Hy vọng một ngày tiếng pháo văn hóa sẽ quay lại
(Dân trí) - “Đề xuất cho phép đốt pháo hỏa thuật chỉ có hiệu ứng ánh sáng rất đáng hoan nghênh. Và đến lúc nào đó, kể cả pháo nổ cũng sẽ trở lại nhưng điều kiện là phải quản lý thật tốt” - đại biểu Dương Trung Quốc nói về đề xuất cho đốt pháo không nổ.
Đề xuất sửa quy định để cho phép đốt pháo không nổ của Bộ Công an đang được Chính phủ xem xét, chuẩn bị để sớm nhất Tết Nguyên đán 2014 có thể thực hiện. Tuy vậy, đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Ý kiến của cá nhân ông?
Đốt pháo không phải là truyền thống riêng của Việt Nam, cũng không phải của châu Á mà của rất nhiều cộng đồng cư dân trên thế giới. Nó bắt đầu từ những quan niệm về tâm linh, đời sống, từ mối liên tưởng giữa sức mạnh của thiên nhiên (ví dụ tiếng sấm) phản ánh vào tâm thức của con người. Mỗi quốc gia, mỗi vùng văn hóa có biểu hiện khác nhau về truyền thống này, phân biệt theo hướng pháo nổ và pháo sáng.
Đại biểu Dương Trung Quốc mong một ngày tiếng pháo văn hóa sẽ quay trở lại (Ảnh: Việt Hưng)
Thời kỳ đó, tôi đã chứng kiến có những bánh pháo mà lượng thuốc nổ chắc chắn có thể gây hỏa hoạn cho cả một khu dân cư. Tôi cho việc cấm vào thời điểm đó là đúng đắn.
Phân tích về quyết định “cấm pháo” khi đó, lý do không phải tự thân quả pháo có lỗi mà do công tác quản lý kém, ý thức người dân kém. Vậy thì nếu đi cùng việc quản lý tốt hơn, ý thức người dân được tăng cường hơn thì việc trở lại những sinh hoạt vốn có trong đời sống xã hội, tôi cho là tích cực. Cái khó là nhà quản lý phải cân đong, đo đếm được “chỉ số” này và thực hiện có lộ trình. Đặc biệt, việc cho phép đốt pháo phải đi liền với quản lý chặt chẽ.
Nói thế nghĩa là ông “bỏ phiếu thuận”, chào đón hướng sửa quy định để cho phép đốt pháo không nổ?
Đề xuất cho phép đốt pháo hỏa thuật chỉ có hiệu ứng ánh sáng tôi rất hoan nghênh. Và tôi nghĩ rằng đến lúc nào đó kể cả pháo nổ cũng vậy. Nhưng điều kiện là chúng ta phải quản lý tốt.
Tôi thấy một số nước từng cấm pháo cũng đang nới lỏng dần. Nếu trở lại được tiếng pháo của văn hóa ngày xưa thì tôi cho đó là điều tích cực, hết sức đáng mừng. Tôi chỉ băn khoăn là trong cơ chế thị trường, người ta luôn hướng tới lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán pháo. Và vì hiệu quả kinh tế mà có thể làm những quả pháo không có chất lượng, pháo độc hại, nguy hiểm cho người sử dụng cũng như ô nhiễm môi trường.
Như ông phân tích thì rõ ràng, tâm lý mong chờ thực sự của người dân hướng đến việc được đốt pháo nổ trở lại. Mở ra một cánh cửa đối với pháo không nổ cũng như một yếu tố khơi gợi, kích thích mở bung cánh cửa cuối cùng?
Tôi nhớ ấn tượng khi còn nhỏ thì xác pháo đẹp lắm, xé ra như cánh hoa đào. Cái mùi thuốc pháo thơm lắm vì lúc đó người ta chủ yếu làm pháo bằng than của rễ xoan và một chút diêm sinh. Nhưng sau này, người ta chuyển sang thái cực chỉ cần tiếng nổ, càng to càng tốt, theo tâm lý cạnh tranh nhau. Kích cỡ pháo ngày càng lớn, đến mức gây nguy hiểm…. Ngày xưa, khi quả pháo đang sống bình yên trong đời sống văn hóa, những việc đó không bao giờ xảy ra.
Những năm đầu tiên không được đốt pháo tôi cũng thấy bứt rứt lắm nhưng rồi cũng quen đi. Là người ít nhiều quan tâm tới văn hóa, tôi nghĩ trước sau cũng tới một ngày tiếng pháo trở lại trong đời sống văn hóa Việt Nam. Đó là một mong muốn tốt đẹp, là một đòi hỏi chính đáng nhưng cũng là vấn đề dân trí. Mỗi người dân phải ý thức được chuyện đó, cùng nhau chia sẻ, tự nguyện tuân thủ những giới hạn chung thì việc đưa pháo trở lại mới thành công được.
Vậy từ pháo không nổ tới pháo nổ cần qua chặng đường thế nào?
Thứ nhất là phải quản lý tốt. Quản lý nhà nước thế nào là yếu tố quan trọng nhất, quản lý tốt đi liền với những chế tài mạnh, nghiêm khắc đối với việc sản xuất, mua bán pháo lậu. Sau đó là vấn đề ý thức người dân. Khi “thèm” một tiếng pháo văn hóa thì mỗi người cũng phải biết đấu tranh chống lại tiếng pháo vô văn hóa.
Gần đây tôi cho là có một hướng đề xuất về giải pháp tôi rất đáng hoan nghênh: để đảm bảo chất lượng pháo thì chỉ “cấp phép” cho một số cơ sở sản xuất của nhà nước, do quân đội nắm giữ. Họ có công nghệ, có trách nhiệm, có điều kiện quản lý sản xuất tốt. Tôi cho đây là điều cần thiết.
Sau nữa phải quản lý chắc nguồn pháo. Còn nếu sau này, những làng pháo nổi tiếng, chẳng hạn như Bình Đà, khôi phục lại dưới sự quản lý chặt, được tạo hành lang pháp lý để phát huy được nghề truyền thống, mang lại lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn có trách nhiệm với người sử dụng thì cũng là bước phát triển bình thường.
Dự hội rước pháo ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), tôi thấy người dân tuân thủ rất nghiêm quy định, chỉ rước mô hình quả pháo không nổ, chứng tỏ người dân vẫn giữ truyền thống và hy vọng một ngày nào đó tiếng pháo lại nổ. Đó là điều đáng suy nghĩ, làm sao để cho ngày đó đến gần hơn. Trở lại giá trị văn hóa thì vấn đề quản lý phải đặt lên hàng đầu.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)