Cục C06 "bắt tay" với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai Đề án 06
(Dân trí) - Cục C06 đặt mục tiêu các điểm bưu chính trên toàn quốc sẽ là một trong những điểm hướng dẫn và thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 3 cấp xã, huyện, tỉnh, bắt đầu từ tháng 11.
Ngày 21/10, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về triển khai Đề án 06.
Sau khi ký kết, 2 đơn vị sẽ hợp tác các nội dung như: Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công/dịch vụ công trực tuyến tại các điểm phục vụ của bưu điện; Hợp tác triển khai Mô hình sàn giao dịch nông sản đồng thời chia sẻ thông tin, truyền thông đến người dân để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nông sản, sản vật địa phương;
Phối hợp triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu qua dịch vụ bưu chính công ích; Phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030;
Triển khai kết nối hệ thống dịch vụ thanh toán trực tuyến trên hệ thống cổng dịch vụ công....
Để triển khai có hiệu quả thỏa thuận hợp tác trên, về phía Bộ Công an, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ giao Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cử đầu mối theo dõi, phối hợp với đầu mối trực thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam trong việc điều phối, giải quyết các vấn đề liên quan.
Bên cạnh đó, Cục đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai 100% các điểm Bưu chính trên toàn quốc bố trí đầy đủ trang thiết bị, máy móc, tài liệu hướng dẫn, băng rôn, khẩu hiệu để tuyên truyền, cử cán bộ hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công.
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đặt mục tiêu các điểm bưu chính trên toàn quốc sẽ là một trong những điểm hướng dẫn và thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại 3 cấp xã, huyện, tỉnh, bắt đầu từ tháng 11.
Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, sau 21 tháng triển khai thực hiện, Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 15 bộ, ngành và 63 địa phương; hơn 84,3 triệu thẻ căn cước gắn chip được cấp; thu nhận hơn 64 triệu tài khoản định danh điện tử, kích hoạt hơn 42 triệu tài khoản;
Hai dịch vụ công liên thông "đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí" được triển khai trên toàn quốc từ ngày 10/7;
Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế như: 38/63 địa phương thực hiện chi trả tiền an sinh xã hội qua tài khoản cho hơn 236.000 người, với số tiền hơn 323,5 tỷ đồng; xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD tại các cơ sở khám chữa bệnh; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, phòng ngừa tội phạm lừa đảo,...
Xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng SIM rác hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa...
"Đánh giá tổng thể, Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 khía cạnh: Làm cho xã hội văn minh hơn, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, phòng chống tội phạm", Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết.