Sư đoàn 337 - "cánh cửa thép" bảo vệ biên giới phía Bắc ở Lạng Sơn
(Dân trí) - Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa 44 năm, nhưng những ký ức về cuộc chiến khốc liệt này vẫn còn khắc ghi trong ký ức của những người lính năm xưa.
"Cánh cửa thép" của Lạng Sơn
Khi cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh lúc đó là Trợ lý tổ chức của Sư đoàn 337 Quân đoàn 14, Quân khu 1.
Đại tá Khuỳnh kể, ngày 28/7/1978, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Sư đoàn bộ binh 337 chính thức được thành lập. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc thực hành tiến quân xâm lược Việt Nam. Ngay sau đó, Sư đoàn được lệnh di chuyển chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ngày 24/2/1979, Sư đoàn lên đến Lạng Sơn và tổ chức chiến đấu ngay. Từ cuối tháng 2, đầu tháng 3/1979, Sư đoàn 337 đã chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi trong chiến dịch phòng ngự tuyến Tu Đồn - Điềm He - Khánh Khê làm tiêu hao, tiêu diệt và chặn đứng quân xâm lược; đập tan cánh quân vu hồi trên hướng đường 1B, hòng tạo thành thế bao vây, chia cắt nhằm đánh chiếm toàn bộ thị xã Lạng Sơn của địch.
"Âm mưu của địch là vượt qua cầu Khánh Khê - nơi tiếp giáp giữa 2 huyện Cao Lộc và Văn Quan của tỉnh Lạng Sơn. Nếu vượt qua cây cầu này, địch sẽ vòng xuống Đồng Mỏ (Chi Lăng - Lạng Sơn) để bố trí làm 2 mũi: Mũi 1 chặn ở Đồng Mỏ (cách TP Lạng Sơn 36km), mũi 2 chặn ở phía Nam đèo Sài Hồ (cách TP Lạng Sơn khoảng 20km).
Mục đích của địch là để tạo thế gọng kìm nhằm cô lập quân ta đang đóng quân từ TP Lạng Sơn trở lên biên giới, sau đó chúng sẽ dùng hỏa lực tiêu diệt ta, từ đó tạo thế trận có lợi cho chúng", Đại tá Khuỳnh kể.
Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 đã dũng cảm, ngoan cường chiến đấu, làm nên chiến thắng Khánh Khê. Sau chiến công này, Sư đoàn 337 được mệnh danh là "cánh cửa thép" của Lạng Sơn.
Cánh cửa thép Lạng Sơn mãi mãi đi vào lịch sử, ghi một mốc son kiêu hãnh của Sư đoàn "đã ra quân là đánh thắng", góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đây, sư đoàn vinh dự được mang tên "Đoàn Khánh Khê".
Năm 1979, sau khi thất bại thảm hại và bị cả cộng đồng quốc tế lên án, ngày 5/3/1979, nhà cầm quyền Trung quốc buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Nhưng đến ngày 18/3/1979, hầu hết đội quân xâm lược mới rút sang bên kia biên giới.
Thời điểm này, Sư đoàn 337 được lệnh về phòng ngự trên hướng chiến lược của quốc gia từ khu vực tiếp giáp với huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) cho đến hết huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) với chiều dài khoảng 28 km, trọng điểm là khu vực thị trấn Đồng Đăng của huyện Cao Lộc.
Sau ngày 18/3/1979, mặc dù Trung Quốc không sử dụng đội hình lớn sang Việt Nam, nhưng chúng vẫn ngang ngược tiếp tục chiếm giữ một số điểm cao thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, chúng còn thường xuyên sử dụng pháo binh bắn phá và đưa bộ binh xâm nhập, tiến công đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam. Tại những nơi này, quân và dân ta đã kiên quyết chiến đấu, giành giật từng tấc đất của Tổ quốc. Khu vực bình độ 400 thuộc thôn Nà Làng, xã Thanh Lòa (Cao Lộc -Lạng Sơn) là một trong những nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch.
Đồng thời, chúng còn dùng "hàng hóa tâm lý" để mua chuộc, lôi kéo nhằm dần làm mất sức chiến đấu của bộ đội ta, nhưng tất cả chúng đã không làm gì được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337.
"Lúc đó Sư đoàn 337 có phong trào là "Hàng tâm lý, bán không mua, cho không lấy, thấy bắt giữ", đã có nhiều tấm gương làm tốt điều này. Hàng tâm lý gồm quần áo, khăn ấm, chén, phích nước,… Lúc đó mình thiếu thốn đủ thứ, nếu mình nhận hàng hóa này có khi là nhụt ý chí chiến đấu, nhưng tất cả bộ đội của ta đều giữ vững lập trường, từ đó làm thất bại âm mưu mua chuộc của chúng", Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh nhớ lại.
Bảo vệ trận địa bình độ 400
Nói thêm về vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của trận địa bình độ 400, Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh cho biết, những năm 1980 - 1981 Trung Quốc đã tấn công vào trận địa này, nhưng ông đoán rằng, phía Trung Quốc cũng chưa đánh giá hết tầm quan trọng của trận địa này.
Bình độ 400 chỉ cao 400m, nhưng đứng ở điểm cao này bằng mắt thường cũng có thể quan sát được toàn bộ hoạt động cả quân sự và dân sự ở TP Lạng Sơn.
Bình độ 400 có 5 mỏm, mỏm 1, 2 của Việt Nam; mỏm 3, 4, 5 của Trung Quốc. Mỏm 1 là cao nhất, sau đó các mỏm thấp dần về phía Trung Quốc.
Những năm 1980, Trung Quốc đã cho xây dựng các công trình quân sự, hầm ngầm và trận địa ở bình độ 400. Khi Việt Nam xây dựng một đài quan sát ở bình độ 400 thì Trung Quốc thấy bất lợi nên đã âm thầm tấn công chúng ta.
"Ngày 5/5/1981, Trung Quốc bắt đầu nã pháo vào bình độ 400 và nã sâu vào nội địa của nước ta khoảng 7 - 8 km. Khi bị tấn công, bộ đội của ta cũng nã pháo đáp trả. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ có Trung đoàn 52 của Sư đoàn 337 chống trả, vì khu vực này thuộc trách nhiệm phòng ngự của đơn vị", Đại tá Khuỳnh cho biết.
Từ ngày 6/5/1981, các đơn vị khác của Sư đoàn 337 cũng được lệnh bắn pháo đáp trả vào bình độ 400 để trợ giúp cho Trung đoàn 52. Trong các ngày từ ngày 6 - 9/5/1981, ngày nào quân ta cũng bắn pháo vào bình độ 400, nhưng không dùng bộ binh.
Đến ngày 10/5/1981, bộ đội của ta mới dùng bộ binh để đánh địch. Nhận định địch chỉ có một trung đội, nên ta sử dụng Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 52 cơ động đường rừng lên tấn công địch ở bình độ 400.
"Sau 4 ngày từ 6 - 9/5/1981, ta chỉ sử dụng pháo bắn vào trận địa bình độ 400, bước sang ngày 10/5/1981, quân ta sử dụng bộ binh tấn công đã khiến quân Trung Quốc bị bất ngờ. Vì bất ngờ nên chúng mất chốt, bật khỏi trận địa cũng nhanh. Nhưng sau đó, lực lượng tiếp tế của chúng đến, cộng thêm lực lượng dưới các hầm hào chiến sự vùng lên tấn công ngược trở lại, chỉ trong vòng mấy chục phút quân ta đã bị đánh bật khỏi trận địa bình độ 400", Đại tá Khuỳnh nói.
Rút kinh nghiệm từ trận đánh đầu, quân ta đã nắm lại tình hình, nắm lại trận địa và sử dụng đội hình lớn hơn, bố trí Tiểu đoàn 6 tấn công địch và cho Tiểu đoàn 5 làm dự bị, hỗ trợ.
Khoảng 2h sáng 16/5/1981, Tiểu đoàn 6 đã thực hiện lệnh tấn công địch, nhưng khi làm chủ được trận địa thì chỉ còn 30 tay súng. Lúc này chỉ huy Tiểu đoàn 6 báo về và đề nghị Tiểu đoàn 5 cho quân lên hỗ trợ, thay thế.
Khi Tiểu đoàn 5 cơ động lên thay thế, thì địch bắn pháo dữ dội trên diện rộng. Do lực lượng của ta tập kết xa trận địa, địa hình dốc khó di chuyển, nên khi gần đến nơi thì quân Trung Quốc đã tràn sang chiếm lại trận địa. Lúc này quân ta vừa mất trận địa, mà cũng không tìm thấy xác 30 tay súng còn lại của Tiểu đoàn 6.
Những ngày sau đó, quân ta không tổ chức tiến công bộ binh nữa, mà chỉ dùng pháo bắn vào trận địa. Do pháo của ta bắn với cường độ lớn nên quân Trung Quốc cũng không trụ được, buộc rút quân khỏi bình độ 400.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa 44 năm, nhưng cứ mỗi dịp gần đến ngày 17/2, những đồng đội của Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh lại hẹn nhau rồi cùng trở lại thăm chiến trường khốc liệt năm xưa.
Đại tá Khuỳnh và đồng đội đều thấy vui khi chứng kiến vùng đất Cao Lộc - nơi hứng chịu "mưa bom bão đạn" của cuộc chiến cách đây 44 năm đã được "hồi sinh". Khu vực điểm cao 400 của trận địa bình độ 400 mà cách đây hơn 40 năm đến đá cũng hóa thành vôi thì nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn bởi nhiều cây xanh.
Phía dưới của trận địa này nhiều nhà cao tầng đã mọc lên; rồi điện, đường, trường, trạm cũng phát triển đồng bộ. Trong chuyến đi để thực hiện bài viết này, nhóm phóng viên Dân trí có dịp ghé thăm cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh của tỉnh Lạng Sơn, nhìn những chuyến xe chở hàng hóa của cả 2 bên tấp nập thông quan, thấy rằng, cuộc chiến đã thực sự lùi xa, hai bên đã khép lại quá khứ để cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.