Chuyên gia tội phạm học chỉ "tuyệt chiêu" để tránh con bị bắt cóc
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ khi giao con cho người thân, hàng xóm hay người quen thì cần phải biết người đó hoàn cảnh như thế nào, có thiếu nợ, tâm lý bất thường hay không.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em. Điển hình, chiều 2/10, một bé gái 3 tuổi ở TP Tân An (Long An) bị người quen bắt cóc chở lên TPHCM rồi đòi 2 tỷ đồng tiền chuộc. Trung tuần tháng 8, tại phường Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) cũng xảy ra vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng.
Hơn 10 ngày trước đó, một bé gái 2 tuổi ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng bị nữ giúp việc bắt cóc đòi 1,5 tỷ đồng tiền chuộc. Trên đường di chuyển, sợ lộ dấu vết, nghi phạm này đã sát hại nạn nhân rồi phi tang ở huyện Văn Giang, Hưng Yên. Nữ giúp việc đã nhảy sông tự tử vài ngày sau đó.
Trước loại hình tội phạm này, một số chuyên gia tâm lý đã lý giải động cơ gây án và đưa ra các khuyến cáo đối với các bậc cha mẹ.
Phải hiểu hoàn cảnh người mình định giao con
Trao đổi với báo Dân trí, chuyên gia tâm lý tội phạm - TS Đoàn Văn Báu - cho biết, thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ bắt cóc tống tiền được báo chí, mạng xã hội đăng tải. Hầu như ai cũng tiếp cận được thông tin.
Nguyên nhân hàng đầu của việc phạm tội là khi một người đang túng quẫn mà gặp hoàn cảnh thuận lợi như được người khác giao con, họ biết gia đình này có nhiều tài sản sẽ nảy sinh ý định bắt cóc. Hành động đó gọi là cơ chế ám thị xã hội.
Theo TS Báu, dù những người này biết nhiều vụ bắt cóc tống tiền trước đó không thành công, thậm chí người gây án phải tự sát, bị công an bắt nhưng vẫn làm. Họ cho rằng những vụ trước không thành công do người làm sai sót và họ rút được kinh nghiệm.
"Họ nghĩ muốn có tiền thì phải làm một việc gì đó, việc dễ dàng nhất là bắt cóc. Chính vì vậy mà vẫn có người tiếp tục thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em.
Tương tự như cướp ngân hàng, khi xảy ra vài vụ sẽ có những vụ tiếp theo. Đối tượng túng thiếu sẽ nảy sinh ngay ý định đi cướp ngân hàng và hành vi bắt cóc cũng giống như vậy", TS Đoàn Văn Báu phân tích.
Nguyên nhân thứ hai là do cha mẹ quá dễ dãi khi giao con cho một người nào đó mà chưa biết họ có hoàn cảnh như thế nào, đang gặp khó khăn hay không. Đặc biệt, gia đình thuộc dạng có nhiều tài sản và kẻ xấu biết được điều đó, sẽ dễ nảy sinh ý định bắt cóc. Chúng ta cũng không thể nào lường trước được những tình huống như vậy.
Trong vụ bé gái 3 tuổi ở Long An bị bắt cóc đòi 2 tỷ đồng tiền chuộc, nghi phạm Nguyễn Thanh Sơn vốn là bạn của anh Tuyển (cha bé gái), họ thường xuyên uống cà phê và đi chơi với nhau. Vợ chồng anh Tuyển quá bất ngờ khi Sơn bắt cóc con gái mình.
Theo TS Đoàn Văn Báu, muốn bảo vệ con một cách tốt nhất, việc đầu tiên là nên nhờ những người thân trong gia đình đưa đón con. Phải cảnh giác khi giao con cho một người nào đó.
Khi giao con cho người thân, người quen hay hàng xóm cũng phải nắm được hoàn cảnh hiện tại của họ như thế nào, có thiếu nợ, túng quẫn, tâm lý bất thường hay không.
Đồng thời, cha mẹ phải dạy cho con những kỹ năng để phòng chống bắt cóc. Chẳng hạn như phải dạy cho trẻ nhận biết khi bị dẫn dụ đi đâu đó; dạy phương án cầu cứu, báo cho người thân hoặc lợi dụng sơ hở để trốn thoát.
"Khi phát hiện con có những biểu hiện bất thường, nghi ngờ bị bắt cóc, cha mẹ phải báo ngay cho cơ quan công an, tránh tự thương lượng với kẻ bắt cóc, vừa nguy hiểm đến tính mạng của con vừa mất tài sản", TS Báu chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường, đặc biệt là cấp mầm non, tiểu học cần có mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh. Quản lý chặt chẽ việc đón trẻ theo nguyên tắc nếu không được sự đồng ý của bố mẹ bất kỳ ai cũng không được đón các bé. Nhà trường cũng cần tập huấn cho lực lượng bảo vệ, thầy cô giáo và trẻ kỹ năng phòng chống bắt cóc.
Dạy con các kỹ năng cần thiết
TS tội phạm học - Thượng tá Đào Trung Hiếu - cho biết, từ xưa đến nay có nhiều vụ bắt cóc, người thực hiện đều có kết cục bị công an bắt, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do suy thoái kinh tế xã hội dẫn đến nhiều người mất việc làm, rơi vào tình trạng túng quẫn.
Bị dồn vào bước đường cùng, họ sẽ không còn cách nào khác để thỏa mãn nhu cầu về chi tiêu nên thực hiện hành vi phạm tội, giống như câu "đói ăn vụng, túng làm liều".
Loại tội phạm này thường hướng đến gia đình có điều kiện để ra tay, lấy nạn nhân làm con tin đòi tiền chuộc. Vì thương con, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để chuộc con về.
Hành vi bắt cóc cùng lúc xâm phạm đến nhiều khách thể như quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể, quyền tài sản. Số vụ án liên quan bắt cóc không nhiều nhưng mỗi khi xảy ra đều gây chấn động xã hội.
Theo Thượng tá Hiếu, để tránh tối đa rủi ro việc bắt cóc, cha mẹ nên dạy cho con biết những người lạ có thể tin tưởng gồm thầy cô giáo, công an, bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường…
Dạy con nhớ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà mình, nghề nghiệp bố mẹ nhưng phải giữ bí mật thông tin, chỉ nói với những người có thể tin tưởng. Dạy trẻ không được nói chuyện hay đi theo người lạ, tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì người lạ đưa cho để tránh thức ăn có tẩm thuốc mê.
Đồng thời, cha mẹ dạy trẻ biết ứng xử khi có người lạ kéo, dắt đi bằng cách gào khóc thật to để gây sự chú ý của người xung quanh hoặc kêu cứu. Khi trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, cần dạy trẻ tuân theo quy định người phụ trách, không được tách đoàn, dễ bị đi lạc, bắt cóc.
Bên cạnh đó, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, bắt cóc là một trong những hiểm họa rình rập đám trẻ. Cũng như hỏa hoạn, rất nhiều cha mẹ đã chủ quan, bỏ qua những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến nhiều vụ án nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn của trẻ.
Trong các bài học hướng dẫn thoát hiểm, các thầy cô giáo luôn khẳng định người quen hay người lạ, cũng có thể gây hại cho trẻ. Không thể ỷ là người quen mà chủ quan và không thể coi tất cả người lạ đều xấu.
Về tỷ lệ thì có đến hơn 66% các vụ xâm hại và bắt cóc trẻ em đến từ người quen. Do vậy nếu các cha mẹ chỉ dạy con phòng bị người lạ, chúng ta đã khiến trẻ có nguy cơ bị bắt cóc khá cao. Với kỹ năng phòng tránh và ứng phó với bắt cóc, cha mẹ sẽ có giá trị rất lớn trong việc giáo dục trẻ.
Ví dụ, cha mẹ có thể cùng xây dựng với con một mật mã. Khi ai đón con, người đó phải nói ra mật mã thì con mới đi theo người đó. Cha mẹ cũng có thể dạy con cách thức nhận biết lời nhờ đón của cha mẹ là thật hay giả bằng các tín hiệu riêng.
Theo TS Hương, phía nhà trường cũng cần các quy ước quy định đón trả trẻ thật nghiêm ngặt. Thầy cô giáo nên quy định với phụ huynh về người đón trả và giờ giấc.
Ngoài ra, các nhà trường nên dạy học sinh các cách thoát khỏi bắt cóc như bình tĩnh, tỏ vẻ hợp tác với kẻ bắt cóc rồi lợi dụng sơ hở để tìm đến sự hỗ trợ từ phía các cơ quan cảnh sát. Với những kỹ năng đã học, trẻ sẽ bình tĩnh và suy nghĩ cách thoát ra một cách thông minh và an toàn.