Chủ tịch Quốc hội: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là mối quan hệ hiếm có

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là một trong những mối quan hệ hiếm có trên thế giới, là tài sản rất quý mà hai nước cần gìn giữ, trân trọng và phát huy.

Chiều 1/5, tại nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Kishida Fumio đang thăm chính thức Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng chào đón Thủ tướng Kishida Fumio - người bạn thân thiết lâu năm của Việt Nam và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam; tin tưởng, chuyến thăm của Thủ tướng sẽ là dấu mốc làm sâu sắc, hiệu quả và thực chất hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. 

Chủ tịch Quốc hội: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là mối quan hệ hiếm có - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đón Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại tòa nhà Quốc hội (Ảnh: Mạnh Quân).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn và quyết tâm đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á với Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực và trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ vui mừng được gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội và Quốc hội Việt Nam đã dành cho đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Nhật Bản sự đón tiếp nồng ấm và long trọng.

Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước và giao lưu nghị sỹ hai nước; chia sẻ đã có 25 năm là thành viên Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt và luôn rất nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nghị viện Nhật Bản với Quốc hội Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là mối quan hệ hiếm có - 2

Cuộc hội kiến diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản (Ảnh: Mạnh Quân).

Thủ tướng Kishida Fumio cảm ơn Chủ tịch Quốc hội ngay khi được bầu làm người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam đã rất tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước thông qua các cuộc hội đàm trực tuyến, trực tiếp với Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản.

Trước đó, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã có những đóng góp hết sức quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại…

Với gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hiện nay là quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là một trong những mối quan hệ hiếm có trên thế giới, là tài sản rất quý mà hai nước cần gìn giữ, trân trọng và phát huy.

Chủ tịch Quốc hội: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là mối quan hệ hiếm có - 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Mạnh Quân).

Bày tỏ hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Kishida Fumio về "hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không có giới hạn nào", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở quan hệ chính trị rất tốt đẹp và tình cảm tin cậy giữa hai nước, Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn có thể đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn nữa. 

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sẽ nỗ lực làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, duy trì các chuyến thăm cấp cao và các cấp, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan chuyên môn của Quốc hội hai nước. Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm NSHN Việt Nam - Nhật Bản do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm Chủ tịch.

Quốc hội Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế trên cả 3 trụ cột: Chiến lược phát triển; nâng cao năng lực hạ tầng, sản xuất và chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Quốc hội Việt Nam cũng sẽ tăng cường hoàn thiện thể chế, tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có Nhật Bản - đối tác hết sức quan trọng của Việt Nam về đầu tư, thương mại; đã và sẽ sẵn sàng tháo gỡ những rào cản để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn nữa. 

Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn Nhật Bản hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong việc kết nối hạ tầng Đông Tây giữa Việt Nam với Lào và các nước trong khu vực ASEAN; tiếp tục trao đổi, đào tạo cán bộ cấp cao, thúc đẩy hợp tác về tu nghiệp sinh và tăng cường hợp tác về lao động; tiếp tục hợp tác tháo gỡ khó khăn trong các dự án đầu tư lớn giữa hai nước.

"Tôi khẳng định lại với ngài Thủ tướng, trong thúc đẩy hợp tác nếu có vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì chúng tôi sẵn sàng làm hết sức mình", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là mối quan hệ hiếm có - 4

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ảnh: Mạnh Quân).

Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ hoàn toàn nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội và cho rằng, trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch thì việc triển khai thực hiện các dự án lớn, có sức lan tỏa (bao gồm cả các dự án ODA) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thủ tướng Kishida Fumiomong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Nhật Bản về vấn đề này; đề nghị hai nước cùng nhau nỗ lực giải quyết những vướng mắc để các dự án hợp tác tiến triển tốt đẹp. 

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Kishida Fumio đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới như IPU, AIPA, APPF… góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Hai Bên cam kết tăng cường phối hợp duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực; tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong các hoạt động trên biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. 

Chủ tịch Quốc hội: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là mối quan hệ hiếm có - 5

Hai nhà lãnh đạo tại cuộc hội kiến (Ảnh: Mạnh Quân).

Về tình hình Ukraine, Chủ tịch Quốc hội khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền tự quyết, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của từng quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; kêu gọi các bên kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài, có tính đến lợi ích chính đáng của nhau, tôn trọng nhau trong các quan hệ quốc tế. Việt Nam đã bày tỏ quan điểm toàn diện về vấn đề nhân đạo, cuộc sống bình thường của người dân và sẵn sàng đóng góp tích cực cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Việt Nam và Nhật Bản không chỉ tăng cường quan hệ hợp tác song phương mà còn tăng cường quan hệ Nhật Bản - ASEAN trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. 

Nhân dịp này, qua Thủ tướng Kishida Fumio, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Hosoda Hiroyuki sang thăm Việt Nam. 

Thủ tướng Nhật Bản cho biết sẽ chuyển lời mời của Chủ tịch Quốc hội đến Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Hosoda Hiroyuki; tin tưởng năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ mở ra thời kỳ mới cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.