(Dân trí) - "Việc đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng. Vì vậy, ai không dám làm, hãy đứng sang một bên", Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh.
Ủng hộ quyết tâm này, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nhận định cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
"Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả rõ nét đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân", PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh khi chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn - 2024 và kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được thực hiện quyết liệt, với nhiều cách làm mới, có chiều sâu, đồng bộ, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước đây đã được bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và "tiêu cực". Tổng Bí thư nhấn mạnh trọng tâm là phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cho biết Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đi vào hoạt động, bước đầu có kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Theo người đứng đầu Đảng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh để từng bước tiến tới "không dám", "không thể", "không muốn", "không cần" tham nhũng.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được đổi mới, tăng cường trên cơ sở ban hành, thực hiện đồng bộ nhiều quy định mới, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ", "chủ nghĩa cá nhân", "tha hóa quyền lực" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, theo đánh giá của Tổng Bí thư.
Việc này, theo Tổng Bí thư, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, kỷ cương, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân (nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng), cũng cho rằng sự quyết liệt, mạnh mẽ trong công cuộc chống giặc nội xâm thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, được người dân ủng hộ, tin tưởng.
Song song với sự hưởng ứng tinh thần "không có ngoại lệ" trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề cán bộ e sợ, né tránh trách nhiệm với quan niệm "làm ít sai ít, không làm không sai" cũng bắt đầu xuất hiện, trở thành nỗi băn khoăn lớn và được đề cập nhiều trên diễn đàn Quốc hội.
Thiếu tướng Quân cho rằng nguyên nhân sâu xa của thực trạng này không phải xuất phát từ cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt, mà nguyên nhân đầu tiên do bản thân cán bộ luôn muốn mình "tròn trĩnh", không có khuyết điểm.
Để giải quyết tình trạng này, ông Quân cho rằng cần cơ chế quy định cán bộ không làm việc, không hoàn thành nhiệm vụ cũng phải bị truy trách nhiệm, coi đây là tiêu chí đánh giá cán bộ hàng quý, hàng năm.
"Cùng với quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phải thúc đẩy cái tinh thần dám nghĩ và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám đột phá, sáng tạo vì lợi ích chung", ông Quân nhấn mạnh.
Dẫn số liệu điều tra dư luận xã hội mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho biết có 93% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Nhiều ý kiến cho rằng kết quả to lớn đạt được trong 10 năm qua không chỉ dừng lại ở những con số như: hàng trăm vụ án, vụ việc được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý; hàng nghìn bị cáo bị truy tố, xét xử nghiêm minh; hàng nghìn cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc; hàng chục nghìn tỷ đồng cùng hàng triệu m2 đất được thu hồi về cho Nhà nước.
Quan trọng hơn, đó là việc củng cố được niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. "Nếu dân tin Đảng, Đảng dựa dân sẽ tạo thành sức mạnh vô địch để đưa đất nước phát triển", theo lời ông Phúc.
PGS.TS Vũ Văn Phúc nhận định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và của toàn hệ thống chính trị.
Trong bối cảnh mới với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ông Phúc góp ý công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải kết hợp giữa xây và chống, xây là chính, chống để xây.
Bên cạnh đó, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nhìn lại cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua, ông Phúc nhấn mạnh kết quả hàng loạt vụ án được phanh phui, xét xử nghiêm minh; nhiều ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị vi phạm phải đi tù, bị thu hồi tài sản với số tiền lên đến hàng triệu USD.
Theo thống kê, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ án tham nhũng với 5.841 bị can; truy tố 2.628 vụ, 6.199 bị can. Đặc biệt, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, các cơ quan đã khởi tố, điều tra khoảng 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó riêng các tội về tham nhũng đã có 455 vụ, 1.054 bị can bị khởi tố, điều tra.
"Những con số trên cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng, Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, đưa nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này không chỉ là tuyên ngôn chính trị mà đã trở thành hành động thực tế", ông Phúc nói.
Nhưng thực tế hiện nay đang biến động nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định của tình hình, nhiều vấn đề mới nảy sinh trong khi pháp luật hiện hành chưa dự báo hết, đòi hỏi cán bộ phải năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Từ thực tế đó, ông Phúc cho rằng Đảng, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Để cụ thể hóa chủ trương này, một mặt phải kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội những cán bộ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Mặt khác phải khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám dấn thân vì lợi ích chung.
Ví dụ, khi cán bộ có ý tưởng đổi mới sáng tạo cần báo cáo cấp ủy, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp để được ghi nhận ý tưởng, tạo điều kiện triển khai. Nếu cán bộ thực hiện thành công thì khen thưởng. Trường hợp không thành công vì lý do khách quan, cán bộ phải được bảo vệ bằng các biện pháp như miễn kỷ luật, không phải bồi thường thiệt hại về vật chất, tài chính.
Nhưng ngược lại, nếu cán bộ lợi dụng cơ chế này làm liều, lợi dụng vì mục đích cá nhân, ông Phúc khẳng định cần chế tài xử lý nghiêm minh.
Về phía địa phương, theo ông Phúc, cấp ủy, bí thư cấp ủy ở cơ sở phải cụ thể hóa thành cơ chế, quy định phù hợp với tình hình cụ thể từng địa phương để thực hiện.
Khi có vụ việc xảy ra cấp ủy phải thành lập Hội đồng gồm những thành viên có phẩm chất, có trình độ đánh giá khách quan, công tâm để xác định động cơ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ xem có vì lợi ích chung hay không.
"Để cấp ủy các cấp thực hiện đúng với tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải không có vùng cấm, không có ngoại lệ, cần có những cơ chế thưởng phạt phân minh", ông Phúc nói.
Ông khẳng định nếu công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đúng như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", những hành vi tham nhũng sẽ không còn đất sống.