1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cập nhật thông tin bạo lực gia đình vào cơ sở dữ liệu 3 tháng/lần

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, cập nhật 3 tháng/lần theo thông tin về người có hành vi bạo lực, người bị bạo lực gia đình…

Chiều 8/7, Bộ Tư pháp công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (gọi tắt là cơ sở dữ liệu) đang được tổ chức thẩm định.

Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (cơ quan soạn thảo), đến nay Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình dành một điều (Điều 43) quy định về cơ sở dữ liệu này và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Cập nhật thông tin bạo lực gia đình vào cơ sở dữ liệu 3 tháng/lần - 1

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu về bạo lực gia đình trên toàn quốc (Ảnh minh họa).

Tạo lập thông tin về người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực

Dự thảo đề xuất, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu được cập nhật, kết nối, chia sẻ và sử dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Thông tin về nội dung quản lý nhà nước trong cơ sở dữ liệu gồm: Số văn bản chính sách, pháp luật; kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành; số vụ bạo lực gia đình; người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình; hành vi bạo lực gia đình; nguyên nhân, hậu quả…

Cơ sở dữ liệu còn ghi nhận biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; số vụ bạo lực gia đình được xử lý, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; số tin báo, trình báo, tố giác, kiến nghị khởi tố về hành vi bạo lực gia đình và kết quả xử lý hình sự, hành chính…

Cơ quan soạn thảo đề xuất việc tạo lập dữ liệu về vụ việc bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực phải thực hiện ngay sau khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý vụ việc. Việc tạo lập được thực hiện định kỳ 3 tháng/lần.

Các dữ liệu được tạo lập theo thông tin về người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực gia đình gồm: Số định danh cá nhân/căn cước (số hộ chiếu, quốc tịch, giới tính, năm sinh đối với người nước ngoài); mối quan hệ với người bị bạo lực gia đình; hành vi bạo lực đã thực hiện; thời điểm thực hiện hành vi; tình trạng sức khỏe của người thực hiện hành vi bạo lực.

"Việc cập nhật, chia sẻ, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phòng, chống bạo lực gia đình và an toàn thông tin", dự thảo nhấn mạnh.

Cập nhật thông tin bạo lực gia đình vào cơ sở dữ liệu 3 tháng/lần - 2

Vụ án một bé gái 8 tuổi bị bạo hành tới chết ở TPHCM từng khiến nhiều người thương cảm (Ảnh: Hải Long).

Ai có quyền tạo lập thông tin vào cơ sở dữ liệu?

Dự thảo đề xuất công chức văn hóa - xã hội tạo lập dữ liệu về nội dung quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm xử lý Chủ tịch UBND cấp xã và UBND cấp xã.

Phòng văn hóa và thông tin tạo lập dữ liệu về nội dung quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm xử lý Chủ tịch UBND cấp huyện và trách nhiệm của UBND cấp huyện.

Cơ quan chuyên môn về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh tạo lập dữ liệu thuộc trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp tỉnh và UBND cấp tỉnh.

Cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, TAND tối cao, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện tạo lập dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của mình.

Cơ sở dữ liệu đó sẽ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức… thông qua số định danh cá nhân.

Đáng chú ý, cơ sở dữ liệu kết nối với Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia và cho kết quả các trường dữ liệu gồm: Tổng số vụ bạo lực gia đình; số người bị bạo lực gia đình; số người có hành vi bạo lực gia đình; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực; tổng hợp về tình hình phòng, chống bạo lực gia đình trên toàn quốc, cũng như bạo lực gia đình chia theo tỉnh, huyện, xã.

Số liệu không trùng khớp, chênh lệch rất lớn

Tổng kết thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy số liệu về bạo lực gia đình giữa các ngành không trùng khớp, còn khoảng cách rất lớn giữa thống kê từ các cơ quan quản lý với số liệu cung cấp của ngành tòa án và nguồn điều tra.

"Điều này dẫn đến việc tham mưu quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình không đảm bảo tính chính xác, hiệu quả", Bộ nhận định.

Do đó, theo cơ quan này, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn quản lý nhà nước hiện nay.