1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện về cựu Tổng thống Bill Clinton ăn phở Việt và "lẩy" Kiều

(Dân trí) - Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2000, cựu Tổng thống Bill Clinton đã mượn hình ảnh trong hai câu thơ Truyện Kiều để nói về quan hệ Việt-Mỹ tại bữa tiệc chiêu đãi ở Phủ Chủ tịch, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ Trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm kể lại.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí về những dốc mấu của quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, rất nhiều lần ông Nguyễn Mạnh Cầm nhắc đến tên của các chính khách Mỹ có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến trình này, đặc biệt là cựu Tổng thống Bill Clinton cùng các ông John Kerry và John McCain với những ấn tượng tốt đẹp, khó quên.

Chuyện về cựu Tổng thống Bill Clinton ăn phở Việt và lẩy Kiều

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm (Ảnh: Việt Hưng)

Ông Nguyễn Mạnh Cầm giữ chức Bộ Trưởng Ngoại từ năm 1991, thay ông Nguyễn Cơ Thạch. Vào thời điểm đó, quan hệ Việt-Mỹ đã có nhiều chuyển biến khi nhiều rào cản, khó khăn được thu hẹp để tiến tới việc dỡ bỏ cấm vận, dọn đường cho bình thường hóa quan hệ hai nước.

Ông Cầm kể lại, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2000 với vai trò Tổng thống, tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã dùng hai câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) để diễn tả về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa rồi từ đó chuyển sang ý tưởng thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa; Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.”

Ông Clinton mượn hình ảnh "sen tàn" và "cúc nở hoa" để nói về hình ảnh băng giá của thời quá khứ đã bắt đầu tan và thay vào đó là những cơ hội trong tương lai của quan hệ Việt-Mỹ.

Cũng trong chuyến thăm này, ông Clinton đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người Việt Nam với hình ảnh bắt tay người Hà Nội từ ban công một tòa nhà đối diện Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vẫy tay tươi cười với các em học sinh. Sự thân thiện ấy của vị Tổng thống cường quốc số 1 thế giới đã khiến biết bao người phải ngạc nhiên.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, vị Tổng thống Mỹ cùng phu nhân, bà Hilary Clinton, còn đến thăm hiện trường khai quật máy bay Mỹ bị bắn rơi vào năm 1967 ở huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Cầm cho hay.

Ở đây, người ta thấy một hình ảnh vô cùng thân thiện và chân thành của ông bà Clinton. Họ nói chuyện rất niềm nở với những người nông dân chân lấm tay bùn mà không hề có khoảng cách và sự phân biệt.

Khi bay vào Tp. Hồ Chí Minh, Tổng thống Bill Clinton đã thưởng thức món phở Việt tại quán Phở 2000 gần chợ Bến Thành. Ông rất hòa nhã, vui vẻ và còn chụp ảnh kỷ niệm với nhân viên tại đây.

Chuyện về cựu Tổng thống Bill Clinton ăn phở Việt và lẩy Kiều

Tổng thống Bill Clinton bắt tay người dân Việt Nam trên ban công một ngôi nhà đối diện Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào ngày 17/11/2000 (Ảnh tư liệu: Trần Việt Dũng)

"Tôi được nghe kể rằng, hôm đó, chuyên cơ đã chờ ông Clinton cả tiếng trong khi ông khám phá nét văn hóa ẩm thực Việt tại Tp. Hồ Chí Minh", ông Cầm nói.

Sau chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 2000, hình ảnh một Việt Nam hòa bình và thân thiện tiếp đón Tổng thống Mỹ được cả thế giới biết tới, giúp Việt-Mỹ xích lại gần nhau hơn sau quá khứ đau buồn của chiến tranh.

Hình ảnh ông Bill Clinton dạo quanh bờ hồ, bắt tay, vẫy tay chào người dân Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006 với tư cách nhà quản lý của Tổ chức Sáng kiến chống AIDS toàn cầu cũng để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp.

"Biểu tình thì giải quyết được gì, rồi chúng ta sẽ làm họ phải thay đổi"

Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại, trong những năm 90, ông đã tiếp xúc với nhiều thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ Mỹ - những người từng là cựu binh tại Việt Nam - khi họ trở lại thăm chiến trường xưa. Có một thượng nghị sĩ mà giờ ông không thể nhớ tên, khi đi thăm lại nơi từng chiến đấu tại miền Trung đã phải thốt lên rằng "Người Việt Nam thật khoan dung, độ lượng", vì ông bất ngờ trước cách xử sự của người dân địa phương với ông.

Trên đường đến địa phương, ông thượng nghị sĩ đã suy nghĩ về cách nói chuyện với người dân, làm thế nào để thanh minh cho họ hiểu rằng khi đó ông chỉ là người lính phải làm theo mệnh lệnh cấp trên. Ông nghĩ rằng mình đã có tội với người dân địa phương vì đã chém giết, tàn phá nhà cửa của họ và lần này ông đến là để xin lỗi. Nhưng khi đến, ông thượng nghị sĩ hoàn toàn bất ngờ vì được mọi người đón tiếp vui vẻ, không một chút oán giận.

Khi gặp người dân địa phương, ông thượng nghị sĩ đặt câu hỏi “Tôi có tội với các bạn nhưng sao hôm nay tôi đến các bạn lại đón tôi niềm nở như vậy? Một nông dân đáp lời: “Trước đây, ông sang xâm lược nước tôi, chúng tôi phải đánh lại để bảo vệ đất nước, nay ông sang với tư cách là người bạn thì chúng tôi đón ông như một người bạn". Tôi thật bất ngờ. Một dân tộc có tinh thần khoan dung như vậy thật đáng khâm phục. Đã đến lúc phải bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tôi hứa sẽ đấu tranh cho đất nước này”, ông Cầm dẫn lại lời ông thượng nghị sĩ.

Từ năm 1991, ông Nguyễn Mạnh Cầm kế nhiệm ông Nguyễn Cơ Thạch, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao. Do năm đầu bận rộn với nhiệm vụ mới nên ông chưa thể sang Mỹ dự Đại Hội đồng Liên Hợp quốc. Từ năm 1992-1994, năm nào ông cũng sang Mỹ dự sự kiện này và đều đến Washington gặp Bộ Trưởng Ngoại giao Warren Christopher để thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ, có năm ông Cầm gặp cả Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Trong các cuộc gặp với các quan chức Mỹ, ông đều thúc đẩy việc dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa với Việt Nam. Phía Mỹ vẫn luôn đề cập đến vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích tại Việt Nam trong chiến tranh (MIA).

Bất cứ lần nào tới Mỹ, ông Cầm đều được thu xếp để gặp các ông John Kerry và John McCain. Ấn tượng chung về họ là sự cởi mở, thân thiện và chân thành, muốn sớm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Trong các cuộc gặp, họ thường hỏi về những tiến bộ ở Việt Nam trong quá trình khắc phục hậu quả sau chiến tranh và kể lại những việc họ làm để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ hai nước.

Ông Kerry thường có những gợi ý rất chân thành về Việt Nam nên làm cái này, cái kia để phát triển tốt và để thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ. Tôi nhận thấy có cái tâm trong những gợi ý của ông ấy”, ông Cầm nói.

Về ông John McCain, có lẽ điều nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhớ nhất là có lần ông sang Mỹ và đến gặp ông McCain thì thư ký đề nghị chờ trong ít phút rồi đi báo ông McCain ngay. Khi đó ông McCain đang ở Quốc hội để tham gia một cuộc bỏ phiếu. Nhưng chỉ một lát sau đó, ông Cầm đã thấy ông McCain hớt hải bước về, vừa đi vừa nói xin lỗi. McCain bảo rằng, ông ấy bỏ phiếu xong rồi về luôn tiếp ông Cầm, sau đó mới tham dự cuộc họp.

Theo ông Cầm, các ông John Kerry và John McCain cũng đã tổ chức nhiều cuộc gặp với các thượng nghị sĩ khác để giúp thuyết phục những người còn nghi ngại chưa ủng hộ quan hệ Việt-Mỹ phát triển.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Christopher tại một khách sạn ở Mỹ để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại như hai bên đã thỏa thuận khi ký Hiệp định chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Cầm thấy bên ngoài khách sạn có đám người khá dông đang biểu tình phản đối. Ông Christopher nói rằng "Biểu tình thì giải quyết được gì, rồi chúng ta sẽ làm họ phải thay đổi".

 
Được hỏi về kinh nghiệm đàm phán với người Mỹ, theo ông Cầm, người Mỹ rất thực tế, thích sự cụ thể gắn với quyền lợi. Khi đàm phán với họ, ta cần có thái độ thẳng thắn, chân thành, mềm mỏng nhưng luôn trên cơ sở giữ vững quan điểm, lập trường của mình.
 
Nam Hằng (Thực hiện)