1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Luật Trợ giúp pháp lý:

Miễn phí trợ giúp pháp lý, chất lượng có đảm bảo?

(Dân trí) - Chỉ 8% các vụ án khi xét xử có luật sư tham gia, nguyên dân là do đội ngũ luật sư còn thiếu, lại chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn còn ở các vùng xâu, vùng xa thì thậm chí không có luật sư… Chính phủ đã khẳng định như vậy khi đưa ra tờ trình về dự án Luật Trợ giúp pháp lý trước Quốc hội hôm qua.

Một lý do nữa được đưa ra, đó là hệ thống pháp luật của ta hiện đang trong quá trình hoàn thiện, thường xuyên sửa đổi, bổ sung và rất phức tạp, nhiều tầng, nấc khiến người dân khó vận dụng nếu không có sự tư vấn, hướng dẫn của những tổ chức có hiểu biết về pháp luật.

 

Đối tượng nào thì được trợ giúp pháp lý miễn phí?

 

Đó là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) đưa ra quan điểm: “Nên chọn phương án người nghèo theo quy định của pháp luật về chuẩn nghèo, người được hưởng chính sách của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có thể có cả người Kinh cư trú ở các xã miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”. Bà Vy cho rằng, quy định như vậy là phù hợp với pháp luật hiện hành, hơn nữa không lý do gì mà luật ra đời lại không bằng pháp lệnh. “Không nên để khi có luật thì lại bớt số người được hiểu biết pháp luật, bớt số người được hưởng trợ giúp pháp lý (TGPL)”, bà nói.

 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Bắc Ninh) chỉ ra rằng,  8 năm qua, chúng ta vẫn thực hiện hiệu quả việc TGPL cho những đối tượng này và để “trấn an” những ý kiến lo ngại về việc mở rộng diện trợ giúp thì ngân sách nhà nước sẽ không chịu nổi. Đại biểu Bình phân tích: “8 năm qua (1997 - 2005),  ngân sách Nhà nước cấp cho việc thực hiện TGPL tại 53/64 tỉnh thành mỗi năm trên 5 tỷ. Trong đó gồm cả TGPL cho người nghèo, các đối tượng chính sách, trung bình mỗi năm chỉ sử dụng có 1 tỷ. Như vậy, đây là con số không hề lớn so với thực lực ngân sách của Nhà nước”.

 

Miễn phí nhưng phải đảm bảo chất lượng

 

Lo ngại về chất lượng của hoạt động TGPL khi hoạt động này được miễn phí, đại biểu Nguyễn Hải Phong (Hà Tây) cho rằng, nếu trợ giúp miễn phí cho người nghèo mà không bàn về chất lượng hoạt động trợ giúp là chưa làm đầy đủ trách nhiệm với người nghèo. Ông cũng đưa ra ví dụ, hiện nay các luật sư hoạt động tại các phiên tòa theo dạng chỉ định thì chất lượng là rất hạn chế dù vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) chia sẻ: “Luật về luật sư có những quy định rất chi tiết, chặt chẽ cho luật sư như phải tham gia khóa đào tạo về luật sư, tập sự hành nghề luật sư… vậy các yêu cầu đó đối với trợ giúp viên pháp lý thì như thế nào?”, ông đề nghị: “Cần phải quy định chi tiết các nội dung này để tránh tình trạng chất lượng của trợ giúp viên pháp lý thấp dẫn đến tình trạng những người được hưởng các hình thức TGPL miễn phí chỉ được hưởng các dịch vụ pháp lý chất lượng không cao”.

 

Đại biểu Phan Anh Minh (TPHCM) lo ngại, nếu ban hành Luật Trợ giúp pháp lý với tư cách là một chế định và một luật song song với Luật Luật sư, thì sẽ có hai luật khác nhau, hai đối tượng, hai tổ chức độc lập nhau, thậm chí chia cắt nhau, nhưng tiêu chuẩn và đặc biệt là địa vị pháp lý của họ thì pháp luật quy định là như nhau.

 

Ông chỉ ra nguyên nhân là do hiện nay không chấp nhận có luật sư công. Ông bày tỏ quan điểm: “Nếu không cấm luật sư công thì chúng ta hoàn có thể xây dựng Luật Luật sư và Luật Trợ giúp pháp lý trong cùng một văn bản pháp luật, một luật duy nhất”. Ông cũng cho rằng, lý do không chấp nhận luật sư công vì lo ngại vi phạm Pháp lệnh công chức là không ổn, đó là hiểu một cách máy móc. “Nếu hiểu như vậy thì công chức không được tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp là Đoàn luật sư. Vậy thì hiện nay Liên đoàn Bóng đá có các công chức ở Ủy ban Thể dục thể thao tham gia là đúng hay không?”, ông đặt câu hỏi.

 

Đức Hòa