1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Chuyện chưa kể về tấm ảnh “Hai người lính”

(Dân trí) - “Chỉ cách đó có vài cây số, súng vẫn đang nổ vang trời nhưng tại điểm ranh giới ấy, họ choàng vai, nói chuyện với nhau rôm rả, không giống những người lính ở hai bên chiến tuyến..."



Cựu phóng viên chiến trường và bức ảnh “không tưởng”

Hàng chục năm sau ngày giải phóng, bức ảnh chụp hai người lính ở hai bên chiến tuyến, một người là bộ đội miền Bắc, người kia là lính thủy quân lục chiến của chính quyền Sài Gòn do ông Chu Chí Thành, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ghi lại vào tháng 4/1973, mới được nhiều người biết tới. Không giống như những bức ảnh khác được ông Thành và đồng đội thực hiện trong giai đoạn đó, bức ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau từ hai phía chiến tuyến với nụ cười thân thiện trong khi chỉ cách đó vài cây số vẫn là mưa bom, bão đạn khiến nhiều người ngạc nhiên.

“Bức ảnh Hai người lính được tôi ghi lại được tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Vào thời điểm đó, tôi được cử đi ghi lại hình ảnh về cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh tại Việt Nam”, cựu phóng viên chiến trường, nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại.

Nói về khoảnh khắc có một không hai khi chụp bức ảnh để đời, ông Thành xúc động: “ Lúc đó, ban ngày thì những người lính phía Việt Nam Cộng hoà sang chơi, còn ban đêm thì nhóm bộ đội miền Bắc lại vẫy tay gọi í ới chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh, hút thuốc lá Điện Biên. Thực sự, tôi cứ ngỡ là chuyện đùa giữa thời chiến".

“Lúc đó tôi đã chụp được bức ảnh một số lính thuỷ quân lục chiến phía chính quyền cũ nói chuyện với một nữ dân quân. Khi tôi chụp xong bức ảnh đó, người lính cộng hoà bất ngờ gọi bảo tôi: “Anh nhà báo ơi, chụp cho em một bức ảnh kỷ niệm với anh lính giải phóng”. Tôi từ ngạc nhiên tới rất vui liền chụp ngay lập tức. 

Sau đó họ gặp gỡ nhau vui vẻ nói chuyện một lúc rồi giải tán. Trong bối cảnh chính trị lúc đó, tôi thấy là một hiện tượng rất lạ. Vào thời khắc đó, tôi nghĩ hình ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau chính là biểu tượng cho mong muốn hoà bình. Khi đó, tôi nghĩ rằng ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hi sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa…”

Nhà báo, NSNA Chu Chí Thành. Ảnh: Cường Net
Nhà báo, NSNA Chu Chí Thành. Ảnh: Cường Net

Không nhiều người biết rằng, đã có một thời gian dài, bức ảnh Hai người lính của ông Thành tưởng như đã chìm vào quên lãng khi mất đi phim chụp lúc ông gửi về từ chiến trường. Nhưng bức ảnh may mắn đã được ông Thành lưu giữ cho tới tận ngày hôm nay trong căn phòng nhỏ nằm trong một con hẻm trên phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 2009, ông Chu Chí Thành chính thức công bố bức ảnh trước công luận.

Bức ảnh Hai người lính của nhà báo Chu Chí Thành. Ảnh: Cường Net
Bức ảnh Hai người lính của nhà báo Chu Chí Thành. Ảnh: Cường Net

Hành trình đi tìm lại nhân vật trong ảnh

Cho đến tận ngày hôm nay, Bắc Nam đã sum họp một nhà hàng chục năm, nhà báo Chu Chí Thành cũng đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn canh cánh một nỗi niềm khi thấy mình vẫn còn nợ những nhân vật trong ảnh. Ông đã… quên không hỏi tên hai nhân vật.

Suốt từng ấy năm dài đằng đẵng, ông Thành đã cố gắng bằng mọi cách để tìm thông tin của hai nhân vật trong vô vọng. Ông tìm đến những người bạn từng chiến đấu tại chiến trường thành cổ Quảng Trị giai đoạn từ 1972-1973 để hỏi thông tin. Nhưng xem xong bức ảnh, dù rất ngạc nhiên tất cả chỉ là cái lắc đầu không biết. Hoặc có người nhìn “quen quen” nhưng vẫn không thể nhớ ra là ai.

“Trong suốt bao năm, tôi chỉ mong có một manh mối nào đó để tìm ra hai nhân vật trong bức ảnh mình chụp giờ còn sống hay đã mất. Nhưng không ai biết, dù tôi đã tìm mọi cách liên lạc”, ông Thành nói.Trong lúc tưởng như đã hết cơ hội thì một tia hi vọng chợt loé lên khi ông nhận được tin có manh mối từ điểm chốt Long Quang (Quảng Trị) ngày ấy. Người thông báo cho ông là phóng viên của một tờ báo trong niềm Nam.

“Sau nhiều người tôi nhờ, từ cả đồng đội đến những phóng viên ở khắp cả nước, cuối cùng cũng đã có manh mối giúp tôi có cơ hội tìm ta nhân vật trong bức ảnh Hai người lính. Anh phóng viên tôi nhờ đã liên lạc được với ông Phan Tư Kỳ, nguyên là xã đội trưởng xã Triệu Trạch thời điểm năm 1972-1973”, ông Thành nhớ lại. 

Những manh mối dần hé lộ khi ông Kỳ xác định bức ảnh được chụp tạo thời điểm ấy là nơi đóng quân của trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320. Nhưng vấn đề đặt ra là có đến năm đại đội thuộc hai tiểu đoàn rải quân theo từng nhóm đóng chốt dọc theo đường ranh giới dài hơn 2km. Việc tìm kiếm không hề đơn giản vì nay người còn, người mất.

Bức ảnh Hai người lính của nhà báo Chu Chí Thành. Ảnh: Cường Net
Bức ảnh lính phía Việt Nam Cộng hoà nói chuyện với bộ đội miền Bắc của nhà báo Chu Chí Thành. Ảnh: Cường Net

“Nhận được tin tôi rất mừng vì hi vọng mong manh đã trở lại dù biết rằng không hề dễ dàng cho các bước tiếp theo do tôi không thể nhớ được là người trong ảnh thuộc đại đội nào”, ông Chu Chí Thành kể lại.

Thời gian lại tiếp tục trôi đi cho đến sát ngày kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, bất ngờ ông Phan Tư Kỳ thông báo nhận được thông tin sẽ có một đoàn cựu binh C5 (đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48) ở Thạch Thất (Hà Nội) sẽ ghé về Long Quang thăm chiến trường xưa. Mang theo niềm hi vọng của người cựu binh chiến trường, ông Phan Tư Kỳ đã chạy theo chiếc xe du lịch chở hơn 20 người lính C5 năm xưa để đưa bức ảnh Hai người lính. Nhận bức ảnh, dù ai cũng thấy quen nhưng… không ai nhớ ra nổi.

Bức ảnh nhanh chóng chuyển tới tất cả các ban liên lạc của trung đoàn tại các tỉnh thành trong cả nước để nhờ xác minh. Lúc này, không chỉ ông Thành mà tất cả cựu binh C5 đều mong sẽ tìm ra được nhân vật trong bức ảnh… Không lâu sau đó, niềm vui như vỡ oà với ông Thành và tất cả những cựu binh khi nhận được thông tin từ ông Đỗ Bê, nguyên là đại đội trưởng đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 48. 

Ông Bê khẳng định người trong bức hình chính là lính của đại đội mình năm xưa và ông Bê đã kết nối với ông Đỗ Thành Chấm, là một người lính của đại đội 5. Đặc biệt,  ông Chấm khẳng định người bộ đội trong bức ảnh của cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành chính là… bạn thân của mình.

“Nhận được tin từ anh Chấm, tôi vỡ oà niềm hạnh phúc. Cuối cùng nỗi canh cánh trong lòng tôi sau bao năm cũng đã được giải toả phần nào. Theo thông tin từ anh Chấm, người bộ đội miền Bắc trong bức ảnh Hai người lính chính là ông Dương Minh Sắc, sinh năm 1954 quê ở thôn 2, Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội. Nhưng tiếc rằng ông Sắc đã mất cách đây chưa lâu”, ông Thành trầm ngâm.

Để cẩn thận xác minh chính xác, ông Thành lại tiếp tục nhờ người đến địa chỉ được ông Chấm chia sẻ và tìm tới bà Đỗ Thị Thim, vợ ông Dương Minh Sắc. Hiện bà Thim đã vào Huế sống từ lâu.

Cầm trên tay bức ảnh của ông Thành, bà Thim xúc động nhận ngay ra đó chính là người chồng của mình. Từ ánh mắt, nét mặt đều không sai lệch vào đâu được. Chỉ có điều trong bức ảnh của ông Thành, ông Sắc quá trẻ vì hai ông bà lần đầu gặp nhau tận năm 1990 ở Nga.

“Khi nhìn bức ảnh của tôi, bà Thim nhận ngay ra chồng mình. Nhưng bà Thim cũng rất ngạc nhiên khi chồng mình chưa từng nói một lần nào về bức ảnh lịch sử này. Dù trước đó ông Sắc có kể cho bà Thim nghe nhiều về câu chuyện chiến trường Quảng Trị khốc liệt và những lần giao lưu giữa lính miền Bắc và phía Việt Nam cộng hoà”, ông Thành nhớ lại.

Tìm được danh tính của người bộ đội miền Bắc, ông Thành đã vơi bớt đi phần nào nỗi canh cánh trong lòng. Tuy nhiên, vẫn còn danh tính của người lính Việt Nam cộng hòa. Đó là ai, đang ở đâu, liệu người lính có còn sống hay không???

Tất cả những câu hỏi đó cho đến nay ông Thành vẫn chưa có lời giải đáp dù qua kênh thông tin của ông Phan Tư Kỳ, manh mối đầu tiên đã có về người lính Việt Nam cộng hoà. Người lính ấy thuộc tiểu đoàn 5, lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến Việt Nam cộng hòa.

Cầm trên tay bức ảnh Hai người lính mà một người nay đã mất, một người vẫn không biết tung tích, ông Thành xúc động: “Suốt cuộc đời cầm máy của tôi với không ít lần vào sinh ra tử ngoài chiến trường, tôi luôn xem tấm ảnh này như là biểu tượng hòa hợp của dân tộc, là biểu tượng cho khát khao hoà bình không còn chiến tranh, không còn những hi sinh xương máu. Đến nay. dù đã cố gắng nhiều công sức nhưng tôi chỉ mong ước một điều, nếu người lính còn lại trong bức ảnh còn sống thì hãy cho ông nhà báo chiến trường này được gặp một lần. Đất nước đã thống nhất, hòa bình 40 năm rồi”…

Xuân Ngọc 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm