời có hướng chỉ đạo để làm sao nhân dịp Đại lễ chúng ta chỉnh trang nhà cửa, đô thị theo phương châm gọn nhà, sạch phố, đẹp thủ đô - một khẩu hiệu rất nôm na, dễ hiểu.

Tất nhiên cũng có ý kiến xung quanh việc này nhưng tôi cho rằng đó là việc làm cần thiết, còn chẳng qua quá trình thực hiện tổ chức chỗ nọ chỗ kia thiếu sự tập trung quyết liệt, thiếu biện pháp thông minh.

Vừa qua thành phố đã phải chỉ đạo để uốn nắn ngay, ví dụ thi công phải tập trung dứt điểm, biện pháp phải thông minh, cuốn chiếu, làm đến đâu gọn đến đấy, không đến mức thi đua tất cả ào ào cùng làm.

Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo - Kim Tân