1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Có đại biểu được khen thưởng mà không biết vì sao”

(Dân trí) - “Có nhiều đại biểu Quốc hội nhận danh hiệu “Đấu tranh vì bình đẳng giới” đã băn khoăn, không biết mình có thành tích gì mà được khen thưởng? Trong khi có nhiều đại biểu đã tích cực đấu tranh vì tiến bộ xã hội nói chung và tiến bộ của phụ nữ lại không được khen thưởng”, đại biểu tỉnh Sơn La Nguyễn Thị Hồng Vy nhấn mạnh.

Trong phiên thảo luận về Báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002-2007 của Chủ tịch nước sáng nay (26/3), bên cạnh việc đánh giá những thành tích nổi bật đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn đưa ra những đóng góp, kiến nghị.

 

Xứng đáng trong lòng dân nhưng không được thưởng!

 

Đại biểu Dương Trung Quốc khai mào cho vấn đề khen thưởng bằng việc nêu câu hỏi, trong số hơn 760.000 huân, huy chương trong 5 năm qua, việc khen thưởng đã chính xác chưa? Theo ông có những người có những đóng góp rất nhiều ở những giai đoạn khác nhau nhưng chưa được khen thưởng tương thích. Nguyên nhân là do phương thức tổ chức khen thưởng chưa tốt. Có huy chương được Chủ tịch nước ban hành từ năm 1948 nhưng nhiều năm trôi qua vẫn không ai được khen thưởng. Có nhiều người thuộc diện được khen thưởng đến nay đã… mất.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy tiếp nối: Việc khen thưởng còn nặng tính hình thức và không kịp thời. Bà Vy nêu dẫn chứng, các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Lào phản ánh, đã rất nhiều lần chính quyền yêu cầu họ làm tờ khai khen thưởng, nhưng khai xong lại để đó. Tổng cộng đã 10 lần như vậy mà họ vẫn… chưa được khen thưởng.

 

Một ví dụ khác: Trong các câu chuyện bên lề Quốc hội, có những đại biểu nhận danh hiệu “Đấu tranh vì bình đẳng giới” đã băn khoăn, không biết mình có thành tích gì mà được khen thưởng? Trong khi có nhiều đại biểu đã tích cực đấu tranh vì tiến bộ xã hội nói chung và tiến bộ của phụ nữ lại không được khen thưởng.

 

“Những người đáng khen lại chưa được khen” cũng là ý kiến chia sẻ của đại biểu Phạm Chuyên (Hà Nội). Theo ông, có những người rất xứng đáng trong lòng nhân dân lại không được khen thưởng. Trong khi ở vế khác, khen thưởng lại đang diễn ra tràn lan làm mất giá trị. Từ đó, ông Chuyên đề cao trách nhiệm của Bộ phận tham mưu trong việc chọn lọc, để việc khen thưởng không còn mang tính “phong trào”.

 

Tiếng nói của luật sư ở đâu?

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) nêu lên một thực trạng hiện nay là khi người Việt Nam “vào” nước khác thì mất quốc tịch Việt Nam. Nguyên nhân theo ông là do các Bộ, ngành của chúng ta thực hiện chưa đúng tinh thần của Luật. Luật qui định, người Việt Nam chỉ có một quốc tịch, nhưng chỉ khi nào xin ra khỏi quốc tịch thì mới không còn quốc tịch Việt Nam nữa. Từ đó, ông Trân đề nghị các cơ quan nhà nước và Quốc hội xem lại biên bản thảo luận về Luật tại Quốc hội.

 

Đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội) nêu lên những vướng mắc cho việc người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Theo bà Khánh, người Việt Nam lấy chồng ở nước ngoài ngày càng nhiều hơn, nhưng hiện nay chúng ta chỉ có hiệp định kết hôn với một số nước. Bà Khánh kiến nghị Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan của nhà nước thúc đẩy việc kí hiệp định kết hôn với các nước để việc kết hôn với người nước ngoài được thực hiện theo đúng tinh thần “tự nguyện, hạnh phúc”.

 

Đại biểu Nguyễn Đình Lộc (TPHCM) bàn về việc HĐXX nhiều khi còn xét hỏi theo lối buộc tội, trong khi hoạt động tranh tụng không được nhìn nhận đúng mức. Vai trò của luật sư vẫn chưa được đánh giá đúng. “Tiếng nói của luật sư ở đâu, hay chỉ là gió thoảng, mây bay?”, ông Lộc văn hoa. Tranh tụng đúng nghĩa tại tòa vẫn là mong muốn của không chỉ luật sư mà cả người dân.

 

Cấn Cường (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm