1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vụ "làm ăn" liên quan đến bưu điện 28 tỉnh, thành:

Có thư tay của cán bộ ngành bưu chính viễn thông

Ngày 13/6, đại tá Nguyễn Tiến Lực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an), cho biết: Cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ thư tay của một cán bộ ngành bưu chính viễn thông giới thiệu cho các đối tượng đi ký kết hợp đồng với bưu điện các tỉnh, thành.

Sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Nguyễn Lâm Thái - Giám đốc Công ty Sao Đỏ (trụ sở tại 168 Triệu Việt Vương, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) - đã có những lời khai ban đầu: do nắm bắt được chủ trương đầu tư trang bị camera, thiết bị viễn thông cho các bưu điện nên Thái đã đặt vấn đề với một vài cán bộ ở VNPT  (có mối quan hệ thân tình từ trước) nhằm được độc quyền ký các hợp đồng mua bán.

 

Để có được sự “ưu đãi” này, Thái  đồng ý “lại quả” cho một số vị tùy từng giá trị hợp đồng. Sau khi được VNPT “bật đèn xanh”, Thái chỉ đạo các công ty con do Thái điều hành bán hóa đơn lòng vòng với nhau, tạo đầu vào khống để hợp thức hóa đầu ra. Mỗi hợp đồng khống này Thái chi trả cho các công ty con 3% trên doanh số mua bán.

 

Bước tiếp theo Thái câu kết với giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng kinh doanh và kế toán trưởng các bưu điện và thực hiện hàng loạt giấy tờ, thủ tục để nâng giá bán thiết bị lên hàng chục lần so với giá thị trường.

 

Theo cơ quan điều tra, mỗi hợp đồng bán thiết bị cho các bưu điện, Thái chia lại cho cán bộ bưu điện 2-3%. Đứng đầu danh sách 28 bưu điện có “làm ăn” với Thái là Bưu điện An Giang với doanh số mua bán 8 tỉ đồng và số tiền chia chác lên đến hàng trăm triệu đồng, các bưu điện khác doanh số mua bán từ 2-6 tỉ đồng.

 

28 bưu điện có liên quan

 

Bưu điện Hà Nội (trong đó có Bưu điện Trung tâm 1 Hà Nội), Công ty Bưu chính phát hành báo chí Hà Nội, Công ty Vinaphone, Bưu điện Bình Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Phú Yên, Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Ðồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Long An, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Bình, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau.

Theo Thái khai nhận, tất cả các bưu điện đều được “lại quả” theo đúng thỏa thuận ban đầu. Cho đến thời điểm này, chỉ có hai bưu điện là Thái Nguyên và Long An tự giác đem nộp lại cho cơ quan điều tra số tiền được chia.

 

Một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cho biết danh sách các bưu điện có tham gia “làm ăn” với Thái không dừng lại ở con số 28 mà sẽ còn nhiều hơn nữa.

 

Điều đáng nói là các bưu điện đã không kiểm tra, tham khảo giá của Ban vật giá của VNPT mà căn cứ vào các phiếu báo giá của Thái mà chấp nhận mua hàng.

 

Trước khi bị bắt, Thái đã tẩu tán tài sản tại trụ sở công ty trên phố Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng nên việc khám xét ngoài những giấy tờ, tài liệu liên quan, cơ quan điều tra đã không thu giữ được tài sản gì có giá trị lớn của bị can.

 

Hành vi câu kết, làm hồ sơ, giấy tờ giả để nâng khống giá bán thiết bị giữa Thái và những nhân vật khác đã khá rõ. Vấn đề mà cơ quan điều tra cần sớm phanh phui ra ánh sáng chính là hành vi tham ô và nhận hối lộ của các nhân vật liên quan.

Trong thời gian tới, công tác điều tra sẽ tiếp tục được tiến hành đối với Trung tâm Thẩm định giá- Bộ Tài chính (không phải là Bộ Thương mại như thông tin đã đưa ban đầu).

Sáng 13/6, trong cuộc họp giao ban Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá đã giao nhiệm vụ cho Vụ Tổ chức cán bộ yêu cầu Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) sớm báo cáo rõ sự việc sai phạm của 28 bưu điện tỉnh, thành trong việc mua sắm thiết bị với số tiền kê khống hơn 60 tỉ đồng.

Chiều 13/6, trao đổi với báo chí, Phó Tổng Giám đốc VNPT, ông Trần Mạnh Hùng, nói: “VNPT mới biết được thông tin này và vẫn chưa có hành động gì” (!?).

Theo Người lao động, Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm