1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cụ ông 85 tuổi 3 lần nhập viện vì đam mê mua "thuốc tiên" trên mạng

Thế Hưng

(Dân trí) - Tin lời quảng cáo trên Youtube, cụ ông 85 tuổi tại Xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) mua thuốc uống và phải nhập viện 3 lần với các triệu chứng cao huyết áp, phù người do tích nước...

Tiền mất, tật mang 

Mới đây, ông N.T.H. (85 tuổi) sống tại thôn Đào Xá (xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã 3 lần vào Bệnh viện Đại học Y Hải Dương với các triệu chứng cao huyết áp, phù người do tích nước khi uống thuốc mua trên Youtube. Ông H. phải thải độc gan, truyền nước trong vòng 1 tuần. Chi phí điều trị mỗi lần lên tới 5-10 triệu đồng.

Theo người nhà ông H., dù bị "ăn quả đắng" vì thuốc trên mạng nhưng sau mỗi lần đi viện về ông vẫn không hết "đam mê" mua thuốc trên mạng.

"Ông nội tôi tiếp tục tìm mua một loại thuốc khác sau khi xem được quảng cáo. Uống được 1-2 lần, ông lại phải nhập viện với tình trạng tương tự" - người nhà ông H. nói và cho biết cách đây 1 tháng, ông H. cũng vừa nhập viện vì mua thuốc kẹo sâm Hàn Quốc trên Youtube. Không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nên ông đã bị cao huyết áp dẫn đến nhập viện.

Cụ ông 85 tuổi 3 lần nhập viện vì đam mê mua thuốc tiên trên mạng - 1

Dân buôn thuốc qua Youtube chi đậm tiền chạy quảng cáo (Ảnh chụp màn hình: Thế Hưng).

Cũng theo người nhà ông H., dù không sử dụng điện thoại, không có tivi thông minh  nhưng ông H. vẫn mua được thuốc trên Youtube vì có người hàng xóm thường xuyên xem Youtube tư vấn, mách nước.

Mỗi lần đặt mua thuốc trên Youtube, đơn thuốc của ông H, là 1-2 triệu đồng, sức khỏe hiện bị giảm sút nghiêm trọng vì thường xuyên phải đi viện.

Ông N.V.Đ. (An Thái, Hải Dương) cũng từng mua phải thuốc đông y chữa dạ dày qua Youtube. Một liệu trình gồm 60 gói thuốc, với giá 600.000 đồng. Tuy nhiên, kể từ khi uống thuốc thì ông Đ. càng ngày càng thấy mệt. Sau gần 3 tuần điều trị, ông Đ. kém ăn, sốt cao li bì liên tục và dần dần thấy khó thở.

Thấy tình trạng ông càng ngày càng xấu, gia đình tức tốc đưa ông nhập viện. Men gan của ông Đ. tăng đến mức nguy hiểm. Khi biết liệu trình thuốc của ông N.V.D., bác sĩ lập tức yêu cầu dừng uống và thu lại toàn bộ số thuốc đó để mang đi xét nghiệm.

Chị Nguyễn Thị Tâm (ở Giải Phóng, Hà Nội) cho biết: "Bố mẹ thường xuyên trách móc tôi không quan tâm tới sức khỏe của ông bà và so sánh với những người bạn cao tuổi khác, nhiều người được con mua cho nhiều thuốc bổ. Nhưng khi tôi biếu tiền để bố mẹ mua thuốc giống bạn bè thì họ lại toàn đặt hàng qua Youtube".

Tình trạng người cao tuổi tin vào những quảng cáo thuốc trên Youtube rất phổ biến, lo ngại rủi ro nên chị Tâm phải tự tìm hiểu và mua các loại thuốc tốt biếu bố mẹ. Theo chị Tâm, người lớn tuổi nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua thuốc để tránh "tiền mất tật mang". Chưa nói đến các loại thuốc kém chất lượng, uống thuốc không theo sự chỉ định của bác sĩ cũng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Chia sẻ trên Dân trí, TS.BS Trần Bá Thoại - Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam - cho biết, khi sử dụng thuốc, ông Thoại lưu ý cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình 5 "đúng": Căn bệnh, dạng thuốc, liều lượng, liệu trình và cách đường dùng. Ngay cả thực phẩm chức năng, trung gian giữa thuốc và thức ăn, khi ra thị trường cũng có nhãn mác, liều lượng. Dược chất trong thuốc là chất lạ, ngoại lai nên cũng có thể không dung nạp và dị ứng. Do đó, kể cả đông dược, đừng nghĩ là "thuốc từ cây trái" nên an toàn, vô hại. 

Dân buôn chi 10 tỷ đồng tiền chạy quảng cáo Youtube

Vài năm qua, do dịch bệnh kéo dài nên nhiều người cao tuổi chỉ biết ngồi trước màn hình tivi để xem các chương trình giải trí. Với ứng dụng Youtube, người cao tuổi có thể xem được nhiều nội dung giải trí hơn truyền hình thông thường. Vì vậy "dân chuyên" trong lĩnh vực bán thuốc rởm trên mạng đang đẩy mạnh quảng cáo trên ứng dụng này.

Trong vai một khách hành tìm mua thuốc, chúng tôi liên hệ với một dân buôn tên V. (ở Hà Nội) cho biết: "Người lớn tuổi thường chậm về công nghệ. Do đó, các quảng cáo dài 1-3 phút họ cũng không biết bỏ qua. Hơn nữa, video quảng cáo của tôi đánh trúng tâm lý người bệnh nên các cụ rất chú ý lắng nghe".

Người này nói thêm, chỉ cần để lại số điện thoại thật to và cho người dẫn nhắc lại nhiều lần. Người bệnh lớn tuổi sẽ ghi nhớ và gọi đến đặt hàng. Người cao tuổi chỉ việc gọi điện và nghe tư vấn. Sau đó, nhân viên sẽ gửi thuốc về tận nhà và thanh toán tại chỗ. Việc mua bán dễ dàng nên lượng giao dịch mỗi ngày đều rất lớn.

Ngoài ra, lỗ hổng của Youtube được dân buôn thuốc rởm tận dụng là ứng dụng không kiểm duyệt về nội dung và giấy phép, bởi vậy cánh buôn thuốc dởm bán online chi rất nhiều tiền quảng cáo cho ứng dụng xem video này. Theo anh V., có tháng tiền quảng cáo trên Youtube bỏ ra tới 10 tỷ đồng. 

Mỗi video quảng cáo thuốc anh V. thu về vài trăm nghìn tới hàng triệu lượt xem. Tỷ lệ đặt hàng lên tới 50-60% sau khi đã có thông tin khách hàng. Sau khi trừ các chi phí cố định, chi phí COD hàng, chi phí quảng cáo, chi phí hoàn, vận chuyển, tồn kho... anh V vẫn thu về lợi nhuận khủng từ việc bán thuốc rởm.

Sau một thời gian làm thuốc đông y rởm, anh V. đã bị cơ quan chức năng xử phạt nặng và bỏ nghề.