1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chưa nên “nới” quy định cấm đốt pháo!

(Dân trí) - Nêu quan điểm “can gián” với đề xuất sửa quy định, cho phép đốt pháo không nổ dịp Tết 2014, Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Lê Việt Trường ngoài lo chủ trương bị lạm dụng còn cảnh báo người dân sẽ không thích “pháo công nghệ” như pháo nổ truyền thống.

Chính phủ đang xem xét đề xuất cho phép đốt pháo không nổ của Bộ Công an (hỏa thuật giải trí, do nhà máy Z121 của Bộ Quốc phòng sản xuất) và nếu triển khai nhanh, có thể bán trên thị trường dịp tết nguyên đán năm nay đang tạo không khí tranh luận từ phía người dân. Quan điểm của ông về đề xuất này?

Tôi có nghe thông tin đề xuất sửa quy định để cho phép người dân đốt loại pháo chỉ có hiệu ứng ánh sáng, âm thanh mà không gây tiếng nổ. Tôi cho rằng đề xuất về việc này vào thời điểm hiện nay là quá sớm.

Chúng ta thực hiện Chỉ thị 406 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ từ cách đây gần 20 năm và để đạt được hiệu quả như hiện giờ, tôi cho đó là một chính sách thành công điển hình dù việc này “động chạm” đến một tập tục, truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Ông cha ta có truyền thống đốt pháo nổ trong đêm giao thừa để xua đuổi tà ma, đen đủi, xua đuổi những cái xấu của năm cũ, để có không khí tưng bừng đón xuân, hi vọng một năm mới tốt đẹp hơn. Chúng ta đã làm thay đổi được nhận thức của người dân về sự lãng phí, ảnh hưởng môi trường cũng như sự nguy hiểm của việc đốt, sử dụng pháo nổ.
 
Còn sớm để “nới” quy định cấm đốt pháo?!
Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Lê Việt Trường (giữa): "Khi nào 2 giờ sáng đi đường người dân vẫn dừng trước đèn đỏ thì có thể cho đốt pháo lại".

Nhưng thời gian gần đây, do công tác quản lý lơi lỏng hơn, dịp tết đã thấy lại cảnh đốt pháo công khai, phổ biến như ở Hải Dương và một số tỉnh mà vừa qua Thủ tướng phải phê bình, khiển trách.

Tôi rất e ngại hướng diễn biến của việc này. Pháo làm ra, nếu có đúng chính tắc như thông tin (chỉ tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, không có tiếng nổ…) cũng sẽ làm xã hội, tâm lý người dân quay lại với không khí, thói quen đốt pháo trước đây. Tôi nghĩ có rất nhiều cách để tạo không khí sôi nổi cho ngày xuân, ngày tết. Còn cho đốt pháo có thể sẽ lợi bất cập hại.

Nhưng cơ quan đề xuất đã trình bày cụ thể, có sự thuyết phục về công nghệ?

Tôi thì thấy, ở góc độ thẩm tra chính sách, tôi sẽ nêu quan điểm là giờ chưa phải lúc vì nhận thức chung của nhân dân hiện giờ vẫn… chưa tới. Chúng ta vẫn đang phải nỗ lực củng cố kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị cấm đốt pháo, vậy mà nơi này nơi khác, chỉ lơi lỏng một chút đã lại chệch choạc. Khi “lệnh cấm” vẫn đang có hiệu lực còn thế, giờ nếu có quy định mới về việc cho đốt pháo thì rất có thể dẫn đến tâm lý hùa theo, tình hình sẽ rất khó kiểm soát.

Như ông nói, nếu đã cấm mà vẫn khó quản lý thì chi bằng nhà nước đưa ra một khung quy định sao để đảm bảo cho người dân được đốt pháo một cách an toàn?

Vấn đề là thử suy nghĩ xem nếu chỉ cho đốt loại pháo có hình thức là ánh sáng như pháo hoa thôi thì tôi sợ chưa hẳn người dân đã thích vì pháo nổ như trước đây tạo ra những yếu tố khác hoàn toàn, khi đốt có tiếng nổ giòn giã, có khói, có lửa, có mùi thuốc pháo thuốc súng… Những cái đó đã đi vào tiềm thức của từng người. Giờ chỉ cần thử ra ngoài làm một điều tra xã hội học xem có một loại pháo được bán trên thị trường, tương tự như một thiết bị điện tử, phát ra ánh sáng so với việc đốt pháo như trước đây, người dân thích cách nào ta sẽ biết ngay thôi. Tôi cam đoan người dân sẽ nói là thích đốt pháo kiểu truyền thống hơn.
 
Pháo không nổ được khẳng định là an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường (ảnh: TTO).
Pháo không nổ được khẳng định là an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường (ảnh: TTO).

Có ý kiến cho rằng, vấn đề là phải kiểm soát nguồn pháo chứ không nằm ở việc đề xuất cho đốt loại pháo nói trên. Tại sao hàng xóm của chúng ta là  Trung Quốc sau cùng cũng đã bỏ “lệnh cấm”, cho phép đốt pháo trở lại?

Trung Quốc cũng chỉ cho đốt pháo ở một số nơi nhất định chứ không phải cả nước. Từ một vài điểm mà lại nghĩ là Trung Quốc cho đốt pháo trở lại trên cả diện tích đất nước rộng lớn như thế thì không đúng. Đó là với những địa điểm người ta có thể kiểm soát được, không để đốt tràn lan, không theo kiểu nhà nào nhà nấy giăng một dây pháo dài từ trên xuống suốt một căn nhà 3-5 tầng để… đốt cho thích mắt.

Ngoài ra tôi nghĩ rất có khả năng khi loại pháo công nghệ này được bán ra, dù là đơn vị sản xuất khẳng định họ “độc quyền” nhưng khó có gì đảm bảo công nghệ không được “nhân bản” bên ngoài kèm theo đủ loại biến thể khác. Giờ chỉ cần nhà nước cho phép, người ta có thể làm y chang.

Tôi rất e ngại chuyện đưa ra vấn đề trong thời điểm này. Còn quá sớm.

Vậy theo ông khi nào mới là thời điểm thích hợp?

Nếu dân trí đã đạt đến mức độ mà nhà nước chỉ đưa ra những khuyến cáo, nhân dân tự nguyện chấp hành, thực hiện trong những giới hạn, khung lề rõ ràng để mỗi nhà vẫn được đốt pháo, đáp ứng thói quen, nhu cầu thực tế mà không vượt quá ngưỡng dẫn đến lãng phí, nguy hiểm… Còn hiện tại, tôi thấy chúng ta còn rất nhiều vấn đề phải đối mặt, làm được gì tốt cho môi trường chung thì nên làm.

Đợi đến khi trình độ phát triển chung của dân trí đạt được mức độ nhất định, tôi ví dụ, từ lĩnh vực khác để quy chiếu sang, khi nào mà vào lúc 2 giờ sáng người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam vẫn dừng trước đèn đỏ dù chỉ một mình một đường, không có cảnh sát giao thông, thì có thể cho đốt pháo lại.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)