DMagazine

Chuyện trưởng công an xã bị dọa giết trong khi làm nhiệm vụ

(Dân trí) - Khi công an xác định được kẻ tình nghi của một vụ trộm, người dân trong bản kéo đi đòi người, thậm chí còn đe dọa trưởng công an xã.

Khi công an xác định được kẻ tình nghi của một vụ trộm, người dân trong bản kéo đi đòi người, thậm chí còn đe dọa trưởng công an xã.

Chuyện trưởng công an xã bị dọa giết trong khi làm nhiệm vụ - 1

So với nhiều đồng nghiệp thì Thiếu tá Lỳ Bá Lử, Đại úy Cự Bá Chò có nhiều thuận lợi hơn khi nhận nhiệm vụ tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An) - nơi có tới gần 90% đồng bào Mông sinh sống. Thế nhưng cũng bởi là người Mông, có thời điểm, chính Thiếu tá Lử - Trưởng công an xã - phải chấp nhận "va chạm" với đồng bào trong quá trình giải quyết vụ việc.

"Tư tưởng dòng họ, bao bọc, bảo vệ nhau còn bén rễ sâu trong các bản đồng bào Mông, dù đó là hành vi vi phạm pháp luật. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ đơn giản như kiểm soát hành chính đến xử lý một số vụ việc về ma túy, hình sự, anh em công an xã gặp không ít phản ứng khá gay gắt, quyết liệt của một số người dân, thậm chí là chặn đường, dọa bắn.

Chuyện trưởng công an xã bị dọa giết trong khi làm nhiệm vụ - 3

Khi xảy ra vấn đề, công an xã đến giải quyết, đồng bào không xem đó là công an đang thực thi pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được phân công mà cứ khăng khăng "tại anh Lử, anh Chò". Bà con cho rằng, đã là đồng bào với nhau thì phải bảo vệ nhau, không kể đúng hay sai", Thiếu tá Lử chia sẻ.

Vị Trưởng công an xã vẫn nhớ như in câu chuyện bị một số đối tượng ngấm ngầm đe dọa khi mới về nhận công tác tại đây. Thời điểm đó, một số vật liệu xi măng để xây dựng trụ sở công an xã bị kẻ gian lấy trộm. Công an xã vào cuộc xác minh, báo cáo Công an huyện Kỳ Sơn để phối hợp điều tra, chỉ trong một thời gian ngắn, đã xác định được đối tượng tình nghi.

"Khi biết công an mời đối tượng nghi vấn lên làm việc, một số bà con trong bản kéo đến trụ sở yêu cầu Trưởng công an phải mang gà, rượu xuống xin lỗi. Thời điểm đó, bản không đồng ý kiện toàn ban quản lý để phản đối việc công an mời đối tượng tình nghi lên trụ sở, đồng thời làm đơn tố cáo gửi ra xã. Khi hành vi trộm cắp tài sản được làm rõ, tổ công an huyện rút, bản thân tôi nhận được tin báo của người dân về một số đối tượng chuẩn bị gậy, dao để "xử anh Lử" và dặn phải cẩn thận", Thiếu tá Lử kể.

Chuyện trưởng công an xã bị dọa giết trong khi làm nhiệm vụ - 5

Khi vụ việc được làm rõ, đích thân Trưởng công an xã đến bản, thông tin cụ thể cho bà con, giải thích rõ các quy định của pháp luật cũng như biện pháp xử lý liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản.

Hiểu ra, thái độ của bà con đã có thay đổi rõ rệt. Ngày hôm sau, dân bản đồng ý kiện toàn ban quản lý và mời Trưởng công an xã tới dự, tuy nhiên, một số người vẫn giữ khoảng cách với công an. Thiếu tá Lử chủ động đến gần để từng bước rút ngắn, xóa khoảng cách với bà con.

"Là công an chính quy, chúng tôi được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, bản lĩnh nên tâm lý luôn vững vàng trước những đe dọa của các đối tượng. Đồng bào có phản ứng như thế bởi vì họ chưa hiểu thôi.

Nhờ kiên trì tuyên truyền, bà con đã hiểu ra, trở thành tai mắt, thành điểm tựa của lực lượng công an xã trên trận tuyến đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở vùng đất phên dậu này", Thiếu tá Lử cho hay.

Chuyện trưởng công an xã bị dọa giết trong khi làm nhiệm vụ - 7

Các xã miền núi, biên giới ở Nghệ An hầu hết có địa hình đồi núi, diện tích rộng, dân cư sinh sống phân tán, giao thông đi lại khó khăn, chia cắt. Theo Đại úy Lê Hồng Việt - Trưởng công an xã Mường Típ (Kỳ Sơn) - để vào được bản Phà Nọi, anh em phải mất 3 tiếng đồng hồ, chạy xe hơn 50 cây số, qua xã Mường Ải, Na Ngoi rồi vòng sang.

Mỗi tuần, tổ công tác công an xã vào bản ít nhất một lần để nắm tình hình, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đường xa, tranh thủ đi sớm nhưng lần nào vào bản cũng về muộn bởi dân bản quý, thu xe, thu chìa khóa để giữ anh em lại ăn cơm, trò chuyện.

"Bà con quý mới giữ lại nhưng anh em phải nói khó để về, vì đường xa, lại đèo dốc, điện đóm chưa có. Thời gian đầu bà con chưa hiểu, trách lắm nhưng giờ thì vui vẻ rồi, vì biết công an xã nhiều việc.

Lần nào lên, dân bản cũng hẹn "mấy chú công an xem hôm nào bớt việc thì ở lại, uống chén rượu" nhưng anh em đang phải "khất", Trung úy Tô Ngọc Anh, cán bộ Công an xã Mường Típ, cho biết.

Chuyện trưởng công an xã bị dọa giết trong khi làm nhiệm vụ - 9

Cũng bởi địa hình chia cách, bản xa nên Đại úy Phan Anh Hùng (Công an xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn) cũng có cuộc trải nghiệm khó quên khi trở thành vận động viên marathon trong đêm khuya.

Lần đó, tổ công tác Công an xã Mỹ Lý vào bản Nhọt Lợt (cách trung tâm xã hơn 10 cây số) thực hiện truy quét các đối tượng bán lẻ ma túy. 6 cán bộ di chuyển trên 3 xe máy để vào bản và bắt được 2 đối tượng bán lẻ ma túy.

Khi trở về xã, 4 cán bộ đi 2 xe, kẹp 2 đối tượng ở giữa, xe còn lại 2 cán bộ chở nhau. Vừa từ bản ra được 2 cây số, xe của Trung úy Mùa Bá Tổng bị thủng săm, không đi được nữa.

Lúc này đã hơn 22h, lại không có đồ nghề để sửa xe, anh em bàn bạc rồi quyết định Thiếu úy Lô Trung Tuyến và Đại úy Hùng đổi xe cho Trung úy Tổng. Lúc đầu, Trung úy Tuyến và Đại úy Hùng thay nhau đẩy xe nhưng được vài cây số thì mệt quá.

Chuyện trưởng công an xã bị dọa giết trong khi làm nhiệm vụ - 11

"Lúc đó hai anh em đói cồn cào vì gần như cả ngày chưa ăn gì ngoài miếng mì tôm sống lót dạ lúc chập tối, đẩy xe lại nhanh khát nước. Những đoạn lên dốc, hai anh em đẩy mướt mồ hôi, chân khụyu xuống, cảm thấy chiếc xe máy nặng như kéo theo cả tảng đá. Hai anh em bàn bạc rồi thống nhất, vì Tuyến nhẹ cân hơn nên leo lên xe, nổ máy lên dốc, còn tôi chạy theo sau. Sau 2 tiếng đồng hồ vừa chạy, vừa đẩy xe, cuối cùng anh em cũng về đến trụ sở, lúc này đã gần 1h sáng", Đại úy Hùng nhớ lại.

Về đến trụ sở, chỉ kịp tắm rửa, ăn vội cơm, Thiếu úy Lô Trung Tuyến nhận ca trực, gác 2 đối tượng để đồng đội ngủ lấy sức, sáng ra đủ tỉnh táo, tiếp tục di chuyển 50km về trụ sở công an huyện bàn giao người. Chuyến đi đáng nhớ ấy cũng khiến phương tiện bị hư hỏng nặng.

Nội dung: Hoàng Lam

Ảnh: Hoàng Lam, CTV

Thiết kế: Patrick Nguyễn