Kết luận nguyên nhân vụ sập mỏ đá làm chết 18 người tại Bản Vẽ
(Dân trí) - Sau 7 tháng nỗ lực khảo sát, điều tra tại hiện trường, nghiên cứu hồ sơ tài liệu… đoàn công tác liên ngành đã có báo cáo kết quả điều tra nguyên nhân vụ sập mỏ đá D3 - công trình thuỷ điện Bản Vẽ (Nghệ An).
Theo báo cáo, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan gây nên tai nạn. Nguyên nhân khách quan được xác định: Điều kiện địa chất tại mỏ đá quá phức tạp và điều kiện tự nhiên bất lợi. Đó là do khu vực mỏ đá có nhiều đứt gãy, nhiều hệ thống khe nứt đan xen nhau; đất đá trong vùng đứt gãy, khe nứt bị cà nát, vò nhàu, uốn nếp và bị phong hoá mạnh. Thành phần đất đá không đồng nhất về tính chất cũng như cường độ kháng nén, kháng cắt.
Trong khi, từ năm 2004 đến năm 2007 tại miền Tây Nghệ An (bao gồm cả Bản Vẽ) chịu nhiều ảnh hưởng của dư chấn động đất, những trận mưa kéo dài với lượng mưa lớn, đặc biệt là trận mưa lũ năm 2007 cho nên khi bóc bỏ lớp phủ của mỏ đã tạo điều kiện cho nước mưa thấm sâu vào các lớp kẹp, các đứt gãy, khe nứt làm mềm và rửa trôi lớp kẹp, làm tăng khả năng mất ổn định của bờ mỏ.
Nguyên nhân chủ quan được xác định: Công ty tư vấn xây dựng điện 1 (Tập đoàn điện lực Việt Nam) đã khảo sát thăm dò mỏ đá nhưng chủ yếu để đánh giá chất lượng đá, tính trữ lượng; tài liệu đánh giá cấu trúc địa chất thiếu chi tiết, không thể hiện được các đứt gãy, hệ thống khe nứt; tài liệu địa chất do công ty cung cấp chưa đáp ứng yêu cầu đầy đủ phục vụ cho công tác thiết kế khai thác và đưa ra biện pháp khai thác mỏ đá D3. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công không có tài liệu địa chất; thuyết minh sơ sài, không phân tích tình hình đặc điểm địa chất...
Kết quả điều tra tai nạn tại mỏ đá D3 sẽ làm căn cứ cho việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan và làm căn cứ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết các chế độ trợ cấp tai nạn lao động theo luật định cho thân nhân những người bị tai nạn.
Cũng từ kết quả điều tra, để đảm bảo an toàn cho quá trình thi công các công trình thuỷ điện trên địa bàn Nghệ An, Đoàn điều tra liên ngành đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các ngành, các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra chặt chẽ công tác khảo sát, thăm dò, thiết kế, lập biện pháp thi công, đặc biệt là việc khai thác mỏ.
Như đã đưa tin, vụ tai nạn tại mỏ đá D3 công trình thuỷ điện Bản Vẽ xảy ra vào ngày 15/12/2007 làm chết một lúc 18 cán bộ, công nhân của Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 (Tập đoàn điện lực Việt Nam), Công ty sông Đà 2 và Công ty sông Đà 5 (Tổng công ty sông Đà). Đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nhất xảy ra tại Nghệ An từ trước đến nay.
Nguyễn Văn Nhật
TTXVN