Hải Phòng
Cận cảnh bãi cọc gỗ liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng năm 1288
(Dân trí) - Chiều ngày 20/12, lãnh đạo TP Hải Phòng đã cùng các nhà khoa học, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát thực địa tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Đây là nơi bãi cọc gỗ có niên đại khớp với trận chiến Bạch Đằng của quân và dân ta từ thời nhà Trần vừa phát lộ.
Theo báo cáo sơ bộ của Viện khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), anh Nguyễn Văn Triệu là nông dân xã Liên Khê đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Đồng thời, trước đó trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn.
Ngày 16/10, theo đề nghị của Bảo tàng Hải Phòng và Phòng VH&TT huyện Thủy Nguyên, Đoàn khảo sát do TS. Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học làm Trưởng đoàn về khảo sát hiện trường phát hiện cọc.
Ngày 1 và 2/11, Đoàn khảo sát do TS.Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học làm Trưởng đoàn xuống hiện trường khảo sát lần 2, đợt khảo sát này phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD.
Dựa trên kết quả 2 lần khảo sát, ngày 15/11, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã có Văn bản số 2355/SVH&TT-BTHP đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Ngày 27/11, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ. Kết quả khai quật mở 3 hố, với tổng diện tích 950m2 tại khu vực nghĩa địa Mả Dài, cánh đồng Cao Quỳ, phát hiện được 27 cọc. Các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc, theo lời dân địa phương thì có thể là loại gỗ sến nhựa và lim.
Bước đầu Viện Khảo cổ nhận định bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.
Một số hình ảnh phóng viên Dân trí ghi nhận tại thực địa lúc chiều 20/12:
An Nhiên