Công trường đắp đập đất cao vào bậc nhất Việt Nam rộn ràng ngày đầu năm
(Dân trí) - Sáng mùng 3 Tết, công trường đắp đập Cánh Tạng ở Hòa Bình nhộn nhịp trở lại. Hàng chục công nhân sau 3 ngày nghỉ đã trở lại công trường, nhanh chóng thực hiện công việc để kịp tiến độ trong năm mới.
Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), công trình trọng điểm của đất nước, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 4.128 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Chủ đầu tư cùng nhà thầu thi công thực hiện việc đắp đập ngăn dòng từ tháng 11/2023. Từ đó đến nay, nhà thầu tập trung triển khai thi công, trong vòng 6 tháng phải hoàn thành việc ngăn dòng, xong trước mùa mưa bão năm 2024.
Kỹ sư Lường Văn Hùng chia sẻ, đập Cánh Tạng đang được thi công là một trong những đập thủy lợi đắp đất cao bậc nhất Việt Nam. "Trong khoảng 1 triệu khối đất cần đắp ngăn dòng, hiện nay nhà thầu đã đắp được 350.000 khối, tiến độ mỗi ngày đắp được khoảng 10.000 khối đất", anh Hùng nói.
Cũng theo kỹ sư Hùng, để đạt được tiến độ đề ra, sáng ngày Mùng 3 Tết năm 2024, sau 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, toàn bộ cán bộ, kỹ thuật, công nhân thi công dự án đã đến công trường để làm việc trở lại.
Ông Vũ Lâm Hoài, Chỉ huy trưởng công trường cho biết, sau nhiều tháng thi công, đến nay việc đắp đập ngăn dòng hồ Cánh Tạng đang được nhà thầu triển khai vượt tiến độ hơn 1m so với yêu cầu đề ra.
"Dịp nghỉ Tết 2024 Giáp Thìn, nhà thầu cho anh em công nhân nghỉ từ ngày 30 tháng 12 năm 2023 âm lịch, sáng nay, mùng 3 Tết năm 2024, mọi người đều đã trở lại công trường làm việc. Trong ngày đầu năm mới đi làm, đơn vị thi công đã làm lễ khai xuân và lì xì cho anh em công nhân, tạo khí thế làm việc rộn ràng trong năm mới", ông Hoài tâm sự.
Chỉ huy trưởng công trường đắp đất hồ thủy lợi chia sẻ thêm, ngày đầu tiên công trường hoạt động trở lại, nhà thầu là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân đã huy động hơn 50 người làm việc, 3 ca 4 kíp trong ngày với số lượng máy xúc, xe tải, máy lu được huy động tối đa. Mọi hoạt động diễn ra như ngày bình thường để kịp theo tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư.
"Thời gian thi công đắp đập ngăn dòng trong vòng 6 tháng phải hoàn thành, vì thế từ khi bắt đầu triển khai, chúng tôi đã làm không ngừng nghỉ, máy móc và công nhân chia thời gian hoạt động gần hết 24 tiếng trong ngày.
Công việc gấp rút nhưng đập đắp đất phải đạt đúng yêu cầu đề ra, vì thế mọi công đoạn phải được thực hiện nghiêm túc, được kiểm tra giám sát chặt chẽ", ông Hoài nói.
Kỹ sư Lường Văn Hùng chia sẻ thêm, thi công xây dựng đập đắp đất có nhiều khó khăn, trời mưa thì không thể làm được. Quá trình đắp đất và thân đập, đất nguyên liệu có độ ẩm cao nên phải xử lý cầu kỳ và lu lèn kỹ hơn.
"Đất được đổ xuống được san gạt, lu lèn kỹ, đầm chặt các lớp để đảm bảo theo hồ sơ thiết kế. Đơn vị thi công thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị giám sát kiểm tra, đủ điều kiện mới cho thi công tiếp", anh Hùng nêu rõ.
Theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT, hồ chứa nước Cánh Tạng phải sớm được hoàn thành để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Vì thế, chủ đầu tư cũng như UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp chặt chẽ để dự án sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, dự án hồ chứa nước Cánh Tạng là công trình quan trọng của quốc gia. Quỹ thời gian để hoàn thành dự án chỉ còn 2 năm, nếu các đơn vị không triển khai quyết liệt ngay từ bây giờ thì dự án khó có thể thành công.
Khi hoàn thành, hồ chứa nước Cánh Tạng sẽ cấp nước tưới cho khoảng 6.460ha đất canh tác (huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, Hòa Bình); tạo nguồn cấp nước bổ sung cho các công trình ở hạ lưu trong mùa khô. Đồng thời, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế vùng theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nhân dân tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa.