Pháo chưa đốt đã nóng tranh luận về trách nhiệm xã hội

(Dân trí) - Chủ đề pháo vẫn khiến dư luận sục sôi, khiến bầu không khí đã nóng nực vì cái nắng hè chói chang lại thêm dễ có nguy cơ… “bùng nổ”. Vấn đề trách nhiệm với xã hội càng được đi sâu phân tích, mổ xẻ qua nhiều phản hồi của bạn đọc.

Pháo hỏa thuật được cho là lửa nguội nên không phỏng tay
Pháo hỏa thuật được cho là lửa nguội nên không phỏng tay

 

Hương vị Tết nay

 

Số ủng hộ đốt pháo đã nhiều hơn đáng kể, nhưng theo nhận xét của chúng tôi, phản hồi của những người vẫn NÓI KHÔNG với pháo vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn hẳn. Những phân tích, góp ý của họ cũng có lý có tình hơn thông qua những dẫn chứng sát với thực tế cuộc sống và con người VN hôm nay.

 

Phản hồi với những thông tin mới nhất về phát biểu của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và khẳng định của Phó Giám đốc Nhà máy Z121 - ông Nguyễn Trí Dũng: Pháo hỏa thuật không thay thế pháo nổ, Nguyễn Gia Lộc nguyengialoc2012@yahoo.com bày tỏ:

 

“Tôi cũng mong muốn có tiếng pháo văn hóa vào những dịp kỷ niệm lớn, ngày tết nguyên đán. Tuy vậy lại rất lo những hành động không văn hóa của nhiều người, nhất là giới trẻ. Nhiều khi họ đùa một cách thiếu văn hóa như ném pháo vào những người khác, tưởng rằng đùa một tý có sao đâu, nhưng pháo nổ sát người thì hậu quả sẽ như thế nào, chắc mọi người đều biết. Vì thế tôi nghĩ chưa nên cho phép đốt pháo, nếu vội vàng cho phép ngay tết năm nay, tôi e rằng năm sau lại phải cấm vì pháo gây hậu họa cho nhiều người. Nói về ý thức thì dân mình đúng là… lạ lắm, có thể thấy rõ nhất về chuyện đó qua  việc chấp hành luật giao thông đó. Làm tốt luôn có lợi cho mọi người, nhưng tình trạng giao thông ở nước ta rối ra sao, ai cũng biết. Mỗi năm có hàng chục ngàn người bị tai nạn đó… Tôi e rồi pháo cũng như vậy thôi. Mong quý vị thông cảm, chưa nên cho đốt pháo vội nhé!”

 

Hoang Hoa thhuong1402@yahoo.com.vn khẳng định: 

 

“Vẫn thiếu thuyết phục. Là một người sinh ra và lớn lên trong giao thời giữa việc cho đốt pháo và sau đó là ngưng hẳn tiếng pháo ngày Tết, lúc đầu có lẽ tôi cũng như nhiều người có phần thấy hụt hẫng. Nhưng sau đó cũng thấy quen và lại thấy nhiều cái được với những cái Tết không pháo nổ. Không nhiều người già phải lên cơn cao huyết áp hoặc ngất xỉu vì phải chịu ảnh hưởng của pháo của những nhà hàng xóm kém văn minh nổ vô tội vạ... Không còn cảnh nhiều trẻ em vì chơi pháo hoặc là nạn nhân của những trò nghịch dại của người khác mà phải nhập viện vì hỏng mắt, điếc tai hay bỏng tay chân...

 

Cuộc sống đang yên bình và ai cũng phải gắng sức vượt qua thời buổi kinh tế nước nhà đang lúc khó khăn. Thử hỏi xem có bao nhiêu phần trăm người dân đang có nhu cầu bức thiết phải có loại pháo hoa không nổ này để giải trí? "Lửa nguội nên không bỏng tay" ư? Nhưng liệu các anh có chứng minh được là nó không gây hỏng mắt nếu bị bắn vào? Khói pháo có gây độc và ô nhiễm môi trường xung quanh hay không? Tôi nghĩ, nên tập trung nghiên cứu những việc thiết thực ích nước lợi nhà hơn là kinh doanh những thứ mà nhu cầu thực sự chưa đến mức quá cần phải có ngay!”
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Nỗi nhớ Tết xưa

 

Trong số phản hồi ủng hộ đốt pháo, chúng tôi cũng chỉ có thể đưa lên một vài ý kiến đại diện cho quan điểm ôn hòa, cho dù là tranh luận vẫn mang tính chất xây dựng (chứ không quá gay gắt, chỉ trích và thậm chí cả dùng những lời lẽ thiếu lịch sự... )

 

“Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của ông Quốc. Tôi tin rằng việc ông nêu ra không phải vì ông là người thích nghe tiếng pháo, mà tôi nghĩ tiếng pháo ở đây là tiếng pháo của văn hoá của truyền thống dân tộc của một  phong tục, nó không đơn thuần chỉ là tiếng pháo theo cách hiểu đơn giản. Tôi hiểu rằng việc cho pháo "hoạt động" trở lại là cần thiết, vì hiện nay có rất nhiều người đang dần đánh mất đi văn hoá Việt mà chạy theo văn hoá nước ngoài. Những loại hình văn hoá ấy không phải cái gì cũng tốt, mà mất văn hoá là mất nhiều thứ… Việc gây nguy hiểm cho cộng đồng là có thể, nhưng nếu nhà nước quản lý thật sự tốt thì việc cho pháo quay trở lại là rất đáng hoan nghênh” -  Nguyễn Xuân Mừng:  xavimung@gmail.com

 

“Hoan nghênh ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc. Ai sống ở đô thị khi không có tiếng pháo có thể vẫn vui bởi đô thị sầm uất, ồn ào, náo nhiệt. Nhưng tôi và nhiều người sống ở miền núi, vùng sâu vùng xa thật sự quá buồn với quyết định cấm pháo. Nhưng là đảng viên, chúng tôi vẫn chấp hành. Thực lòng khi tết đến không có tiếng pháo lại không có bất kỳ hoạt động nào để cho dân chúng vui chơi lúc giao thừa,  buồn không thể kể hết…” -   Quách Đình Lực:  quachdinhluc@yahoo.com.vn

 

“Tôi  vẫn mong ước một ngày nào đó được nghe lại tiếng pháo nổ với mùi thơm đặc trưng của nó, sáng mùng 1 tết đi bới trong đống xác pháo hồng để tìm những viên pháo chưa kịp nổ. Đốt pháo trong ngày Tết cũng là một nét đẹp, độc đáo của văn hóa Việt mà đã có từ bao đời nay. Tôi ủng hộ đốt pháo nhưng chỉ được đốt đêm giao thừa. Chúng ta sẽ quản lý tốt, chặt chẽ từ cấp địa phương  và tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân chấp hành quy định của Chính phủ trong việc đốt pháo. Tôi nghĩ, cho đốt pháo trở lại là hợp lòng đại đa số những ai đã từng trải qua những cái tết được nghe và được ngửi mùi của pháo” - Ngọc Hồi:  ngochigv@gmail.com...

 
Kết hợp hài hòa 
 

Vậy nên chăng chúng ta nên ủng hộ đốt pháo nhưng phải có điều kiện như Nguyễn Mạnh Tuyến  tuyenttmt@gmail.com chia sẻ: :

 

“Tôi rất đồng tình với ĐB Dương Trung Quốc ."Tôi nhớ ấn tượng khi còn nhỏ thì xác pháo đẹp lắm, xé ra như cánh hoa đào. Cái mùi thuốc pháo thơm lắm....". Cái nét đẹp văn hóa đó theo lớp thế hệ chúng tôi đến tận bây giờ, mong sao con cháu chúng ta cũng có quyền được hưởng những nét đẹp truyền thống, nét đẹp văn hóa cha ông đã ngàn đời tạo dựng. Nhưng với cách thức quản lý của của các bộ ngành, các cấp chính quyền như hiện nay, thì theo tôi là VN chưa nên đặt vấn đề cho phép đốt pháo trở lại dưới bất kỳ hình thức nào. Người ta sẽ lợi dụng về việc cho phép, cộng với sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền như nhiều vấn đề bức xúc hiện nay vẫn chưa được giải quyết đó. Hậu quả của việc cho phép dùng pháo (nếu có vấn đề nghiêm trọng xảy ra) rồi cũng có ai chịu trách nhiệm đâu. Vì vậy theo tôi, khi nào đích thân các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND thành phố và các tỉnh khẳng định về việc này, thì Thủ tướng Chính phủ mới nên xem xét giải quyết”…

 

Khánh Tùng