Chủ tịch Quốc hội đề nghị công tâm, khách quan trong ghi phiếu tín nhiệm
(Dân trí) - Đề cập đến một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu công tâm, khách quan trong ghi phiếu tín nhiệm với từng chức danh.
Yêu cầu này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, sáng 23/10.
Ông Huệ cho biết đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và kế hoạch năm 2024, trong đó có phương án cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Quốc hội cũng xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Cho biết Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến vào 8 luật khác, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh để chuẩn bị công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
"Các nội dung thay đổi về chính sách phát sinh trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đều yêu cầu Chính phủ có ý kiến bằng văn bản và đánh giá kỹ tác động trước khi đưa vào dự thảo luật", ông Huệ nói.
Riêng với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết về cơ bản, dự án luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể. Tuy nhiên, hiện dự án luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất.
Ông đề nghị Quốc hội tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau.
"Với các nội dung có thiết kế 2 phương án, đề nghị phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, xem xét khách quan, toàn diện để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo chất lượng, tính ổn định, dài hạn của luật này khi được Quốc hội thông qua", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một nội dung quan trọng khác của kỳ họp này, là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ông Huệ nhấn mạnh đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
"Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn", ông Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khối lượng công việc tại kỳ họp 6 "rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp", đặt ra yêu cầu rất cao với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội.
Vì thế, ông đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu nhân dân; phát huy tinh thần dân chủ đối với từng nội dung của kỳ họp.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong 22 ngày, chia theo hai đợt: Đợt 1 họp trong 15 ngày, từ ngày 23/10 đến 10/11; đợt 2 họp trong 7 ngày, từ ngày 20/11 đến 28/11.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quốc hội cũng cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Ngoài ra, Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.