1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyện ít biết về sự ưu ái của Tổng thống Mỹ với Đại sứ Việt Nam

(Dân trí) - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng chia sẻ rằng, ông đã rất bất ngờ khi lần đầu tiên được Giám đốc CIA mời dự tiệc Giáng sinh vào năm 2010 và càng ngạc nhiên hơn nữa khi một năm sau đó, ông là Đại sứ ASEAN duy nhất được mời dự tiệc ở Văn phòng Tổng thống Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng về những kỷ niệm đáng nhớ trong nhiệm kỳ của ông tại Mỹ.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng (Ảnh: Nam Hằng)

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng (Ảnh: Nam Hằng)

Ông có thể chia sẻ một số những kỷ niệm mà ông nhớ nhất trong nhiệm kỳ đại sứ của mình tại Mỹ?

Tôi là đại sứ thứ ba của Việt Nam tại Mỹ. Đại sứ đầu tiên Lê Văn Bàng rất vất vả vì sự chống đối Việt Nam, chống đối quan hệ Việt – Mỹ quá lớn. Đại sứ thứ hai Nguyễn Tâm Chiến cũng không nhàn nhã gì; nhưng khi đến giai đoạn của tôi thì thời cơ khá thuận lợi khi những khó khăn đã bớt đi nhiều.

Năm 2007, sau 12 năm bình thường hóa quan hệ, hai bên đều đã ngấm hậu quả của sự thù địch và thấy cần phải thay đổi. Hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, đưa ra những những tuyên bố thuận lợi cho quan hệ song phương.

Vào dịp tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm ngày Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao tại thủ đô Washington, tôi có mời cựu Tổng thống Bill Clinton và nhiều thượng nghị sĩ, quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ đến dự.

Điều làm tôi ấn tượng nhất là theo chương trình, ông Clinton chỉ đến phát biểu 15 phút xong rồi về, nhưng khi thấy không khí vui quá, ông bảo tôi là ở lại thêm một lúc nữa. Chúng tôi ngồi nói chuyện với các nghị sĩ, các quan chức Bộ Ngoại giao và Quốc phòng rất vui vẻ.

Điều đáng nhớ là lúc đó tôi đứng cạnh ông Clinton. Trong bài phát biểu tại buổi lễ, ông Clinton nói rất nhiều về quan hệ hai nước vì ông là người tuyên bố dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông Clinton nói rằng hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau nắm chính quyền, đấu tranh nhau quyết liệt trong nhiều vấn đề, nhưng trong quan hệ với Việt Nam thì hai đảng lại thống nhất với nhau.

Trong năm 2010, lần đầu tiên tôi được Giám đốc CIA của Mỹ, khi đó là ông Leon Panetta, mời đến dự tiệc Giáng sinh. Đó là một bất ngờ lớn với tôi vì thông thường Giám đốc CIA chỉ mời các đồng minh của Mỹ đến dự buổi tiệc này hàng năm. Rồi từ năm 2010, họ tiếp tục mời tôi cùng với đại diện của Thái Lan, Singapore và Phillippines, ngoài ra không có nước nào khác trong ASEAN được mời.

Một kỷ niệm khác là vào dịp Giáng sinh 2011, tôi là đại sứ duy nhất của ASEAN được Tổng thống Mỹ mời dự tiệc, điều này làm tôi cũng hết sức ngạc nhiên.

Gặp nhiều đại diện địa phương ở nhiều bang của Mỹ, tôi nhận thấy một điều giống như ông Bill Clinton nói là sự quan tâm và thúc đẩy quan hệ với Việt Nam đã trở thành trào lưu, xu thế chung của các địa phương ở Mỹ, mặc dù mỗi bang đều có luật riêng.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi có đến Hawaii và làm việc với Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, tiếp xúc với 37 tướng tá trong một buổi sáng. Họ nói với tôi rằng sau khi về nước cố gắng làm sao đẩy nhanh hợp tác quốc phòng an ninh giữa hai nước, thể hiện đến mong muốn về hợp tác trong lĩnh vực này với chúng ta.

Những điều này cho thấy Mỹ đã thay đổi cách nhìn với Việt Nam, muốn xích lại gần hơn với chúng ta dù không phải là đồng minh. Trong tuyên bố năm 2010, 2011, họ đều nói rằng, ở khu vực Đông Nam Á, họ cần quan tâm nhất là Indonesia, Việt Nam và Singapore. Như vậy, chứng tỏ rất rõ nhu cầu và bước đi mang tính chiến lược của họ trong chính sách ngoại giao đối với Việt Nam.

Đối tác chiến lược: Chỉ còn ở vấn đề câu, chữ

Như ông vừa nói, Mỹ đã hướng tới quan hệ mang tính chiến lược với chúng ta từ những năm 2010, 2011; nhưng vì sao đến nay, hai nước chưa chính thức thiết lập quan hệ này?

Khi tôi còn làm đại sứ, vào năm 2010, phía Mỹ đã muốn thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam vì họ cũng có ý của họ rằng nếu Việt Nam là đối tác chiến lược thì Trung Quốc phải cảnh giác hơn, đó là sự cạnh tranh giữa các nước lớn với nhau. Tuy nhiên, chúng ta hợp tác với Mỹ nhưng không nhằm chống lại ai.

Khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bảo tôi rằng làm xong đối tác chiến lược rồi tôi hãy về Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ đại sứ. Họ rất mong muốn thúc đẩy quan hệ lên tầm mức cao hơn.

Dù chưa thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nhưng nội hàm của quan hệ đã thể hiện tính chất chiến lược và điều quan trọng là hai nước có lợi ích song trùng và sự song trùng lớn nhất là duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Tôi nghĩ cái cản trở mà chúng ta không gọi tên đối tác chiến lược là hai bên còn khác nhau về chế độ chính trị, nên vấn đề chỉ còn là ở câu chữ, chứ hội hàm đã có tính chất như vậy rồi.

Hai nước đã đi được rất xa trong quan hệ song phương và theo tôi quan hệ Việt-Mỹ là một trong những mối quan hệ song phương phát triển nhanh nhất hiện nay.

Về TPP, chính người Mỹ đã khuyến nghị Việt Nam tham gia và hiện nay vấn đề tồn tại không lớn là lao động, minh bạch, chi phí công. Việc Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã trao quyền đàm phán nhanh (TPA) cho Tổng thống Obama là điều rất thuận cho tiến trình đàm phán và tương lai chúng ta sẽ thấy TPP đem lại gì.

Tôi nghĩ rằng khả năng đàm phán TPP có thể hoàn tất trong năm nay còn để dỡ bỏ hoàn toàn vũ khí sát thương cho Việt Nam thì cần thêm thời gian vì còn những khác biệt về chế độ, ý thức hệ và cả trong nội bộ Mỹ. Thực ra, họ dỡ bỏ một phần đã là thiện chí và là một biến tiến lớn trong quan hệ hai nước từng là cựu thù của nhau.

"Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai", quan hệ Việt-Mỹ đã đạt được những kết quả rất tích cực, có thể nói là đột phá trong một số lĩnh vực sau 20 năm bình thường hóa. Ông có hài lòng về quan hệ hai nước? Nếu lấy thang điểm 10 làm tiêu chuẩn, ông sẽ cho quan hệ Việt-Mỹ ở mức điểm nào?

Nếu nói cho điểm cụ thể thì khó, nhưng phải nói rằng, nhìn lại 20 năm, có thể nói quan hệ Việt-Mỹ phát triển rất đáng mừng tuy chưa thể nói là hài lòng vì nếu hai bên cố gắng hơn nữa, quan hệ có thể tiến xa hơn vì dư địa hợp tác còn nhiều với cái gốc là lợi ích gặp nhau trong cục diện khu vực và thế giới hiện tại.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều khác biệt được thu hẹp và giải quyết. Cái chưa giải quyết đã được khoanh vùng và kiểm soát, đặc biệt hai bên đã xây dựng được lòng tin cho một quá trình lâu dài.

Về nhân quyền, đối thoại giữa hai nước đã nâng lên cấp thứ trưởng. Việt Nam đã nói rõ lập trường của mình về nhân quyền cho phía Mỹ, khẳng định mỗi nước có cách xử lý riêng về nhân quyền theo truyền thống của mình, theo sự phát triển kinh tế, theo cách thức dân chủ nhân quyền theo đại đa số. Nhờ có đối thoại, khác biệt này hai bên đang thu hẹp từ từ.

Dù hội chứng chiến tranh còn tồn tại giữa hai nước, nhưng đã đỡ hơn rất nhiều so với trước. Hồi tôi còn làm đại sứ, tôi chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối quan hệ Việt-Mỹ, nhưng giờ lực lượng chống đối này đã giảm đi nhiều vì sau 40 năm chiến tranh, người Việt tại Mỹ đều cảm thấy rằng ai cũng cần tổ quốc, ai cũng cần nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình, đó là điều rất thiêng liêng.

Tuy sự chống đối đã giảm, nhưng chúng ta vẫn cần những chính sách và bước đi mạnh mẽ hơn nữa để làm sao đồng bào mình hướng về tổ quốc vì nếu không hội chứng chiến tranh sẽ là một cản trở lớn trong quan hệ hai nước.

Để đạt điểm cao hơn nữa, hai bên cần nỗ lực để tăng điểm đồng, hạn chế điểm bất đồng để làm sao nhiều người Mỹ không còn nhìn Việt Nam như một cuộc chiến tranh, một đất nước thiếu dân chủ, nhân quyền… và nhiều người Việt Nam không còn coi Mỹ như kẻ thù với âm mưu lật đổ chế độ, diễn biến hòa bình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nam Hằng (thực hiện)