Chuyên gia UNESCO khảo sát bãi cọc Bạch Đằng
(Dân trí) - Đoàn chuyên gia quốc tế UNESCO/ICOMOS cùng với các chuyên gia Việt Nam vừa khảo sát, thẩm định thực địa tại các bãi cọc Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Chiều 24/6, UBND thị xã Quảng Yên cho biết, Đoàn chuyên gia quốc tế UNESCO/ICOMOS (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc/ Hội đồng di tích và Di chỉ quốc tế) cùng với các chuyên gia Việt Nam vừa có chuyến khảo sát, thẩm định thực địa tại các bãi cọc Bạch Đằng.
Việc khảo sát trên nhằm góp ý vào hồ sơ đề cử Di sản thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, để trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Cũng theo UBND thị xã Quảng Yên, Đoàn đã khảo sát, thẩm định thực địa tại Bảo tàng Bạch Đằng; Bãi cọc Yên Giang; Bãi cọc Đồng Vạn Muối; Bãi cọc Đồng Má Ngựa.
Đoàn khảo sát trực tiếp nghe UBND thị xã Quảng Yên, các sở ngành của tỉnh Quảng Ninh báo cáo về việc triển khai các nội dung công việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận các bãi cọc Bạch Đằng trong Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đề cử là Di sản thế giới.
Theo đánh giá của bà Ichita Shimoda, tư vấn chuyên gia quốc tế Nhật Bản, hồ sơ đề cử di tích nói trên phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới.
Để chứng minh, tuyên bố, khẳng định giá trị của Di tích lịch sử Bạch Đằng trong quần thể di sản, cần tổng hợp, làm rõ và viết câu chuyện về giá trị của di tích.
Bà Ichita Shimoda lưu ý, trong đó cần phải xác định rõ lý do đưa các bãi cọc Bạch Đằng vào hồ sơ. Đồng thời hồ sơ phải phân tích rõ ý nghĩa, giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn của di tích trong mối quan hệ với các điểm di tích khác trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Theo bà Ichita Shimoda, để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về hồ sơ, cần phải bổ sung các hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định.
Tại các điểm di tích phải có bản đồ quy hoạch, bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, có đánh dấu mốc giới, khoanh vùng, mô tả diện tích hiện trạng, tính toán quy hoạch vùng đệm, xác định cơ chế quản lý.
Hệ thống hồ sơ gồm: báo cáo chuyên đề, bản vẽ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan; hệ thống bản ảnh khu di sản đề cử và vùng đệm... Chất lượng, nội dung, thành phần hồ sơ được thực hiện theo đúng hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới năm 1972 của UNESCO.
Đây là bước thẩm định thử của Đoàn chuyên gia ICOMOS nhằm tư vấn trực tiếp vào việc hoàn thiện hồ sơ. Sau đó, các chuyên gia của UNESCO thẩm định chính thức vào dịp cuối tháng 8 đối với hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới…