1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cuộc tập kích "7 phút" trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Hơn 30 lính đặc công tinh nhuệ của tiểu đoàn 35 thuộc trung đoàn đặc công 198 được lệnh tập kích bằng hỏa lực B41, chỉ trong khoảng 7 phút, hơn 100 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu.

"Đơn vị chọn một số người về Hà Nội học cách phá hủy máy bay"

Tháng 5/1978, khi đang học năm cuối Trường THPT Yên Lạc (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), ông Dương Văn Lực đã viết đơn lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế vào đơn vị đặc công thuộc đại đội 62, tiểu đoàn 35 Bộ Tư lệnh đặc công. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc lúc đó có 200 người nhập ngũ vào đơn vị đặc công.

Đến tháng 8/1978, Bộ Tư lệnh đặc công thành lập Trung đoàn đặc công 198, đóng quân tại Xuân Mai, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là tỉnh Hòa Bình). Trung đoàn đặc công 198 gồm có các tiểu đoàn 35, 46 và 47.

Cuộc tập kích 7 phút trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 - 1

Cựu lính đặc công Dương Văn Lực trò chuyện với phóng viên Dân trí (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Cuối tháng 12/1978, đơn vị chọn ra một số người về Hà Nội học leo trèo các tòa nhà cao tầng ở thành phố, học kỹ chiến thuật tiếp cận phá hủy máy bay ở sân bay Gia Lâm. Chúng tôi được phổ biến học các nội dung này 1 tháng để đi làm "nhiệm vụ quốc tế". Nói là nhiệm vụ quốc tế, nhưng chúng tôi cũng không biết cụ thể là làm gì", ông Dương Văn Lực nhớ lại.

Khoảng ngày 20/12/1978, đơn vị của ông Lực được lệnh tập trung trong sân bay Gia Lâm 3 ngày để học nội quy chiến trường Campuchia, học một vài câu nói của Campuchia. Đồng thời, đơn vị ông còn học nội quy công trường ở Campuchia như chỉ được dùng củi khô, nước lã, không khí và học nhiều thứ khác nữa.

Đến ngày 25/12/1978, máy bay chở đơn vị ông Lực vào sân bay Pleiku (Gia Lai), sau đó đưa đến khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Đến biên giới, đơn vị ông tản ra hết cánh rừng và giấu quân ở đó.

"Chúng tôi vào đến đây mới biết là chiến trường và bắt đầu biết nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot ở Campuchia", ông Lực kể.

Khi đang làm nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot trên đất Campuchia thì đơn vị ông Lực nghe tin quân Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh ở biên giới phía Bắc.

Phải bắn trúng địch từ viên đạn đầu

Đơn vị ông Lực được lệnh rút khỏi chiến trường Campuchia để quay ra Bắc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Đến ngày 24/2/1979, đơn vị ông di chuyển về tới sân bay Pleiku.

"Đến sây bay Pleiku, chúng tôi vô tình được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông đi công tác từ phía Nam ra. Tôi nhớ lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói với đơn vị tôi là "Các đồng chí phải bắn trúng địch từ viên đạn đầu, loạt đạn đầu, trận đánh đầu tiên, trong cuộc đụng đầu lịch sử mới"", ông Lực kể.

Ngày 26/2/1979, đơn vị ông Lực bay ra Gia Lâm và đi tàu hỏa lên ga Kép (Bắc Giang), chuyển sang ô tô nhằm thẳng hướng Lạng Sơn.

Trời tháng 2 nơi biên giới mưa phùn, gió bấc, rét buốt thấu xương nhưng lính đặc công vừa đánh địch ở phía Nam, giờ cơ động gấp ra Bắc nên những người lính trẻ như ông Lực không chuẩn bị kịp quân tư trang mùa rét.

"Mỗi người độc mỗi bộ quần áo, nằm ở hậu cứ thì hai người lính ôm nhau xua đi cái rét biên thùy thấm vào da thịt. Khi hành quân trời tối đen như mực, người nọ bấu vào người kia, bám vào nhau mà luồn sâu vào hướng có địch", ông Lực nhớ lại.

Cuộc tập kích 7 phút trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 - 2

Hình ảnh người chiến sĩ cầm súng B41 hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 Lạng Sơn, rạng sáng 17/2/1979 mang tính biểu tượng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 (Ảnh: Tư liệu/TTXVN).

Nguyên tắc, kỹ chiến thuật của lính đặc công là "bí mật, luồn sâu đi tìm địch", vì thế nhiệm vụ của lính đặc công hết sức nguy hiểm.

Đơn vị ông Lực được cấp trên giao nhiệm vụ phải nổ súng trước ngày 1/3/1979. Cuối tháng 2/1979, ông nhận lệnh đi trinh sát luồn sâu vào khu vực quân Trung Quốc đóng quân. Khi đến gần khu vực quả đồi thuộc bản Nà Lệnh, xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng, Lạng Sơn), ông Lực phát hiện quân Trung Quốc rất đông. Lúc này ông cũng bị đối phương phát hiện nên tìm chỗ ẩn náu. Bị địch nổ súng tấn công nhưng ông Lực không bắn trả mà chạy về báo tình hình cho đơn vị.

Sau đó, đơn vị ông Lực lập kế hoạch và tổ chức đánh địch. Lúc đó tiểu đoàn 35 thuộc trung đoàn đặc công 198 đã bố trí một lực lượng khoảng 34 - 35 người tấn công vào vị trí đóng quân của địch. 

"Đêm những ngày cuối tháng 2/1979 trời mưa tầm tã, chúng tôi hành quân lúc 2h. Đến nơi là 3h, chúng tôi phát hiện địch vẫn đóng quân ở chỗ cũ. Lúc này, cứ 2 người lính đặc công được bố trí 1 khẩu súng B41, một người bắn, người kia nạp đạn. Chúng tôi chỉ tập kích khoảng 5 - 7 phút, toàn bộ hơn 100 tên địch đã bị loại khỏi vòng chiến đấu", cựu lính đặc công Dương Văn Lực nhớ lại.

Khi kết thúc chiến tranh, 200 người lính quê Vĩnh Phúc nhập ngũ vào đơn vị đặc công có 7 người hi sinh, nhiều người khác bị thương, nhưng có 17 người trở thành các sĩ quan quân đội, trong đó có Đỗ Thanh Bình sau này là thiếu tướng, tư lệnh đặc công.