1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đã có kinh nghiệm xử lý thiểu phát

(Dân trí) - Việt Nam từng 3 lần rơi vào thiểu phát nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng cao. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định NHNN đã có kinh nghiệm để điều hành trong tình huống này trước những câu hỏi về giải pháp ứng phó trong phiên chất vấn sáng 12/11.

“Lãi suất cho vay đẩy tới 23 - 24%/năm, doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) không chịu nổi NHNN có tiên lượng trước việc này? Nếu không tiên lượng được thì năng lực yếu kém. Nếu tiên lượng được mà vẫn làm, trách nhiệm càng lớn…” - đại biểu “vây” Thống đốc NHNN trong phiên chất vấn.

“Xét lại” chính sách thắt chặt tiền tệ, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nêu vấn đề, việc “thắt” quá chặt, bất ngờ và kéo dài thời gian qua với các doanh nghiệp là một cú phanh gấp. Sau đó, dù đã nới lỏng hơn, việc tiếp cận nguồn vốn của các DNVVN vẫn rất khó khăn.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thanh minh, chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu áp dụng từ 28/5/2007 khi NHNN quyết định nâng tỷ lệ dự trữ tiền gửi bắt buộc từ 5 lên 10%, nửa năm sau đó tăng tiếp 1%.

Đã có kinh nghiệm xử lý thiểu phát - 1
  

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng chính sách
thắt chặt tiền tệ đang để lại hậu quả xấu (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Về việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ kêu khó, Thống đốc Giàu khẳng định, theo sổ vay của ngân hàng, hiện có 263.000 doanh nghiệp. Riêng Hà Nội, năm 2007 dư nợ cho khối doanh nghiệp này vay là 22.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 10 vừa qua, đã tăng thêm 3.000 tỷ đồng, thành 25.000 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đồng quan điểm với bà Hường, cho rằng việc NHNN đưa ra quy định tổ chức tín dụng phải mua tín phiếu bắt buộc dẫn tới tất cả các ngân hàng thương mại phải vào cuộc đua lãi suất để huy động vốn, đẩy lãi suất cho vay tới 23 - 24%/năm. DNVVN không chịu nổi mức lãi suất cao như vậy.

Thêm nữa, các ngân hàng thương mại tập trung mua tín phiếu, cũng không còn tiền cho doanh nghiệp vay khiến hàng loạt đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản, đình trệ sản xuất.

Đã có kinh nghiệm xử lý thiểu phát - 2
  

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội): “DNVVN không thể chịu nổi mức lãi suất cho vay tới 23 - 24%/năm” (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Đại biểu Sơn đặt câu hỏi, NHNN có tiên lượng trước việc này? Nếu không tiên lượng được thì có thể thấy năng lực yếu kém. Còn nếu tiên lượng được mà vẫn làm, trách nhiệm của ngân hàng càng lớn hơn.

Thống đốc Giàu thẳng thắn, lãi suất ngân hàng có mạnh tay. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, mức lãi suất cao hơn tín phiếu thông thường nhưng các bước đi đều có lộ trình.

Đại biểu Nguyệt Hường chêm thêm câu hỏi về chính sách điều hành sắp tới để vừa kiềm chế lạm phát và chống nguy cơ thiểu phát kinh tế năm 2009. Ông Giàu “gật đầu” với nghi ngại về nguy cơ thiểu phát.

Thống đốc xác nhận, đây là vấn đề khó mà NHNN đang đặt ra: Việt Nam từng 3 lần rơi vào thiểu phát (năm 1999, CPI âm 5 tháng liền; năm 2001, âm 4 tháng và 1 tháng CPI bằng 0%), NHNN đã rút kinh nghiệm để điều hành, tránh tổn thương kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đã có kinh nghiệm xử lý thiểu phát - 3
  

Bà Đặng Thị Mỹ Hương băn khoăn việc các ngân hàng
đầu tư nhiều vào bất động sản và chứng khoán (Ảnh: Lê Anh Tuấn).

Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chuyển sang vấn đề, vừa qua, các ngân hàng đầu tư nhiều vào bất động sản và chứng khoán, những lĩnh vực nhiều rủi ro. Nhiều nguồn vốn khác cũng được dồn để giải cứu doanh nghiệp nhà nước, khiến cho DNVVN càng khó khăn khi tiếp cận vốn. "Hoạt động này của NHNN ảnh hưởng gì tới nền kinh tế?" - bà Hương đặt câu hỏi.

Người đứng đầu ngành ngân hàng giải trình, lượng dư nợ cho vay bất động sản công bố đến nay là 115.000 tỷ đồng, chiếm 9,15% tổng dư nợ cho vay. Thống đốc Giàu thừa nhận, vừa qua ngân hàng đúng là có mạnh tay cho vay bất động sản nhưng đã chấn chỉnh kịp thời.

Về dư nợ chứng khoán, theo ông Giàu, thời điểm cao nhất năm 2007, con số là 25.500 tỷ đồng, đến nay chỉ còn trên 6.000 tỷ đồng. Đối với các tập đoàn kinh tế, tỷ lệ tăng tín dụng cũng chỉ 12,8%, nghĩa là không được ưu tiên gì hơn.

Phương Thảo - Cấn Cường