1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Cục Thi hành án Hà Nội khẳng định 15/9 "về đích" vụ Tân Hoàng Minh

Thế Kha

(Dân trí) - Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đang "chạy đua" để hoàn thành chi trả tiền cho 6.630 bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh, chậm nhất đến 15/9 "về đích", hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ Tư pháp giao.

Thông tin trên vừa được lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cung cấp cho phóng viên Dân trí.

Cục Thi hành án Hà Nội khẳng định 15/9 về đích vụ Tân Hoàng Minh - 1

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị tuyên phạt 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: Nam Phương).

Trung bình mỗi năm, các cơ quan thi hành án dân sự ở Thủ đô phải tổ chức thi hành hơn 60.000 vụ việc, tương đương số tiền trên 70.000 tỷ đồng (chiếm 6-7% về số việc và chiếm tỷ lệ 17-19% về tiền trong tổng số phải thi hành của cả nước). Dù đứng thứ hai trong toàn quốc (sau Cục Thi hành án dân sự TPHCM), nhưng các vụ thi hành án ở Hà Nội lại có tính chất phức tạp, nhạy cảm đứng đầu cả nước.

Năm 2024, số lượng vụ việc và số tiền phải thi hành án ở Hà Nội tăng đột biến. 10 tháng đầu năm (mốc thống kê của ngành), toàn thành phố có trên 62.000 việc, tương ứng gần 90.000 tỷ đồng, phải thi hành án.

Riêng tại Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, đến ngày 30/8 đã thụ lý mới số việc tăng 400% so với năm 2023.

"Tính trung bình, mỗi chấp hành viên tại Hà Nội phải tổ chức thi hành trên dưới 300 việc và 350 tỷ đồng mỗi năm", lãnh đạo cơ quan này cho hay.

Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, từ xây dựng kế hoạch cụ thể với những vụ án lớn, đến bố trí nhân sự phù hợp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ.

Điển hình như vụ Tân Hoàng Minh, cơ quan thi hành án phải hoàn trả trên 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại - chưa từng có tiền lệ. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã chủ động phối hợp với chuyên gia công nghệ thông tin viết một phần mềm riêng có chức năng dự thảo toàn bộ "Đơn yêu cầu thi hành án""Quyết định thi hành án theo yêu cầu" đối với tất cả các đương sự trong vụ án.

Phần mềm đã cho sản phẩm là toàn bộ "Đơn yêu cầu thi hành án" và "Quyết định thi hành án theo yêu cầu" với độ chính xác 100% về tên tuổi, địa chỉ của bị hại và khoản tiền phải thi hành án...

Từ đó, các chấp hành viên, kế toán cũng như công chức trong cơ quan làm việc không quản ngày đêm, kể cả Thứ Bảy, Chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ chi trả cho các bị hại.

Tính đến ngày 30/8, cơ quan thi hành án Hà Nội đã chi trả cho 5.601 bị hại với tổng số tiền hơn 7.908 tỷ đồng.

"Chúng tôi đặt mục tiêu, quyết tâm chậm nhất đến ngày 15/9 sẽ hoàn thành chi trả toàn bộ số tiền trên 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư, bị hại trong vụ án này, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao", đại diện Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cam kết.

Cục Thi hành án Hà Nội khẳng định 15/9 về đích vụ Tân Hoàng Minh - 2

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đánh giá vụ Tân Hoàng Minh "chưa từng có tiền lệ" khi phải hoàn trả trên 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại (Ảnh: Trần Kháng)

Như Dân trí thông tin trước đó, bản án của tòa xác định để giải quyết khó khăn về tài chính, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng ra chủ trương phát hành 9 lô trái phiếu của 3 công ty thuộc tập đoàn.

Hồ sơ phát hành trái phiếu được xây dựng trên các báo cáo tài chính đã "làm đẹp" số liệu, với sự tiếp tay của công ty kiểm toán.

Các bị cáo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh lập hợp đồng giả cách, "chạy" dòng tiền khống, hợp thức cho tập đoàn này trở thành trái chủ sơ cấp của các lô trái phiếu, sau đó bán cho nhà đầu tư để thu về hơn 14.000 tỷ đồng.

Phần lớn số tiền được ông Đỗ Anh Dũng chỉ đạo chi tiêu không đúng phương án phát hành, gây thiệt hại trên 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư.

Ông Đỗ Anh Dũng cùng gia đình đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng, cùng với gần 3.000 tỷ đồng thu hồi được trong quá trình điều tra vụ án, đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Đang thi hành hàng loạt đại án, khối lượng công việc cực lớn

Ngoài vụ Tân Hoàng Minh "chưa từng có tiền lệ" như trên, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đang tổ chức, giải quyết hàng loạt vụ đại án lớn như: Vụ Liên Kết Việt gần 6.000 bị hại, tương ứng với số tiền trên 550 tỷ đồng; vụ Lê Văn Quang (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đa cấp Thăng Long) gần 2.000 bị hại, tương ứng với số tiền hơn 120 tỷ đồng; vụ Trái tim Việt Nam với gần 1.000 bị hại tương ứng số tiền hơn 41 tỷ đồng...

Thi hành án Hà Nội còn phải tập trung nguồn lực thi hành hiệu quả 22 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi như: Vụ Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện đa khoa Đồng Nai; Công ty cổ phần Tiến Bộ (AIC); Tân Việt Phát 2; Vụ Dược phẩm Cửu Long; vụ án liên quan Bệnh viện Bạch Mai; vụ chuyến bay giải cứu; nhận ủy thác xử lý tài sản vụ án của Đinh Ngọc Hệ (Út trọc); vụ án của Giang Kim Đạt; vụ Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Ngân hàng OceanBank); vụ Tổng công ty Dầu khí; vụ ngân hàng Oceanbank; vụ Phan Văn Anh Vũ (được biết đến với tên Vũ "nhôm"); vụ Nhật Cường; vụ Châu Thị Thu Nga (cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Housing Group); vụ án Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải); vụ Phan Sào Nam; vụ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…

"Dù khối lượng công việc khổng lồ như vậy, nhưng số lượng biên chế được giao hiện nay của chúng tôi chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy đã tạo áp lực rất lớn lên đội ngũ chấp hành viên và công chức trong đơn vị", đại diện cơ quan thi hành án nêu thực tế.