1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ:

Bốn trở ngại từng tồn tại trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ

(Dân trí) - Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, chủ trương “Gác lại quá khứ, hướng về tương lai” trong mối quan hệ Việt – Mỹ là một chủ trương phù hợp với thực tế và bao dung, bắt nguồn từ một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

LTS: Bà Tôn Nữ Thị Ninh là một nhà ngoại giao tài ba, từng giữ chức vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ và Luxembourg, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu. Trong suốt quá trình hoạt động ngoại giao, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã có dịp thường xuyên tiếp xúc làm việc với các tổ chức và cá nhân tại Hoa Kỳ và đặc biệt quãng thời gian giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, bà là người chuyên trách các vấn đề quan hệ ngoại giao nghị viện với Hoa Kỳ. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ, bà đã có những lời chia sẻ với Dân trí về tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ cũng như tương lai của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.


Thưa bà, được biết sau sự kiện 30/4/1975, vấn đề bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ đã được đặt ra. Tuy nhiên, phải đến 20 năm sau, ngày 11/7/1995, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton mới tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia. Trong suốt quãng thời gian đó, có những thuận lợi cũng như trở ngại như thế nào trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước?

Tôi muốn bắt đầu từ những trở ngại chứ không phải từ những mặt thuận lợi.

Thứ nhất, không có một cuộc chiến nào làm chấn động xã hội Hoa Kỳ như cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc chiến đó đã gây chia rẽ xã hội Mỹ. Những hình ảnh quan tài của lính Hoa Kỳ được đưa về nước như đã đưa cuộc chiến về từng gia đình, gây nên sự chấn động trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Cho nên, có thể nói khi hòa bình lập lại, một bộ phận nhất định của xã hội Hoa Kỳ không muốn nhắc đến Việt Nam.

Trở ngại lớn thứ hai là "vấn đề Campuchia". Chúng ta đuổi quân Pôn Pốt, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi diệt chủng. Thế nhưng, phương Tây nói chung, trong đó Hoa Kỳ, cùng với một số nước ASEAN thời điểm đó đã lên án Việt Nam rất nhiều. Họ nghĩ người Việt mình đưa quân vào Campuchia là dấu hiệu của chủ trương bành trướng. Họ không nhìn vào khía cạnh nhân đạo và khía cạnh đảm bảo an ninh biên giới cho Việt Nam, đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam trước những cuộc tấn công và tàn sát dân thường của quân Pôn Pốt vào các tỉnh Tây Nam Bộ. Hình như họ chỉ thấy Việt Nam đánh thắng bộ máy quân sự Hoa Kỳ nên sợ là sẽ lan sang Campuchia, rồi qua Thái Lan. Lúc đó, người ta nhìn Việt Nam như là cường quốc quân sự. Vì thế, họ đã tính cách để cô lập, trừng phạt Việt Nam.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh trong buổi trò chuyện với PV Dân trí
Bà Tôn Nữ Thị Ninh trong buổi trò chuyện với PV Dân trí

Thứ ba, sau khi chiến tranh kết thúc, Hoa Kỳ đặt lệnh cấm vận đối với Việt Nam nên ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của ta. Biết Hoa Kỳ cấm vận nên một số nước khác rất ngại buôn bán, quan hệ với Việt Nam.

Một trở ngại khác là thiểu số cực đoan trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ phản đối rất mạnh việc bình thường hóa, không muốn có bất cứ quan hệ gì giữa 2 nước. Thành phần đó rất to tiếng, gây ảnh hưởng đến sự bình thường hóa quan hệ của 2 quốc gia.

Cả bốn khía cạnh trở ngại trên đã khiến cho việc bình thường hóa quan hệ của hai nước không được nhanh. Đó là những trở ngại, nhưng chúng ta cũng có không ít thuận lợi trong tiến trình bình thường hóa.

Đó là ngay sau khi hòa bình lập lại, lực lượng người Mỹ từng tham gia phản đối chiến tranh ở Việt Nam cũng mong giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ nối lại quan hệ. Những người ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ mạnh nhất là 2 cựu chiến binh John Kerry (Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ - PV) và John McCain (thượng nghị sĩ thâm niên của Hoa Kỳ - PV). Hai ông đều từng tham chiến tại Việt Nam. Họ cùng với một số cựu binh khác như ông Chuck Hagel (cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - PV), ông Thomas J. Vallely (người đang thúc đẩy rất mạnh dự án đại học Fulbright– PV) ủng hộ tiến trình bình thường hóa quan hệ 2 nước. So với những nước mà Việt Nam từng có quan hệ đối đầu, phải nói đặc thù trong quan hệ với Mỹ sau khi hòa bình lặp lại là được sự ủng hộ của những cựu chiến binh như trên. Họ là những người có vị trí trong đời sống chính trị Hoa Kỳ nên có điều kiện thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ.

Ngoài ra, sau khi hòa bình lập lại, một số tổ chức quốc tế trong hệ thống Liên hiệp quốc như Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc - PV) hay WFP (Chương trình lương thực của Liên Hiệp Quốc) vẫn giữ mối quan hệ với Việt Nam. Mặc dù có lệnh cấm vận của Hoa Kỳ nhưng một số nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan… vẫn quan hệ với ta một cách tích cực. Như vậy, có thể nói, thời đó, nước ta bị cô lập nhưng cũng không phải là 100%.

Tuy nhiên, xét cho cùng, điều kiện thuận lợi nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước là chủ trương, thái độ của Nhà nước ta. Tôi cho rằng, chủ trương “Gác lại quá khứ - hướng về tương lai” là một chủ trương phù hợp thực tế và bao dung… Đây là chủ trương, thái độ nhất quán và cũng bắt nguồn từ một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.


Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao này mở ra cơ hội như thế nào cho 2 quốc gia, thưa bà?

Sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam thoát khỏi cô lập, tiếp cận được nguồn vốn và viện trợ quốc tế, các nước mạnh dạn đầu tư và cấp ODA cho Việt Nam. Đầu tháng 7/1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố về bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì cuối tháng đó, ta gia nhập ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – PV). Nói công khai ra chưa chắc ASEAN thừa nhận, nhưng phân tích khách quan thì có thể thấy rõ ràng việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ đã tạo thuận lợi để chúng ta gia nhập ASEAN.

Đương nhiên, việc bình thường hóa quan hệ cũng tạo cơ hội cho Việt Nam trong buôn bán và quan hệ chính trị với Hoa Kỳ, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng người Việt tại nước này.

Đối với Hoa Kỳ, đây là cơ hội để lật trang mới trong mối quan hệ với Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho Hoa Kỳ đầu tư vào một nền kinh tế đang đổi mới và đi lên. Việt Nam đóng vai trò nhất định trong việc cải thiện quan hệ với các quốc gia cỡ trung trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Trong thập niên gần đây, quan hệ quốc tế của/với các nước cỡ trung phát huy tác dụng, không gian quan hệ quốc tế không chỉ ở các nước lớn mà còn ở các nước cỡ trung, trong đó có cả Việt Nam.

Thưa bà, việc Việt Nam – Hoa Kỳ xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 7/2013 có thể coi là thành tựu quan trọng nhất của hai bên kể từ năm 1995 đến nay hay không?


Trong hội nghị kỷ niệm 20 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam tổ chức ở Hà Nội mới đây, cũng có câu hỏi đặt ra là tại sao không gọi là đối tác chiến lược mà là toàn diện? Thứ trưởng Bộ Ngoại giao có trả lời đại ý là ai muốn gọi như thế nào cũng được, thực chất về cơ bản nội hàm như nhau.

Tại khu vực Châu Á, Hoa Kỳ có một số đồng minh như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Philippines. Việt Nam không phải là đồng minh, nhưng chúng ta là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực trong bối cảnh hiện nay. Đến nay, quan hệ thương mại giữa 2 bên phải nói là tăng nhảy vọt. So sánh giữa năm 2004 và năm 2014 tăng gấp 6 lần, từ 6 tỷ USD lên 35 tỷ USD.

Chương trình nghị sự trong quan hệ 2 nước cũng rộng hơn nhiều, về mặt an ninh quốc phòng, vấn đề nhân quyền và đối thoại nhân quyền, chất độc da cam dioxin… Cách đây mười mấy năm, với vấn đề chất độc da cam, phía Hoa Kỳ rất ngại đưa vào chương trình nghị sự thì bây giờ họ đã chấp nhận rồi, mặc dù cách tiếp cận giữa ta và Hoa Kỳ vẫn có độ chênh nhất định.

Tôi nghĩ, về lâu dài, quan hệ đối tác toàn diện có nền tảng bệ đỡ rất tích cực là cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ. Thế hệ thứ 2 của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ nhìn nhận quá khứ khách quan, trung lập và hướng về tương lai nhiều hơn. Sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ rất đông với mười mấy ngàn sinh viên. Đây là nền tảng thuận lợi trong mối quan hệ mở rộng, đi vào chiều sâu và mang tính chất toàn diện với Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)

Công Quang – Quang Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm