1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

6.630 bị hại vụ Tân Hoàng Minh sẽ được hướng dẫn nộp đơn thi hành án

Thế Kha

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Phạm Văn Dũng cho biết sẽ ban hành kế hoạch, bố trí cán bộ hướng dẫn các đương sự nộp đơn thi hành án vụ Tân Hoàng Minh.

Sáng 10/4, tại hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Phạm Văn Dũng cho biết, số vụ việc và số tiền thụ lý mới trên địa bàn Hà Nội đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

6.630 bị hại vụ Tân Hoàng Minh sẽ được hướng dẫn nộp đơn thi hành án - 1

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội Phạm Văn Dũng (Ảnh: An Như).

Trong bối cảnh toàn hệ thống thi hành án phải tăng cường rà soát, tự kiểm tra để "tự soi, tự sửa", Cục trưởng Phạm Văn Dũng nói vẫn phải giải quyết nhiều vụ việc có số lượng đương sự và số tiền rất lớn. Điển hình như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh với hơn 6.000 đương sự.

Thời gian tới, cơ quan này sẽ chú trọng công tác kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc cho các Chi cục Thi hành án dân sự; đồng thời tổ chức làm việc với các Chi cục để giải quyết các vụ phức tạp, kéo dài và có giá trị lớn.

Việc tổ chức thi hành án với vụ Tân Hoàng Minh được cơ quan này đặc biệt quan tâm và sẽ ban hành kế hoạch, bố trí cán bộ hướng dẫn các đương sự nộp đơn thi hành án.

Chiều 27/3 vừa qua, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, là người lĩnh mức án cao nhất, 8 năm tù.

Các bị cáo tại tập đoàn này đã lập hợp đồng giả cách, "chạy" dòng tiền khống, hợp thức cho tập đoàn này trở thành trái chủ sơ cấp của các lô trái phiếu, sau đó bán cho nhà đầu tư để thu về hơn 14.000 tỷ đồng.

Phần lớn số tiền được bị cáo Đỗ Anh Dũng chỉ đạo chi tiêu không đúng phương án phát hành, gây thiệt hại trên 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng cùng gia đình đã nộp hơn 5.600 tỷ đồng, cùng với gần 3.000 tỷ đồng thu hồi được trong quá trình điều tra vụ án, đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả.

Tòa sơ thẩm buộc bị cáo Đỗ Anh Dũng bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng cho 6.630 bị hại.

6.630 bị hại vụ Tân Hoàng Minh sẽ được hướng dẫn nộp đơn thi hành án - 2

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (Ảnh: Nguyễn Hải).

Một chấp hành viên thuộc Cục Thi hành án dân sự Hà Nội phân tích, sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, truy tố, số tiền trên sẽ được chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

"Sau khi bản án có hiệu lực thi hành, người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án, ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự", chấp hành viên phân tích.

Trong trường hợp vụ Tân Hoàng Minh, khi tiền đã được thu, tạm giữ tại cơ quan thi hành án, nếu bị hại có đơn yêu cầu thi hành án thì sẽ sớm được thanh toán ngay.

Trên thực tế, những người này có thể được cơ quan thi hành án dân sự thanh toán, chi trả trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án hoặc phụ thuộc hồ sơ, thủ tục, giấy tờ pháp lý, thông báo của cơ quan thi hành án và sự hợp tác của người được thi hành án.

Trường hợp người được thi hành án không đến nhận tiền theo thông báo, số tiền sẽ được gửi tiết kiệm theo quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự.

Đã thi hành xong gần 47.600 tỷ đồng

Báo cáo của lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống thi hành xong trên 242.300 việc và gần 47.600 tỷ đồng về tiền.

Đối với án tín dụng ngân hàng (không bao gồm ủy thác thi hành án, số chưa có điều kiện đã chuyển sổ theo dõi riêng), toàn hệ thống đã thi hành xong gần 2.300 việc và thi hành xong về tiền 12.800 tỷ đồng…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao các kết quả của toàn hệ thống thi hành án dân sự đã đạt được trong các mặt công tác; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các cơ quan thi hành án địa phương.

Trong bối cảnh số lượng việc và số tiền phải thi hành án có xu hướng ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp có số lượng người, tài sản phải thi hành án rất lớn, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo cho việc thi hành án hiệu quả.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của người dân với ngành, ông Khôi yêu cầu các cơ quan thi hành án tập trung giải quyết các vấn đề về biên chế, nguồn lực con người; tăng cường rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cấp chi cục, phòng chuyên môn.

Đồng thời phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra sát sao với những vụ án lớn, giá trị thi hành cao để đảm bảo tiến độ thi hành.