1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một vụ "làm ăn" liên quan đến bưu điện 28 tỉnh, thành

Từ năm 2002 đến 2004, “vua” viễn thông Nguyễn Lâm Thái đã bán cho bưu điện 28 tỉnh, thành phố số hàng kê khống hơn 60 tỉ đồng. Cơ quan điều tra đang làm rõ quan chức ngành viễn thông nào đã tiếp tay cho hoạt động phạm pháp này.

Nâng giá thiết bị lên hàng chục lần...

Theo tài liệu điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, dù chỉ làm giám đốc một công ty TNHH nhưng trên thực tế Nguyễn Lâm Thái đã chỉ huy, điều hành hoạt động của hơn 10 công ty tư nhân khác nhau như: Công ty TNHH Siêu điện tử HPT (do Vũ Ngọc Hoan làm giám đốc); Công ty Thương mại kỹ thuật điện tử (do Vũ Công Đại làm giám đốc); Công ty TNHH Văn Hóa Xã (do Vũ Anh làm giám đốc); Công ty TNHH Sao Bắc (do Phạm Văn Tiến làm giám đốc); Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật Việt Thông; Công ty cổ phần Thương mại Tam Thanh...

Các công ty này "phù phép" chứng từ, chào giá, mua hóa đơn đầu vào khống để hợp thức hóa đầu ra cho Nguyễn Lâm Thái tiến hành giao dịch với các bưu điện. Từ năm 2002, Thái đã câu kết với 28 bưu điện các tỉnh, thành (chủ yếu là ở phía Nam và miền Trung) ký hàng loạt hợp đồng bán thiết bị camera bảo vệ và dụng cụ bưu chính (bàn viết thư, phù điêu, quảng cáo...).

Rồi bằng thủ đoạn nâng khống giá trị hàng hóa lên gấp hàng chục lần, Thái và đồng bọn đã chiếm đoạt của Nhà nước vài chục tỉ đồng một cách hết sức dễ dàng và có khi... vô lý đến không ngờ.

Cơ quan điều tra đã xác minh: 1 máy camera bảo vệ hiệu Philips vào thời điểm năm 2002 có giá thị trường từ 13 -16 triệu đồng/cái, đã được Thái bán cho các bưu điện với giá... 230 - 260 triệu đồng/cái.

Tương tự, 1 bàn quảng cáo trị giá 5 triệu đồng được ký hợp đồng bán với giá 45 triệu đồng. Để có được phiếu báo giá, tạo "sự hợp lý" cho cái giá quá vô lý đó, Thái đã móc nối với một số cán bộ của Trung tâm Kiểm định giá Bộ Thương mại làm phiếu báo giá bằng với giá Thái đưa ra cho bưu điện các tỉnh...

Mua chuộc các lãnh đạo bưu điện

 

Thái đã chi hàng chục triệu đồng cho bà Phạm Thị Trúc Mai, Trưởng Phòng Tổng hợp Kinh doanh và kế toán trưởng của Bưu điện Long An và hai người này đã nộp lại cho cơ quan điều tra 46 triệu đồng.

 

Tại Bưu điện An Giang, với hợp đồng mua bán hàng 8 tỉ đồng, những người có liên quan chưa thừa nhận việc chia chác số tiền có thể đã khai khống trong các hợp đồng, nhưng có thừa nhận quà cáp của Thái...

Cứ thế, hàng loạt hợp đồng làm thất thoát nghiêm trọng tiền của Nhà nước đã được ký, không cần kiểm tra, tham khảo giá thị trường, không cần tham khảo giá của Ban Vật giá Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông.

Bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định được 5 công ty trong số những công ty của Thái đã cung cấp, lắp đặt cho 28 bưu điện tỉnh, thành phố từ năm 2002 đến năm 2004 trị giá hàng hóa trên các hợp đồng là 40.778.720.500 đồng, trong đó 109 bộ camera trị giá 25.437.000.000 đồng (bình quân 233.000.000 đồng/bộ) và phù điêu, bảng quảng cáo, dụng cụ bưu chính trị giá 15.341.720.500 đồng.

Những bưu điện nào đã nộp lại tiền tham ô?

Một cán bộ lãnh đạo của cơ quan điều tra phân tích: khi ký hợp đồng hàng hóa mua bán các camera, các bưu điện phải sử dụng vốn đầu tư cơ bản chứ không được sử dụng tiền quảng cáo.

Theo quy định của Chính phủ, mua hàng trên 500 triệu đồng phải đấu thầu; theo quy định của ngành bưu chính viễn thông, khi mua hàng từ 10 triệu đồng trở lên phải chào giá cạnh tranh, trước hết là phải ưu tiên mua hàng của các đơn vị trong ngành... Thế nhưng, các bưu điện có giao dịch với Nguyễn Lâm Thái phớt lờ tất cả các quy định này. Đâu là động cơ của việc "phớt lờ" ấy?

Trong quá trình điều tra, làm rõ việc để xảy ra những "hớ hênh" trong ký kết hợp đồng mua trang thiết bị tại các bưu điện có giao dịch với Nguyễn Lâm Thái của cơ quan điều tra, Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đã tự giác nộp lại cho cơ quan điều tra 150 triệu đồng - trên tổng số 2 tỉ đồng tiền hợp đồng mua hàng của  Nguyễn Lâm Thái; tại Bưu điện tỉnh Long An, bà Phạm Thị Trúc Mai -Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh - và vị Kế toán trưởng đã nộp cho cơ quan điều tra 46 triệu đồng; Bưu điện tỉnh An Giang thừa nhận trong quá trình giao dịch Nguyễn Lâm Thái đã có quà cáp, ăn nhậu với một số cán bộ ở đây...

Tất nhiên, chuyện Nguyễn Lâm Thái giành được hàng loạt các hợp đồng cung cấp trang thiết bị cho các bưu điện ở 28 tỉnh, thành với giá bán hàng được chấp nhận một cách quá khó hiểu như thế không thể là chuyện ngẫu nhiên hoặc là kết quả của một quá trình giao dịch công khai, sòng phẳng, nhưng liệu những sai phạm của hàng loạt bưu điện có phải "chỉ là chuyện ở những bưu điện"?.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, các bưu điện trên toàn quốc hiện vẫn đang áp dụng chế độ hạch toán phụ thuộc (tức hàng năm phải gửi tài liệu tạm thu, tạm chi về Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông để thanh quyết toán). Bởi vậy chỉ riêng việc các hợp đồng nâng giá khống hàng chục lần ở các bưu điện cũng được Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông chấp nhận đã là một vấn đề rất đáng để xem xét, tìm câu trả lời.

Có mối quan hệ nào giữa Nguyễn Lâm Thái và các nhân vật ở Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông hoặc ở cấp cao hơn? Có hay không những sai phạm mang tính hệ thống từ trên xuống dưới? Theo thông tin chúng tôi nắm được thì có một số dấu hiệu cho thấy “có vấn đề" từ trên Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông trong việc bưu điện các tỉnh đồng loạt mua hàng của Nguyễn Lâm Thái với giá cao...

Khởi tố 3 giám đốc công ty TNHH

19h ngày 11/6, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) - Bộ Công an - đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt giam và khám xét đối với Nguyễn Lâm Thái, sinh năm 1962, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Sao Đỏ (trụ sở tại 168 Triệu Việt Vương, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) để mở màn cho chuyên án mang bí số 651B đột phá thẳng vào đường dây tham nhũng liên quan đến 28 bưu điện tỉnh, thành trong cả nước.

Ngay sau khi việc bắt tạm giam Nguyễn Lâm Thái trong khách sạn biệt thự Lê Hồ (số 25B Lê Hồng Phong, Đà Lạt) kết thúc, một tổ công tác khác của C15 tại Hà Nội cũng tiến hành bắt giữ các đối tượng Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1962, thường trú Q.Đống Đa, Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật Việt Thông) và Lê Thanh Hùng (sinh năm 1965, thường trú Cầu Đất, Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại xây dựng quảng cáo Tam Thanh).

Cả 3 người đều bị khởi tố về tội "mua bán, tàng trữ, vận chuyển các tài liệu có mệnh giá giả" theo điều 181 BLHS.

Ngay trong đêm 11/6, Nguyễn Lâm Thái đã được áp tải ra Hà Nội bằng máy bay để thực hiện lệnh khám xét nơi ở cũng như nơi làm việc. Thông tin ban đầu cho biết C15 đã thu giữ được một số tài liệu hết sức quan trọng, thể hiện quá trình làm ăn gian lận để móc tiền nhà nước ra chia chác của Thái với các bưu điện từ năm 2002 -2004.

Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ các dấu hiệu sai phạm ở bưu điện các tỉnh Thái Nguyên, An Giang, Long An, Đồng Nai. Vụ án sẽ còn được tiếp tục điều tra mở rộng đến các đối tượng khác và bưu điện các tỉnh thành khác trong những ngày tới.

Theo Thanh niên, Người lao động