1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tổng Bí thư thăm Mỹ: "Sự kiện hiếm có trong quan hệ quốc tế hiện đại"

(Dân trí) - Chủ tịch Hội Việt-Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cho rằng, việc đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bước đi phản ánh cách tiếp cận mới của Mỹ về mặt chính trị, một dấu mốc quan trọng đánh dấu đà tiến đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước khi những vấn đề còn cản trở sẽ được gỡ bỏ.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến trước chuyến thăm trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, ông Nguyễn Tâm Chiến, trả lời phỏng vấn phóng viên

Chủ tịch Hội Việt-Mỹ, ông Nguyễn Tâm Chiến, trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí

Nhìn nhận thực tế về các lợi ích đồng hành của nhau

Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại đối với quan hệ 2 nước, theo ông, hai bên có thể mong đợi gì về kết quả của chuyến thăm này?

Từ góc nhìn là Chủ tịch Hội Việt-Mỹ và với tư cách cá nhân, tôi nghĩ rằng, đây là một chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng với nhiều lẽ.

Thứ nhất, đây là chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một sự kiện hiếm có trong quan hệ quốc tế hiện đại. Ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư thứ tư của đảng cộng sản cầm quyền trên thế giới tới thăm Mỹ chỉ với một chức vụ về đảng. Trước đây mới có 3 nhà lãnh đạo của Liên Xô là N. Khorupsov, L.Breznev và M.Gorbachov thăm Mỹ chỉ với một chức danh là lãnh tụ đảng cộng sản cầm quyền. Và quan hệ Mỹ-Xô lúc đó là quan hệ giữa hai nước lớn nhất chi phối quan hệ quốc tế thời Chiến tranh lạnh. Như vậy quan hệ Việt-Mỹ là một mối quan hệ đặc biệt của thời hiện tại.

Thứ hai, nhân dân ta mong đợi chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ với Mỹ đi đến tầm mức cao hơn, bởi điều này phù hợp với lợi ích thiết thực của Việt Nam và của cả Mỹ.

Việc tăng cường quan hệ song phương với Mỹ, một trung tâm kinh tế; khoa học-công nghệ phát triển; trung tâm giáo dục và trung tâm ảnh hưởng lớn của thế giới, là rất quan trọng với Việt Nam cả về mặt phát triển kinh tế cũng như nâng cao vị trí quốc tế, và mở rộng không gian địa chính trị của đất nước. Dù là nước nhỏ nhưng do buôn bán với nhiều nước và có uy tín, tiếng nói chính trị, lại trong một thế giới mở mà có người dùng khái niệm "siêu phẳng",Việt Nam ta cũng có lợi ích ở rất nhiều nơi, trước hết là ở Đông Nam Á và châu Á-TBD.

Thứ ba, về sự kiện này cần nhìn từ phía Mỹ. Tôi nghĩ, người Mỹ thấy vai trò ngày càng gia tăng của Việt Nam trong khu vực, coi Việt Nam là một thị trường buôn bán nhiều mặt hàng cần thiết và đáng kể như dệt may, nông thuỷ sản, giày dép, đồ gỗ; Việt Nam đang gia tăng hấp dẫn về mặt đầu tư trong một số lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng hay cả về công nghệ cao do đặc tính của người Việt học hỏi nhanh và giá lao động thấp, và Việt Nam có lợi thế địa lý trong mạng sản xuất-phân phối toàn cầu, các tập đoàn Intel, GE đã có các dự án lớn. Việt Nam lại là một thành viên tích cực của ASEAN sắp thành Cộng đồng vào cuối năm nay với vai trò đáng kể đối với phát triển và ổn định ở Đông Nam Á và châu Á, khu vực mà Mỹ có nhiều lợi ích về kinh tế và chiến lược. Như vậy, quan hệ Việt-Mỹ có nhiều điểm tương đồng, song trùng về lợi ích.

Về mặt chính trị, việc đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bước đi phản ánh cách tiếp cận mới của Mỹ. Những sự khác nhau giữa hai nước thì vẫn tồn tại và đó là điều tự nhiên, nhưng lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, lợi ích hợp tác cùng có lợi đã dẫn đến các quyết sách về chính sách đối ngoại mạnh mẽ mang tính đột phá. Và tôi nghĩ nói cho cùng quan trọng ở cách tiếp cận. Có thể nói việc Mỹ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam cả theo kênh đảng cầm quyền hay việc Mỹ đang đẩy nhanh bình thường hoá với Cuba là rất có ý nghĩa.

Quan hệ Việt-Mỹ trải qua rất nhiều khó khăn và đã qua 3 giai đoạn "20 năm" khác nhau. "20 năm" thứ nhất (1954-1975), người Mỹ đã can dự vào Việt Nam dẫn đến giai đoạn không có gì vui đối với nhân dân hai nước. Tiếp theo là "20 năm" của những nỗ lực để đi đến công nhận nhau (1975-1995). Và "20 năm vừa qua (1995-2015) bước vào bình thường hoá và phát triển. Đến nay, với các sự kiện mới nhất trong quan hệ hai nước, có thể đánh giá từ đây quan hệ Việt-Mỹ đi vào thời kỳ bình thường hóa hoàn toàn. Theo đó, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư sẽ đóng góp rất quan trọng cho mục tiêu đó, làm cho cả hai bên nhìn nhận rất thực tế về các lợi ích đồng hành của nhau.

Tôi hy vọng, sau chuyến đi này sẽ không còn cản trở đáng kể nào nữa trong đà phát triển quan hệ hợp tác trên tất cả các mặt, bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước.
"Bình thường hoá hoàn toàn" trong lòng người dân
Tổng Bí thư thăm Mỹ: Sự kiện hiếm có trong quan hệ quốc tế hiện đại
Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi làm việc tại Việt Nam. Đây là một hoạt động chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư đầu tuần tới.

Vậy theo ông khả năng hai bên sẽ hoàn tất đàm phán TPP cũng như việc Mỹ sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong năm nay?

Tôi nghĩ chuyện gì đến sẽ đến. Người Việt chúng ta thường nói "cái gì cần đến, sẽ đến". Sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2013, hai nước đã thiếp lập khuôn khổ quan hệ "đối tác toàn diện", tức không có lĩnh vực nào là không thể hợp tác. Với sự kiện mới nối tiếp là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng tỏ hai nước đang đi rất đúng hướng; những gì, những lĩnh vực nào có lợi ích song trùng sẽ được thúc đẩy.

Như ông vừa nói, chuyến thăm của Tổng Bí thư có thể giúp gỡ bỏ các rào cản còn tồn tại giữa hai nước. Vậy sau chuyến thăm này, liệu hai bên có nâng cấp quan hệ nên đối tác chiến lược?

Tôi thấy trong quan hệ hai nước khi đã thoả Thuận khuôn khổ "đối tác toàn diện" rồi, thì điều quan trọng là từng việc làm và trong các lĩnh vực cụ thể. Sự hợp tác ấy cần có hiệu quả; không chỉ là trao đổi giữa các chính khách mà còn ở kênh quan hệ, giao lưu nhân dân, được sự đồng tình ủng hộ và tham gia thực hiện của người dân. Đó là điều quan trọng. Theo tôi, quan hệ Việt-Mỹ đang được các giới trong nhân dân hai nước ủng hộ và cùng nỗ lực phát triển.

Ở đây tôi muốn nói những tồn tại sau chiến tranh vẫn còn hiện hữu như hậu quả nặng nề của chất độc da cam hay bom mìn chưa nổ ở Việt Nam. Theo như tính toán, với nguồn lực như hiện nay thì còn rất lâu Việt Nam mới có thể làm sạch đất đai bị ô nhiễm bom mìn. Trong khi đó, chất độc da cam đã ảnh hưởng đến thế hệ thứ 3 ở Việt Nam và như thế hậu quả cũng còn kéo dài. Làm sao hợp tác của phía Mỹ giúp ta khắc phục nhanh hơn được vấn đề này là điều cụ thể quan trọng giúp cho "bình thường hoá hoàn toàn" trong lòng người dân, để người dân Việt Nam và Mỹ không còn ám ảnh bởi quá khứ đau buồn mà rộng mở để cùng nhau hợp tác, phát triển.

Đàm phán với người Mỹ: "Cần cụ thể nhưng đừng quên bức tranh chung"

Được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền ở Mỹ vào năm 2001 sau khi hai nước mới có quan hệ ngoại giao được 6 năm, ông gặp những những khó khăn gì trong nhiệm kỳ của mình?

Cho đến nay, tôi là Đại sứ ở Mỹ lâu nhất (2001-2007). Đối với tôi, đây là quãng thời gian làm ngoại giao vất vả nhất nhưng đã cố gắng đóng góp nhiều việc.

Sau khi tôi qua Mỹ chưa đầy một tháng thì xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001, rồi tháng 12 Hiệp định thương mại hai nước bắt đầu có hiệu lực. Vụ chống bán phá giá đầu tiên xảy ra ngay sau đó vào tháng 02/2002 về cá Basa/cá Tra.Tiếp đó là những đàm phán về hạn ngạch (cota) hàng dệt may rất khó khăn; Việc ứng xử thường xuyên với các xung đột về nhân quyền, về luật các bang Mỹ cho treo cờ Chính quyền Sài Gòn. Rồi tiếp theo là các cuộc đàm phán với Mỹ về Việt Nam vào WTO là đàm phán quyết định nhất; đã có những đêm thức trắng với đoàn. Những công việc của Sứ quán ta đạt được về Quy chế Thương mại bình thường thường xuyên với Mỹ để ta thực hiện được quy chế thành viên WTO trong quan hệ với Mỹ là rất đáng kể.

Trong nhiệm kỳ của tôi đã diễn ra những chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng ta (2003), của Thủ tướng (2005) và của Chủ tịch nước (2007); ta đón Tổng thống Đảng Cộng hoà (2006)... Những gì đầu tiên thì đều khó. Tất cả những sự kiện và công việc đó cho thấy quan hệ hai bên rất sôi động tuy nhiều phức tạp. Có việc muốn nhanh hơn như về hợp tác khắc phục các vấn đề tồn tại sau chiến tranh, hay quan hệ hoà giải với người Việt ở Mỹ.

Đã trải qua nhiều cuộc tiếp xúc, đàm phán với người Mỹ, vậy nên rút ra điều gì khi trao đổi, đàm phán với họ?

Theo tôi, người Mỹ rất thực tế, thực dụng và luôn bám sát những vấn đề, lợi ích cụ thể. Họ là nước lớn nên họ theo đuổi chiến lược toàn cầu, họ nhìn thế giới rộng lớn từ kinh tế đến chính trị, an ninh toàn cầu liên đới họ. Nước nào cũng nhằm lợi ích quốc gia của mình nhưng Mỹ khi vào cũng thể hiện khá rõ sự "kiên định" là nước có vị trí số một của họ.

Các nước có lợi ích khác nhau và những lợi ích song trùng nên muốn hướng tới hợp tác thì phải tìm đến lợi ích song trùng, tức là cùng có lợi. Có lợi ích song trùng bao trùm như hòa bình và phát triển, nhưng có các lợi ích giống nhau ở cấp độ ngành, lĩnh vực, vấn đề.

Nước lớn như Mỹ luôn nhìn toàn cục để giải quyết cụ thể. Vì vậy khi tiếp xúc, đàm phán với họ vừa phải rất cụ thể nhưng đừng quên bức tranh chung để tránh lạc lối, mới tìm được sự đồng thuận nhanh hơn.

Ông nghĩ sao về tương lai quan hệ Việt Mỹ ?

Thời thế giới mở và đầy biến động nhanh như hiện nay chả mấy ai muốn mạo hiểm để dự báo, nhưng cần dự tính vì là quan trọng hàng đầu để có thể đi xa.

Về quan hệ Việt-Mỹ tôi thấy có mấy điều để cho tương lai tốt. Đó là thấy các lợi ích ưu tiên của hai bên để nỗ lực hợp tác tập trung vào giải quyết những vấn đề đó. Việt Nam cần hoà bình, ổn định lâu dài ở khu vực để phát triển kinh tế, công nghiệp hoá và hiện đại hoá nhanh hơn nhằm nâng cao mức sống người dân.

Hoà bình và phát triển là những lợi ích song trùng to lớn nhất của hai nước. Cần tìm những việc cùng có lợi nhằm phát triển các ưu tiên đó. Sau là, như đã đề cập ở trên trên, cần sự hợp tác tích cực hơn của phía Mỹ về khắc phục các hậu quả chiến tranh còn lại, trong đó có vấn đề da cam và bom mìn chưa nổ nên ưu tiên. Một vấn đề có tính cơ sở là tiếp tục củng cố lòng tin, nhất là về các mục tiêu của nhau.

Tôi cho rằng bước vào thời kỳ mới phát triển quan hệ nhân dân-nhân dân là một trọng tâm. Tư duy về "của dân , do dân và vì dân", những tư tưởng rất tuyệt vời đó có lẽ cũng rất cần thể hiện trong quan hệ song phương này. Tiếp theo những thoả thuận của những nhà lãnh đạo, đảng cầm quyền và chính phủ mỗi nước ra sức tạo môi trường và điều kiện cho người dân quan hệ tốt thì quan hệ quốc gia-quốc gia sẽ đi lên vững chắc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nam Hằng
(Thực hiện)