Lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh ngay đầu kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV
(Dân trí) - Toàn bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về công nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Tại họp báo về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 19/10, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho hay, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 23/10 và dự kiến bế mạc vào sáng 29/11 tại Nhà Quốc hội.
Kỳ họp thứ 6 kéo dài 22,5 ngày, chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11 và Đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 1 dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là một trong những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Về báo cáo kê khai tài sản đối với những chức danh sẽ được tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng ban Ban công tác đại biểu (Ủy ban thường vụ Quốc hội), cho biết theo quy định Nghị quyết 96, đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhận được đầy đủ tất cả các báo cáo của người có liên quan.
Theo quy định, các báo cáo được gửi đến các đại biểu Quốc hội trước 20 ngày. Đến thời điểm hiện tại, các báo cáo này đã được gửi cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm, theo quy định, toàn bộ thông tin kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về công nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Sau đó, Văn phòng Quốc hội công bố chính thức thông tin để cơ quan báo chí, để người dân theo dõi.
Lý giải về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay từ đầu kỳ họp, Phó trưởng ban Ban Công tác đại biểu thông tin, việc đánh giá công tác cán bộ được thực hiện xuyên suốt từ đầu kỳ đến nay. Cho nên, lấy phiếu tín nhiệm là việc làm bình thường.
Việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được lựa chọn phương án ngay từ đầu kỳ họp. Quốc hội dự kiến dành 1,5 ngày làm công tác lấy phiếu, trong đó có phiên thảo luận tại Đoàn để đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý kiến về người lấy phiếu, đánh giá công tác cũng như kê khai tài sản.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo Nghị quyết 96, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy, căn cứ các quy định, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh.
Điều đó đồng nghĩa Quốc hội sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, 2 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, do 5 vị này được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm trong năm 2023.
"Danh sách người giữ chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và phê chuẩn chính thức vào ngày 24/10 - ngày thứ 2 kỳ họp", ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.
Bên cạnh đó, kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội; xem xét báo cáo công tác tư pháp; Chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4…
Tính đến nay, Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Lần đầu tiên là năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 người và tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh.