Công nhân hoang mang, lo sợ sau vụ sập núi

(Dân trí) - Đã 5 ngày trôi qua, công việc tìm kiếm các nạn nhân xấu số trong vụ sập núi hôm 15/12 mới đi đường hơn 1/3 chặng đường; dự kiến có thể kéo dài đến mấy tháng trời. Công trình thuỷ điện Bản Vẽ ít nhiều bị ảnh hưởng về tiến độ thi công.

Dự án thủy điện Bản Vẽ là công trình lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu xây lắp, nằm ở xã Yên Na, huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An). Công trình được khởi công ngày 7/8/2004, dự kiến sẽ phát điện vào tháng 7/2009.

 

Mỗi ngày ở đây có hàng ngàn công nhân, kỹ sư, máy móc thiết bị làm việc khẩn trương để kịp hoà lưới điện quốc gia đúng như dự kiến. Mỗi ngày các công nhân tại đây phải đổ dầm bê tông từ 3.000-3.200m3; công việc phun gia cố, đổ bê tông phần hầm cũng đang trong giai đoạn nước rút…

 

Tuy nhiên, sau ngày “đại tang” trên đỉnh Văng Tan, hàng ngàn công nhân, kỹ sư bị “đánh đòn nặng” về tâm lý, hoang mang trong công việc. Ông Đào Duy Tân - Giám đốc thuỷ điện Bản Vẽ - cho biết: “Sau vụ thảm hoạ ấy, hàng ngàn công nhân, kỹ sư đang làm việc cho thuỷ điện ít nhiều bị ảnh hưởng về tâm lý. Chúng tôi cũng đã bảo ban lãnh đạo các xí nghiệp động viên anh em tiếp tục làm việc để kịp tiến độ thi công công trình”.

 

Ông Tân cho biết thêm: “Nhiều khả năng công việc tìm kiếm cứu nạn không chỉ 1-2 tuần mà có lẽ phải mất đến 1-2 tháng nên công việc thi công công trình thuỷ điện sẽ ảnh hưởng một phần nào đấy. Bên cạnh đó, trong khi đang chờ tìm kiếm thi thể ở mỏ đá D3 này, chúng tôi chưa biết tìm “nguồn” lấy đá ở đâu. Có lẽ phải tìm một mỏ đá khác để thay thế mỏ này”. 

 

Qua tìm hiểu một số công nhân đang làm việc tại công trường thuỷ điện Bản Vẽ, hầu hết đều mang tâm lý bàng hoàng, lo sợ. Anh V.V.T tâm sự: “Sau cú thoát chết hôm vừa rồi, tôi bây giờ chân tay đang rã rời, cầm bát cơm không nổi, chưa biết có nên ở lại đây làm nữa không? Từ ngày có mặt tại Bản Vẽ, tôi cũng đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn lao động rồi nhưng không lớn lắm, cũng đã có một số người tử vong, đại đa số là mất chân tay hoặc cũng không thể đi làm được…”. Thậm chí có người còn bi quan: Sẽ không bao giờ cho con đi làm ở các công trường.

 

Công trình thuỷ điện Bản Vẽ đang trong giai đoạn nước rút, việc ảnh hưởng đến tiến độ thi công là tất yếu. Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này là ổn định tinh thần cho anh em, động viên công nhân tiếp tục làm việc. Quan trọng hơn cả là không thể để xảy ra thêm một sai sót, tai nạn nào nữa.

 

Ông Đào Duy Tân - Giám đốc thuỷ điện Bản Vẽ:

Nguyên nhân có thể do địa tầng

 

 

Công nhân hoang mang, lo sợ sau vụ sập núi - 1

Giám đốc thuỷ điện Bản Vẽ (giữa) có mặt tại công trường, trực tiếp tham gia cứu nạn và động viên anh em. (Ảnh: N.Duy).

 

PV: Thưa ông, mỏ đá D3 trước đây chưa khai thác có vấn đề gì không? Về phía các công ty thực thi ở mỏ này có thăm dò, phương án kỹ thuật ra sao?

 

Ông Đào Duy Tân: Cũng không rõ trước đây ngọn núi Văng Tan này có vấn đề gì không. Nhưng tôi đã giao cho các Công ty là Sông Đà 2 và 5 phải thăm dò trước xem vấn đề địa tầng ở đây ra sao. Khi thực thi phải có kỹ thuật rõ ràng và như các công ty này từng đã làm trong thời gian qua.

 

Dư luận cho rằng nguyên nhân có thể là do thời gian qua nổ mìn quá nhiều nên ảnh hưởng đến tầng đ chất?

 

Tôi không dám khẳng định điều đó, nhưng qua mấy ngày nay lăn lộn tại khu vực mỏ D3 này cũng có nghe nhiều người bàn tán là do nổ mìn nhiều. Chúng tôi cũng đã cho khai thác mấy năm nay có thấy chi đâu.

 

Theo tôi được biết, một số mỏ đá ở Quỳ Hợp, Quỳ Châu... đối tác ở nước ngoài sang Việt Nam bày cách khai thác từ trên đỉnh đồi xuống chưa lúc nào xảy ra tai nạn. Vậy nếu mình cũng thực hiện theo cách đó liệu có xảy ra cơ sự như hômg nay?

 

Cái đó thì tôi chưa nghe. Nhưng chúng tôi khai thác đã gần hai năm nay có thấy sao đâu. Vấn đề ở đây là “đen đủi” thôi mà. 

 

Mở đường công vụ lên đỉnh đồi bốc dần từng lớp ở trên xuống thì sao? Phương pháp này giống với cách làm mà các đối tác nước ngoài đang thực thi ở Nghệ An?

 

Đây là một sáng kiến rất tuyệt vời. Bởi bốc từ trên xuống sẽ giảm áp lực, nhưng phải rất cẩn trọng. Một vết nứt dài gần trăm mét, rộng gần 3m đang có xu hướng đổ về phía các thi thể đang nằm. Nhưng tôi cũng không biết lắm về vấn đề mà các đối tác nước ngoài như anh nói.

 

Đến thời điểm này đã gần 4 ngày trôi qua (ngày 18/12), công tác cứu hộ, cứu nạn có gặp vấn đề gì khó khăn thưa ông?

 

Nói thật, hôm nghe tai nạn xảy ra tôi đã tức tốc điện báo đi khắp nơi, cùng chủ tịch tỉnh và các ban ngành có mặt kịp thời để chỉ đạo. Nhưng mọi việc đã quá muộn, tưởng có thể cứu thêm một vài người nhưng tình hình thế này là chỉ biết chia sẻ đến các gia đình. Còn công tác cứu trợ ở đây khó khăn nhất có lẽ vẫn là máy móc, thứ đến thời tiết thuận lợi thì đỡ, nhưng nếu mưa lớn thì khả năng phải cho anh em nghỉ không lỡ xảy ra tai hoạ thì...

 

Hiện chúng tôi vẫn đang cho anh em miệt mài ngày đêm, thay ca làm việc để lấy xác các nạn nhân ra sớm chừng nào hay chừng ấy.

 

Vậy theo ông nguyên nhân vụ lở núi này là gì?

 

Thú thật tôi hoàn toàn không đổ lỗi cho việc nổ mìn, nhưng theo suy nghĩ của tôi có thể là do địa tầng nơi đây có vấn đề? Bây giờ tôi chưa muốn nói gì hết chắc phải cấp trên mới trả lời các anh được.

 

Nguyễn Duy