1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chồng bạo hành vợ rồi lại lấy tiền của chung để đóng phạt?

Phùng Minh

(Dân trí) - "Việc phạt tiền đôi khi chưa ổn, thiếu tính răn đe, bởi tiền là do vợ chồng cùng làm ra. Người chồng có hành vi bạo lực với vợ nhưng lại lấy tiền chung của hai người để đóng phạt".

Hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo báo cáo của Bộ Công an (cơ quan soạn thảo), sau 2 năm thực hiện Nghị định 144, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.091 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bạo lực gia đình, xử phạt 1.149 đối tượng với tổng số tiền phạt trên 8,45 tỷ đồng.

"Các hành vi chủ yếu là sử dụng công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình. Trong đó, xử phạt các hành vi đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự có 470 vụ, 612 cá nhân, tổ chức vi phạm", Bộ Công an thông tin.

Chồng bạo hành vợ rồi lại lấy tiền của chung để đóng phạt? - 1

2 năm thực hiện Nghị định 144, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.091 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bạo lực gia đình (Ảnh minh họa: tapchitaichinh).

Bộ Công an cho rằng một hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình được xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khá khó khăn vì quan hệ giữa các chủ thể là quan hệ về hôn nhân gia đình, chịu sự điều chỉnh nhiều bởi quy phạm đạo đức.

Hơn nữa, đặc điểm tâm lý cũng như trình độ, nhận thức về pháp luật, xã hội, bình đẳng giới của một bộ phận người bị hại còn hạn chế khiến nhiều vụ không được trình báo chính quyền và công an.

Từ đó Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung các mức xử phạt liên quan đến vi phạm về xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên trong gia đình; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ; cưỡng bức, kích động, xúi giục người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình…

Gửi ý kiến góp ý với dự thảo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đánh giá mức xử phạt trong một số điều khá cao, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thu tiền phạt.

Cơ quan này dẫn ví dụ, mức phạt về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 5-8 triệu đồng và về phòng, chống bạo lực gia đình từ 5-10 triệu đồng.

"Trong thực tiễn, đa số đối tượng bị áp dụng xử phạt hành chính đối với nhóm hành vi này là những người không có nghề nghiệp ổn định, gia đình khó khăn", cơ quan này phân tích.

Hơn nữa, tại mục 4 chương II Nghị định số 144/2021 quy định mức tiền phạt tối thiểu là 500 nghìn đồng, tối đa 30 triệu đồng trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân. Như vậy khoảng cách giữa mức phạt tối thiểu và tối đa chênh nhau tới 60 lần, trong khi có nhiều hành vi bạo lực gia đình lại chưa có chế tài xử phạt, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

"Việc phạt tiền đôi khi chưa ổn, thiếu tính răn đe, bởi tiền là do vợ chồng cùng làm ra. Bằng chứng là người chồng có hành vi bạo lực với vợ nhưng lại lấy tiền chung của hai người trong gia đình để đóng phạt. Điều này khiến nạn nhân không muốn tố cáo hành vi bạo lực trong lần tiếp theo và cũng không giúp cho việc răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực", Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nêu ý kiến.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm